Thời gian qua, xác định đào tạo nghề và giải quyết việc làm là cơ hội để người dân thoát nghèo nhanh và bền vững, huyện Định Hoá (tỉnh Thái Nguyên) đã và đang đẩy mạnh triển khai hiệu quả hoạt động đào tạo nghề, tư vấn việc làm cho người lao động và tổ chức các lớp đào tạo nghề cho người dân trên địa bàn.
Số liệu của UBND huyện Định Hóa cho thấy, hàng năm, Định Hóa đã đào tạo, liên kết đào tạo nghề cho trên 250 lao động nông thôn. Các nghề đào tạo được lựa chọn dựa trên điều kiện thực tế và các thế mạnh của huyện. Quá trình dạy nghề chú trọng vào thực hành nghề, tích hợp giữa lý thuyết và thực hành, để nâng cao kỹ năng nghề cho lao động nông thôn. Học viên sau khi học nghề đều có việc làm với thu nhập ổn định, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu lao động của huyện.
Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa - ông Phạm Quang Sáng, chia sẻ: “Nếu không giải quyết tốt việc làm cho lực lượng lao động sẽ gây ra tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, đó chính là nguyên nhân gây ra đói nghèo, làm cho kinh tế - xã hội chậm phát triển. Chính vì vậy, thời gian qua, công tác tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn đã được các cấp lãnh đạo huyện Định Hóa xác định là một nhiệm vụ quan trọng, là điều kiện quyết định tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp, nhằm đẩy mạnh và tăng cường việc kết nối cung cầu lao động, đặc biệt là đối với các lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo…”.
Theo UBND huyện Định Hóa, năm 2024, UBND huyện đã tổ chức đào tạo nghề cho 144 lao động nông thôn (trong đó có 03 đối tượng thuộc hộ nghèo; 04 đối tượng là hộ cận nghèo; 131 đối tượng là người dân tộc thiểu số) với các ngành nghề đào tạo cơ bản như: Sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi; Quản lý dịch hại tổng hợp; May công nghiệp... Tổng kinh phí đào tạo là 491.9 triệu đồng.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền chính sách đào tạo nghề và tư vấn học nghề, việc làm gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở địa phương được thực hiện với nhiều hình thức phong phú, hiệu quả. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền về đào tạo nghề và việc làm, người lao động trên địa bàn đã chủ động đăng ký học nghề theo nhu cầu, điều kiện của bản thân, từ đó tìm được việc làm phù hợp, cho thu nhập ổn định.
Chị Vương Thị Lê (xã Tân Thịnh, huyện Định Hóa) chia sẻ: “Tôi đã tham gia lớp đào tạo nghề may công nghiệp do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Định Hoá đã tổ chức. Lớp học có 30 học viên là người DTTS, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Trong thời gian 3 tháng, chúng tôi được học kiến thức về kỹ thuật may công nghiệp, vận hành thiết bị may, may các đường may cơ bản, may áo sơ mi, quần âu, nguyên lý vận hành đảm bảo an toàn, tính năng, tác dụng và bảo quản một số thiết bị trên dây chuyền may công nghiệp… Sau khi kết thúc khóa học, mỗi học viên sẽ trải qua phần thi tay nghề, nếu đủ điều kiện sẽ được Trung tâm cấp Chứng chỉ đào tạo nghề may công nghiệp và giới thiệu việc làm tại nhà máy may thuộc Cụm Công nghiệp Tân Dương”.
Theo chị Lê, việc huyện tổ chức lớp đào tạo nghề và giới thiệu việc làm ngay tại địa phương có ý nghĩa lớn, không chỉ giúp lao động có thêm kiến thức, kỹ năng mà còn giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ. Từ đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cũng như giúp bà con cải thiện đời sống…
Ông Phạm Quang Sáng - Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho biết: Để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề trên địa bàn huyện trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện xác định chủ động tăng cường các hoạt động truyền thông bằng nhiều hình thức và phương pháp thích hợp giúp người lao động nắm bắt được kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các ngành, nghề ưu tiên phát triển, khả năng tạo việc làm, thu nhập, chính sách hỗ trợ học nghề của Nhà nước, chính sách đào tạo nghề cho lao động nữ… Đồng thời, xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhu cầu học nghề và việc làm của người dân. Tăng cường các hoạt động liên kết với các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp để dạy nghề và giải quyết việc làm cho học viên sau đào tạo; thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn dựa trên nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, nhu cầu thực tế của người dân, gắn với giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động.
“Với nhiều cách làm hay, thiết thực, huyện Định Hóa mong muốn tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi, để doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề và người lao động trực tiếp gặp gỡ, trao đổi thông tin thị trường lao động, nhu cầu tuyển dụng lao động, góp phần hỗ trợ người lao động tìm được việc làm, doanh nghiệp tuyển dụng được nhân lực, đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu lao động” - ông Phạm Quang Sáng nhấn mạnh.