Theo báo The Guardian, tuyên bố của Hội đồng Bảo an "bày tỏ sự lo ngại sâu sắc về việc duy trì hòa bình và an ninh của Ukraine" và lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ đối với Tổng thư ký Antonio Guterres trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho "tranh chấp".
Tuyên bố viết: "Hội đồng Bảo an nhắc lại rằng theo Hiến chương của Liên Hợp Quốc, tất cả các quốc gia thành viên phải thực hiện nghĩa vụ giải quyết các tranh chấp quốc tế thông qua các biện pháp hòa bình. Hội đồng Bảo an bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với những nỗ lực của Tổng thư ký trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình".
Tuyên bố được thông qua vào ngày 6/5 là lần thể hiện nhất trí đầu tiên của Hội đồng Bảo an kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2. Theo Mexico - quốc gia đồng soạn thảo tuyên bố cho biết, việc Nga đồng ý với tuyên bố cho thấy sự sẵn sàng về mặt ngoại giao của nước này.
Nga, quốc gia có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an, đã cản trở các nỗ lực trước đó nhằm thông qua một tuyên bố về Ukraine.
Tổng thư ký LHQ Guterres đã tới thăm Moscow và Kiev vào cuối tháng 4. Cho tới giờ, ông đã dàn xếp thành công hai cuộc sơ tán dân thường khỏi nhà máy thép Azovstal ở thành phố Mariupol, Ukraine.
Các diễn biến bên lề cuộc chiến Nga - Ukraine
- Báo The Guardian dẫn tin từ Nhà Trắng cho biết, nhóm các nhà lãnh đạo G7, gồm cả Tổng thống Mỹ Joe Biden, sẽ có một cuộc gọi qua video với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhằm thể hiện sự đoàn kết trước khi Nga kỷ niệm Ngày Chiến thắng.
- Chính phủ Anh cho biết, sẽ trao cho Ukraine 287 máy phát điện di động, bổ sung thêm cho số 569 máy phát điện đã tặng cho nước này trước đó.
- Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập Đại sứ Anh tại Nga Deborah Bronnert để phản đối việc London áp trừng phạt mới với truyền thông Nga. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, Moscow sẽ tiếp tục đáp trả gay gắt và dứt khoát mọi lệnh trừng phạt của London.
- Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden đã tới Đông Âu khi thực hiện chuyến công du kéo dài bốn ngày, bắt đầu từ 6/5 để tái khẳng định những cam kết của Mỹ với Ukraine.