Các bước tiến hành và diễn trình nghi lễ của lễ hội do Viện văn hóa nghệ thuật Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch xây dựng. Các hoạt động diễn ra trong lễ hội có phần lễ và phần hội. Trong đó, phần hội gồm có: Lễ cáo yết, Lễ rước nước lên Đàn tế, Lễ sái tịnh, Lễ cầu an trên chùa Đọi Sơn, Lễ rước kiệu vua Lê Đại Hành, kiệu Thành Hoàng và kiệu tổ nghề trống, Lễ Tịch điền, Lễ dâng hương trước bàn thờ Thần Nông và linh vị vua Lê Đại Hành.
Lễ hội Tịch điền (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) diễn ra vào ngày mùng 7 Tết hàng năm đã trở thành sự kiện văn hóa lớn của đất nước dịp Tết đến xuân về. Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam) có nguồn gốc từ rất xa xưa do vua Thần Nông khai mở.
Mùa xuân năm 987, lần đầu tiên vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan cày ruộng ở Đọi Sơn và bắt được chum vàng, năm 988 cày ở Bàn Hải bắt được chum bạc, vì thế những thửa ruộng này còn được gọi là Kim Ngân Điền. Từ đó, hàng năm vào đầu xuân, nhà vua ra đồng cày ruộng, làm Lễ Tịch điền (đích thân vua xuống đi cày ruộng), cầu được mùa và các triều đại sau đó đều duy trì nghi lễ cày tịch điền với các hình thức khác nhau. Sau một thời gian gián đoạn, từ năm 2009, phong tục tốt đẹp này được phục hồi lại cho đến ngày nay.
Theo sử sách ghi chép lại, mùa Xuân năm Đinh Hợi (năm 987), vua Lê Đại Hành - người vốn coi trọng nông nghiệp đã về vùng đất núi Đọi sông Châu khởi xướng và đích thân cầm cày trong lễ hội xuống đồng đầu năm. Được lưu truyền từ đó đến nay, Lễ hội Tịch điền được coi như một ngày Quốc lễ, một lễ hội xuống đồng lớn nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ, bởi nó mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong tư tưởng trọng nông, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, khuyến khích người dân chăm chỉ làm ăn trên chính đồng đất quê hương, để có cuộc sống ấm no, sung túc.
Thời xưa, Vua Lê Đại Hành là vị vua khởi xướng việc cầm cày xuống ruộng trong lễ hạ điền đầu năm. Từ đó, lễ được coi như quốc lễ bởi ý nghĩa nhân văn và tinh thần khuyến khích sản xuất nông nghiệp. “Một lần vua cầm cày hơn ngàn lần vua xuống chiếu khuyến dụ, một lần vua gần dân hơn ngàn lần vua hô hào cổ vũ". Đây là lễ hội mở đầu cho một vụ mùa mới, trở thành một sinh hoạt văn hóa quan trọng, một di sản văn hóa tinh thần mà các thế hệ người Việt Nam kế thừa và phát huy.
Chào mừng lễ hội là màn biểu diễn múa trống, múa rồng do dân làng Đọi Tam, Đọi Tín thể hiện. Tiếng trống da trâu từ muôn đời xưa đã gióng lên cầu nhân khang, vật thịnh, mùa màng bội thu. Hình ảnh rồng múa lượn như thể hiện lòng mong ước cho khởi đầu một năm mới tốt đẹp để cả năm làm gì được nấy. Sau màn múa rồng, đọc văn trình trước linh vị vua Lê Đại Hành, các đại biểu thực hiện nghi lễ dâng hương mở đầu mỹ tục khuyến khích phát triển nông nghiệp, mong cho nhà nhà no đủ, đất nước mạnh giàu, quê hương yên bình.
Lễ Tịch điền không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của các vị vua đối với người nông dân mà còn tuyên truyền, giáo dục nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ lòng biết ơn tiền nhân, tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp, phát huy truyền thống thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương mình.