Giá vàng trong nước hôm nay
Hôm nay, thị trường vàng tiếp tục chuỗi ngày yên ắng khi giá vàng gần như đứng yên. Hiện tại, giá kim loại quý trong nước đang được niêm yết cụ thể như sau:
Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang mua vào mức 66,4 triệu đồng/lượng và bán ra mức 67,02 triệu đồng/lượng. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng.
Giá vàng thương hiệu DOJI tại khu vực Hà Nội đang niêm yết ở mức 66,35 triệu đồng/lượng mua vào và 66,95 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng thương hiệu này đang mua vào mức tương tự nhưng bán ra thấp hơn 50.000 đồng so với khu vực Hà Nội.
Giá vàng Phú Quý SJC đang niêm yết mức 66,45 triệu đồng/lượng mua vào và 67,05 triệu đồng/lượng bán ra. Vàng PNJ đang mua vào ở mức 66,4 triệu đồng/lượng và bán ra mức 66,95 triệu đồng/lượng. Vàng Bảo tín Bảo Tín Minh Châu đang niêm yết ở mức 66,42 triệu đồng/lượng mua vào và 66,98 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng thế giới hôm nay
Giá vàng thế giới rạng sáng hôm nay tăng nhẹ với vàng giao ngay tăng 15,3 USD lên mức 1.959,2 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 1.958 USD/ounce, tăng 13,7 USD so với rạng sáng ngày trước đó.
Kim loại quý thế giới có được mức tăng khiêm tốn trong phiên giao dịch đầu tuần nhờ sự suy yếu của đồng USD. Rạng sáng hôm nay, chỉ số US Dollar Index đo lường biến động của đồng bạc xanh đã giảm 0,14% về gần 104 điểm. Đồng USD yếu đi làm tăng sức hấp dẫn của người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Nhìn về dài hạn, tâm lý lạc quan về vàng vẫn cao khi kim loại quý vẫn được hỗ trợ tốt bởi nhu cầu của các nhà đầu tư và đặc biệt là các ngân hàng trung ương. Kết quả một cuộc khảo sát của Hội đồng vàng thế giới mới đây cho thấy 24% ngân hàng trung ương dự định tăng lượng vàng nắm giữ vào năm 2023. “Sau mức mua vàng của ngân hàng trung ương ở mức cao trong lịch sử, vàng tiếp tục được các ngân hàng trung ương coi là tài sản dự trữ”, báo cáo cho biết.
Kết quả cũng cho thấy tương lai lạc quan về vàng với 71% số ngân hàng được hỏi cho biết tỷ lệ nắm giữ vàng của ngân hàng trung ương toàn cầu sẽ tăng trong 12 tháng tới.
Mặc dù vậy, báo cáo cũng cho thấy cũng có sự khác biệt ngày càng tăng trong cách suy nghĩ của thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển (EMDE) về việc phân bổ vàng so với các nền kinh tế tiên tiến.
Cụ thể, 68% số ngân hàng ở nhóm EMDE được hỏi nói rằng dự trữ toàn cầu sẽ tăng so với mức 38% ở các nền kinh tế tiên tiến. Một tỷ lệ nhỏ các ngân hàng trung ương EMDE thậm chí còn cho biết họ thấy tỷ lệ dự trữ vàng tăng trên 25% - một sự thay đổi lớn so với kết quả năm ngoái.
Ngoài ra, các ngân hàng trung ương của EMDE - những quốc gia mua vàng chính kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - cũng bi quan hơn về tương lai của đồng USD với 58% tin rằng tỷ lệ dự trữ toàn cầu của đồng USD sẽ giảm so mức 46% nền kinh tế tiên tiến.
Các nước EMDE coi vàng đóng vai trò chiến lược trong bối cảnh bất ổn địa chính trị. Cuộc khảo sát lưu ý: “Sự khác biệt này xuất hiện ở hầu hết mọi yếu tố nắm giữ vàng, nhấn mạnh các hoàn cảnh kinh tế và chiến lược khác nhau mà cả hai nhóm phải đối mặt, điều này càng chuyển thành quan điểm khác nhau của họ về vai trò của vàng trong dự trữ của họ”.
Năm ngoái, các ngân hàng trung ương đã mua một lượng vàng kỷ lục, tăng cường dự trữ bằng một loại tài sản được coi là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ suy thoái kinh tế và xu hướng phi đô la hóa đang diễn ra.
Theo WGC, trong quý đầu tiên của năm nay, các ngân hàng trung ương đã bổ sung 228 tấn vào kho dự trữ vàng toàn cầu của họ, đánh dấu tốc độ kỷ lục trong ba tháng đầu năm kể từ khi việc thu thập dữ liệu bắt đầu vào năm 2000.
Với giá vàng trong nước biến động nhẹ và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 1.959,2 USD/ounce (tương đương gần 55,9 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới hiện trên 11 triệu đồng/lượng.