Giữa cái tiết đầu xuân mưa rét, nhà sử học Lê Văn Lan đã đưa chúng tôi đến thăm chùa Vạn Phúc, thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Sự tha thiết được khám phá những giá trị cổ xưa đã thôi thúc vị giáo sư gần 90 tuổi dời bước đến đây. Chúng tôi đã có buổi trao đổi ngắn với Giáo sư về ngôi chùa này và những giá trị còn ẩn mình chưa được khám phá.
Phóng viên (PV): Hưng Yên là một tỉnh có khá nhiều ngôi chùa nổi tiếng, tại sao Giáo sư lại muốn đến thăm nơi này?
GS Lê Văn Lan: Đời sống tín ngưỡng là một trong những bản sắc dân tộc đặc trưng của nước ta. Những địa điểm tâm linh như chùa, đền xuất hiện hầu hết mọi tỉnh thành, phục vụ nhu cầu tham quan và cầu phúc của người dân. Bên cạnh những nơi nổi tiếng và có nhiều giai thoại lịch sử đã được nhiều người biết thì còn rất nhiều nơi hoang vắng, khi hỏi đến thì người dân không còn thông tin gì, nhưng chính ra lại tọa lạc trên các vùng đất thiêng có di tích cổ rất cần khai thác. Chùa Vạn Phúc này là một nơi như thế.
PV: Sau khi đến đây rồi thì cảm xúc của Giáo sư như thế nào?
GS Lê Văn Lan: Đến đây trong một buổi đầu năm khá rét, tôi rất xúc động khi chứng kiến tấm lòng thành của sư thầy và các Phật tử trong việc bảo vệ và phục dựng nơi này. Vùng đất này có lịch sử từ thời Đông Sơn cổ đại, nếu cứ để dần mai một theo thời gian thì rất lãng phí, vì hậu thế sẽ theo đó mà quên lãng lịch sử nghìn năm của chúng ta.
PV: Theo Giáo sư, việc nghiên cứu những giá trị cổ có ý nghĩa như thế nào trong công tác bảo tồn văn hóa?
GS Lê Văn Lan: Việc nghiên cứu những di tích cổ xưa như thế này có ý nghĩa rất nhiều trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa. Càng những địa điểm ít người biết càng phải có sự đầu tư nghiên cứu nghiêm túc để khai thác, khôi phục những giá trị cổ. Không những tìm hiểu sâu về lịch sử của vùng đất, việc tôn tạo địa điểm tâm linh cũng là để phục vụ nhu cầu thờ cúng, tham quan của người dân, bởi vì đời sống tâm linh là một phần không thể thay thế của người Việt.
PV: Vâng, xin cảm ơn Giáo sư rất nhiều. Chúc Giáo sư một năm mới nhiều sức khỏe và bình an.