Đà Nẵng mưa lớn đầu mùa, nhiều tuyến đường ngập nước

Cứ mỗi khi trời mưa lớn, một số tuyến phố ở Đà Nẵng lại bị ngập úng cục bộ, khiến các phương tiện giao thông di chuyển khó khăn. Không chỉ gây ra ách tắc ở một số tuyến đường, tình trạng này còn khiến nhiều người dân lo lắng.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trên đất liền trong khoảng từ tối 24/9 đến sáng ngày 25/9, vùng ven biển khu vực miền Trung trong đó có TP. Đà Nẵng bị ảnh hưởng bởi lượng mưa khiến các tuyến phố bị ngập nước. Tuy nhiên, sau đó khi mưa tạnh, nước đã rút dần và các hoạt động giao thông trở lại bình thường.

hinh-1-1695615424.jpg
Tình trạng ngập nước đường phố mỗi lần mưa lớn tại đường Lê Duẩn

Theo ghi nhận, khu vực thường xuyên bị ngập nước khi mưa to kéo dài là tuyến đường Hải Phòng - Quang Trung và nút giao đường Nguyễn Văn Linh - Hàm Nghi, quận Hải Châu; tuyến đường Nam Trân - Nguyễn Tường Phổ, quận Liên Chiểu; tuyến đường Lâm Hoành, quận Sơn Trà, đây là một trong các điểm hay bị ngập của thành phố Đà Nẵng mỗi khi có mưa lớn.

Trận mưa rạng sáng ngày 25/9, tuy nước không tràn vào nhà dân nhưng khiến một số xe chết máy. Nhiều người dân không dám ra đường, phải "cố thủ" ở nhà để thu dọn đồ dùng phòng khi bị ngập như đợt mưa lũ hồi tháng 10 năm ngoái.

Chị Bùi Thị Thúy, người dân trên đường Nam Trân, cho biết dù mưa chỉ kéo dài 1 tiếng nhưng nước đã tràn đường ngập lên vỉa hè khoảng 25cm. Đây mới là mưa đầu mùa, nếu không có biện pháp chống ngập thì vào mùa mưa sẽ còn căng thẳng hơn. Chị Thúy còn ám ảnh mùa mưa lũ năm ngoái, gia đình bị nước ngập hơn một mét so với mặt nền nhà, đồ đạc máy móc trong nhà bị nước cuốn trôi thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Thời điểm ngập rơi vào ban đêm đã khiến nhiều người dân Đà Nẵng "trở tay không kịp".

hinh-2-1695615424.jpg
Hình ảnh ngập nước tại tuyến giao thông đường Nam Trân - Nguyễn Tường Phổ, quận Liên Chiểu

Không chỉ có một số "điểm nóng" nêu trên, lâu nay khu vực các tuyến đường như Trương Chí Cương, Trưng Nữ Vương quận Thanh Khê (đoạn gần sân bay) cũng bị ngập nặng, hầu hết các tuyến đường phố nước mưa đều tràn lên vỉa hè. Ngoài ra, tại tuyến đường Nguyễn Nhàn, quận Cẩm Lệ, hệ thống thoát nước chậm nên nước cũng tràn vào nhà một số hộ dân, người dân phải khơi thông dòng chảy và lau dọn nhà cửa sau khi nước rút.

Mùa mưa mới bắt đầu, người dân cần lưu ý đề phòng nguy cơ mất an toàn khi xảy ra mưa lớn, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: lốc xoáy, dông, sét, mưa lớn đầu mùa,... Đề phòng ngập lụt tại các tuyến phố thấp có hệ thống thoát nước kém mà lượng mưa lớn kéo dài, một số người dân lo ngại lặp lại trận ngập lịch sử cách đây một năm, cứ mỗi đợt mưa lớn kéo dài người dân nháo nhác di chuyển đồ đạc phòng tránh thiệt hại.

hinh-3-1695615424.jpg
Hình ảnh thiệt hại do mưa lớn gây sạt lở tại tuyến đường Lâm Hoành, quận Sơn Trà

Trải qua các đợt mưa lớn gây ngập úng, chính quyền TP. Đà Nẵng đã có nhiều biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, đến nay, khi có mưa vừa vẫn còn tồn tại nhiều điểm ngập lụt cục bộ. Một phần nguyên nhân do hệ thống tiêu thoát nước chưa đảm bảo. Ngoài ra, ý thức của người dân chưa cao trong việc xả rác bừa bãi ra đường dẫn đến giảm tiết diện ống tiêu thoát nước, nhiều xe cộ vận chuyển cát sỏi vương vãi, vật liệu xây dựng tại các công trình để không đúng quy định khi mưa đến tập trung vào các hố ga, miệng cống làm tăng độ nhám của hệ thống, cản trở quá trình di chuyển của dòng chảy làm cho tình trạng ngập úng tại nhiều điểm chưa thể giải quyết.

Để các hệ thống thoát nước được đồng bộ và đạt hiệu quả, thiết nghĩ các cơ quan chức năng và UBND TP. Đà Nẵng cần quan tâm sâu sát hơn nữa. Bởi có như vậy mới mang lại sự an toàn cho người dân và du khách khi đến với Đà Nẵng, giữ vững thành phố xanh, sạch, đẹp, là nơi đáng đến và đáng sống.

Vũ Hà - Gia Minh