Hiến máu - Nghĩa cử cao đẹp

Ở Viện Huyết học - Truyền máu trung ương có rất nhiều người luôn âm thầm, lặng lẽ chọn cách sống tốt đẹp, làm việc tốt đẹp để giúp đỡ những người bệnh cần máu. Người hiến máu thường xuyên là những người an toàn nhất, vì họ luôn ý thức giữ gìn sức khỏe, có được nguồn máu chất lượng cho bệnh nhân.

nlntv-anh-diem-hien-mau-vien-huyet-hoc-truyen-mau-trung-uong-tai-hoan-kiem-ha-noi-1672127012.jpg
Điểm hiến máu cố định của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. 

Năm nay, dịch COVID -19 được kiểm soát tốt nên hoạt động hiến máu ổn định hơn. Cụ thể, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận được hơn 1,4 triệu đơn vị máu, cơ bản đáp ứng nhu cầu máu phục vụ cấp cứu và điều trị người bệnh. Riêng tại Trung tâm Máu quốc gia thuộc Viện Huyết học - truyền máu Trung ương đã tiếp nhận gần 412.000 đơn vị máu, chiếm gần 30% lượng máu cả nước. Nhờ đó, viện đã điều chế và cung cấp được gần 688.000 đơn vị máu và các chế phẩm máu tới 181 bệnh viện thuộc 29 tỉnh, thành phố. 

Tuy nhiên, lượng máu hiến nhiều nhưng cũng đã sử dụng rất nhiều. Thời gian qua, dịch sốt xuất huyết gia tăng ở nhiều địa phương, nhu cầu về máu để cấp cứu, điều trị bệnh nhân cũng tăng theo. Những bệnh nhân nhập viện muộn, tiểu cầu giảm mạnh, bị sốc sốt xuất huyết rất cần truyền tiểu cầu. Thời gian gần đây, dịch sốt xuất huyết giảm nhưng số ca mắc vẫn ở mức cao, cùng với dịp Tết, bệnh nhân gặp tai nạn giao thông, thương tích gia tăng nên nguy cơ cao thiếu máu điều trị.  

Năm  nào cũng vậy, Tết càng đến gần thì ngành y tế và người bệnh càng canh cánh nỗi lo thiếu máu. Trung bình mỗi tháng, Viện Huyết học và truyền máu Trung ương tiếp nhận 30.000 đơn vị máu mới cung cấp đủ cho người bệnh. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian gần Tết Nguyên đán, bệnh viện thường chỉ tiếp nhận 25.000 đến 28.000 đơn vị máu. Tình trạng này kéo dài trong 2-3 tháng, như vậy sẽ thiếu khoảng 15.000 đơn vị máu và 2.000 đơn vị tiểu cầu, chưa kể tình trạng mất cân đối giữa các nhóm máu cũng có thể xảy ra. Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn kêu gọi: “Hãy tình nguyện hiến máu, hiến máu thường xuyên, hiến máu nhiều lần, hiến máu dự bị khẩn cấp và vận động người khác cùng hiến máu”.  

nlntv-anh-ong-tran-thanh-nam-moi-nam-hien-mau-2-lan-1672127244.jpg
Chương trình "Chủ nhật đỏ" lan tỏa yêu thương.

Thực tế, nhiều cơ sở y tế và các tổ chức trong cộng đồng đã và đang nỗ lực để tăng lượng máu dự trữ trong dịp Tết Nguyên đán. Trong đó, chương trình “Chủ nhật đỏ” được kỳ vọng sẽ thu được nhiều thành quả. Năm nay, chương trình được tổ chức trong 4 tháng (11/2022-2/2023), dự kiến tiếp nhận khoảng 50.000 đơn vị máu cho cấp cứu, điều trị dịp cuối năm, trước và sau Tết Nguyên đán. 

nlntv-anh-chuong-trinh-chu-nhat-do-lan-toa-yeu-thuong-1672127298.jpg
Ông Trần Thành Nam mỗi năm hiến máu 2 lần.

Hiện nay, chương trình "Chủ nhật đỏ" đã lan tỏa đến nhiều tỉnh/thành phố trên cả nước và được nhiều cơ sở y tế, tổ chức cộng đồng, người dân hưởng ứng. Ông Trần Thành Nam, Trưởng Nhóm Chung tay ủng hộ bệnh nhân chạy thận nhân tạo thành phố Hoà Bình và các thành viên trong nhóm thiện nguyện này thường xuyên tham gia chương trình "Chủ nhật đỏ". Ông Nam chia sẻ: "Hiến máu nhân đạo từ lâu đã là hành động thể hiện nghĩa cử vô cùng cao đẹp mang đậm tính nhân văn. Mỗi giờ, mỗi phút trên đất nước ta luôn có những mảnh đời gặp khó khăn khi phải chiến đấu với bệnh tật. Đó là lý do tôi tích cực tham gia hiến máu tình nguyện ". 

Hiện nay, nước ta không thiếu chương trình hiến máu và nếu không tham gia các chương trình đó thì người dân có thể đăng ký hiến ở ngay Viện huyết học - Truyền máu Trung ương hoặc các cơ sở nhận, phân phối máu khác. Từng đơn vị máu được hiến tặng góp phần rất quan trọng để những người bệnh được cứu sống.

Còn ở góc độ sức khỏe, hiến máu không chỉ mang đến cảm giác hạnh phúc và tự hào khi bản thân có thể cứu sống ai đó. Mà trước khi hiến máu, người hiến sẽ được khám sức khỏe, làm các xét nghiệm cần thiết. Như vậy, mỗi lần hiến máu là một lần được kiểm tra sức khỏe, giúp cảnh báo và phát hiện những nguy cơ đối với sức khỏe để có biện pháp xử lý kịp thời. Chị Hoàng Thị Thùy, nhân viên y tế tại Phòng khám Nha khoa Phương Nam (Hà Nội) hiểu rõ điều này: "Là người công tác trong ngành y tôi khẳng định:  Hiến máu giúp cơ thể tạo nguồn máu mới, giảm nguy cơ xuất hiện đột quỵ và bệnh tim mạch, giúp đốt cháy calo." - chị Thùy chia sẻ.  

nlntv-anh-chi-hoang-thi-thuy-nguoi-tich-cuc-tham-gia-hien-mau-1672127370.jpg
Chị Hoàng Thị Thùy - người tích cực tham gia hiến máu.

Mỗi đơn vị máu chúng ta hiến sẽ được gửi vào ngân hàng máu. Khi không may mắn, người hiến máu cần nhận máu, xuất trình giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện sẽ được bồi hoàn máu miễn phí tại các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc. Hiến máu vừa lan tỏa ý nghĩa của cộng đồng vừa mang lại lợi ích sức khỏe cho bản thân./. 
 

Mạnh Sáu