Hoàn thiện thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa

Trong bối cảnh hiện nay, trước những thời cơ, thách thức đặt ra với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, việc quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, hoàn thiện thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa chính là xây dựng đồng bộ thể chế phát triển, đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người, giải quyết các vấn đề xã hội.
hoan-thien-the-che-chinh-sach-va-nguon-luc-cho-phat-trien-van-hoa-1670758133.jpg
Các thí sinh tham dự cuộc thi Hoa hậu Du lịch Thế giới năm 2022 chụp ảnh lưu niệm cùng đội dâng hương tại Đền Đá, xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Ninh, cần có sự kết hợp giữa phát triển văn hóa với phát triển du lịch để giữ gìn bản sắc dân tộc và tạo nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa. 

Thời gian qua, tác động của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang đến thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, nhiều giải pháp quyết liệt nhằm thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” phục hồi và thúc đẩy kinh tế - xã hội; đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Để phát triển văn hóa gắn với phát triển kinh tế xã hội,  thể chế, chính sách và nguồn lực có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mọi lĩnh vực, trong đó có văn hóa. Tuy nhiên, để có một hành lang pháp lý đủ thông thoáng, đủ tiến bộ để tạo bước phát triển mạnh mẽ cho văn hóa, nhưng vẫn giữ gìn được bản sắc dân tộc, theo bà Hà cần quan tâm đến xây dựng thể chế, cơ chế trên quan điểm "văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội".

Đại hội XIII của Đảng đã xác định phát triển kinh tế là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Đây là quan điểm chỉ đạo rất cơ bản cần được triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt trong nhiệm vụ của các ngành, các cấp.

Từ những khó khăn, vướng mắc bất cập hiện nay, những “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển văn hóa cần rà soát các quy định của Luật, nghị định, thông tư, hướng dẫn có liên quan, đề xuất giải pháp về hoàn thiện thể chế, cơ chế phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, khắc phục triệt để tư duy cơ chế chính sách dàn đều, thiếu hiệu quả. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Xác định rõ cơ chế phân công, trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tổ chức thi hành pháp luật, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, phát triển văn hóa là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm chung chứ không phải chuyện riêng của ngành văn hóa. Nếu chỉ xác định là của riêng ngành văn hóa thì sẽ không giải quyết được những khó khăn, điểm nghẽn về thể chế, chính sách cho phát triển văn hóa. Do đó, để khơi dậy tối đa các nguồn lực trong xã hội quan tâm và phát triển văn hóa, bà Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng cần quan tâm đến thể chế, cơ chế chính sách về phát triển văn hóa phải lấy con người làm trung tâm, cải thiện điều kiện hưởng thụ văn hóa của nhân dân, nghiên cứu có cơ chế, chính sách phù hợp giữa các khu vực, vùng miền. Qua đó, có thể phát huy được ý thức tự giác của toàn dân tham gia xây dựng và thực hiện các chế tài, quy định, quy ước xã hội, bảo đảm công bằng về cơ hội và thụ hưởng văn hóa.

Khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển và đời sống văn hóa giữa các vùng miền, các vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các khu công nghiệp… Đồng thời là điều kiện để huy động nguồn lực xã hội hóa trong xã hội tham gia vào phát triển văn hóa. Thể chế, chính sách cho phát triển văn hóa phải tạo ra các giá trị cả về vật chất và tinh thần, quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải dẫn đến kém hiệu quả.

Quan tâm đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa trên cơ sở phát huy các giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam. Kết hợp giữa phát triển văn hóa với phát triển du lịch để giữ gìn bản sắc dân tộc và tạo nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa. Đồng thời xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Để phát triển văn hóa cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng bộ về cơ chế, chính sách, quan tâm tới các nguồn lực đảm bảo một cách phù hợp, có trọng tâm: Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về đất, tín dụng, thuế và phí đối với các cơ sở đào tạo và thiết chế văn hóa do khu vực tư nhân đầu tư, nhất là những vùng khó khăn; xây dựng các công trình văn hóa trọng điểm; tăng cường đầu tư để đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để nâng cao khả năng dự báo và định hướng phát triển văn hóa, con người; bố trí con người làm trong lĩnh vực văn hóa, chế độ đối với đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, của những người làm công tác văn hóa.