Nhẹ nhàng vượt 'bão giá' nhờ bí quyết quản lý tài chính của người Nhật

Trải qua hai năm 2020-2021, phải chiến đấu với dịch bệnh COVID-19, bước sang năm 2022 chúng ta tiếp tục phải đối đầu với cuộc khủng hoảng tài chính mang tên “lạm phát”. Bão giá đã len lỏi đến từng hộ gia đình, đánh thẳng vào ví tiền các chị em nội trợ khiến các chị em phải “thắt lưng buộc bụng”. 

Nhìn vào biểu đồ so sánh giá cả các sản phẩm thiết yếu năm 2021-2022, có thể thấy đa số các mặt hàng đều tăng, dao động từ 6% lên đến 50%.

hoc-cach-quan-ly-tai-chinh-cua-nguoi-nhat-chi-tieu-thong-minh-vuot-qua-bao-gia-1656764092.png

Tình cờ, tôi biết tới phương pháp quản lý tài chính Kakeibo - "sổ cái tài chính gia đình", được Hani Motoko - nữ nhà báo đầu tiên của Nhật Bản sáng chế ra vào năm 1904 và lối sống tối giản của người Nhật. Tôi đã chắt lọc và thử áp dụng vào thực tế cuộc sống ở Việt Nam.

phuong-phap-kakeibo-tiet-kiem-cua-nguoi-nhat-ban-1656764338.jpg
Phương pháp quản lý tài chính Kakeibo - "sổ cái tài chính gia đình"

Kết quả, chỉ trong vòng một năm, tôi đã tiết kiệm được gần 100 triệu đồng. Con số không hẳn cao đối với nhiều người, nhưng đối với tôi, đó cũng là một thành tựu nho nhỏ và tôi cũng có thể tự tin vượt qua giai đoạn bão giá như hiện nay. Tiền làm ra bao nhiêu cũng hết nếu như bạn không biết cách chi tiêu và tiết kiệm hợp lý.

Ghi chép chi tiêu, xác định số tiền cố định phải chi tiêu 1 tháng

Đây là bước đầu tiên nhưng cũng là bước quan trọng nhất và khó khăn nhất. Cuộc sống bận rộn khiến chúng ta dễ dàng bỏ qua bước này và chỉ thực hiện ở mức “áng chừng”. Tuy nhiên, nếu bạn chịu khó bỏ ra 1-2 tháng đầu làm việc này, bạn sẽ thấy nó vô cùng đơn giản. Tôi đã thực hiện việc ghi chép chi tiêu đơn giản như sau:

- Ghi chép những khoản tiền cố định chắc chắn tháng nào cũng phải bỏ ra số tiền như vậy.

- Đi chợ/siêu thị 1 tuần 1 lần, vừa tiết kiệm thời gian vừa hạn chế việc ghi chép quá nhiều. Tôi có thói quen giữ lại những tờ biên lai khi đi siêu thị để tiện cho việc ghi chép việc chi tiêu.

- Ghi chép chi tiêu vào sổ, ghi chú trên điện thoại, app chi tiêu hoặc file excel trên máy tính.

Sau một thời gian từ 1-2 tháng tôi có thể chủ động biết được khoản tiền cố định tôi phải chi hàng tháng. Ngoài ra, việc ghi chép này cũng giúp tôi nhận ra những khoản chi tiêu nào của mình đang lãng phí. Tôi xác định số tiền chắc chắn phải tiêu trong tháng và cất riêng khoản này mỗi khi lĩnh lương và cố gắng không tiêu quá số tiền này.

cach-chi-tieu-tiet-kiem-2022-1656765497.jpg
Ảnh: Phí Hồng Nhung/Osaka

Chia nhỏ tiền lương theo từng mục đích khác nhau

Sau khi xác định số tiền cố định phải chi tiêu trong 1 tháng, tôi chia nhỏ số tiền lương theo từng mục đích khác nhau. Tùy theo nhu cầu của mỗi cá nhân mà chia theo từng khoản khác nhau. Đối với tôi, tôi chia nhỏ tiền lương hàng tháng theo 5 quỹ như sau:

- Quỹ chi tiêu cố định: 47% lương (tiền thuê nhà, điện nước, di chuyển, ăn uống…)

- Quỹ hưởng thụ cá nhân: 8% lương (mua sắm, gặp gỡ bạn bè, hiếu hỉ, du lịch 1 năm/1 lần)

- Quỹ thất nghiệp, bệnh tật: 5% lương

- Quỹ tiết kiệm: 35% lương

- Quỹ đầu tư: 5% lương

Thực hiện triệt để mục tiêu đề ra

Sau khi đã chia nhỏ tiền lương thành nhiều quỹ khác nhau, việc tiếp theo đó chính là bạn sử dụng chúng như thế nào. Các khoản tiết kiệm tôi tuyệt nhiên không chạm tới và cố gắng chi tiêu trong hạn mức mình đã đề ra. Tôi tập cho mình thói quen “trì hoãn sự thích thú”. Đây là một trong những bài học tài chính đầu tiên mà cha mẹ Nhật dạy cho con trẻ từ khi chúng còn rất bé.

Cha mẹ thường nhắc nhở trẻ rằng càng tiết kiệm được nhiều chúng sẽ càng mua được những đồ cá nhân có giá trị trong tương lai. Đó là lý do tại sao, các phụ huynh Nhật Bản thường khuyến khích con em mình gửi tiền “lì xì” vào ngân hàng, thay vì chi tiêu cho những ham muốn nhất thời của chúng. Theo thời gian, điều này sẽ giúp các đứa trẻ rèn luyện khả năng quản lý tài chính cá nhân.

Bùi Xuân Thắng