Sáng 25/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Tại Phiên họp, đề cập về một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: Thường trực Ủy ban Kinh tế đã có báo cáo số 2128/BC-UBKT15 ngày 24/8/2023 về một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo đó, một số nội dung lớn thống nhất tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, đó là: Để quy định cụ thể, rõ ràng hơn chính sách hỗ trợ đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số đã sửa đổi quy định tại Điều 16 và Điều 48; bổ sung điểm k khoản 3 Điều 79, khoản 15 Điều 250, khoản 3 Điều 11, điểm i khoản 1 Điều 113, khoản 1 Điều 114.
Quy định tại khoản 5 Điều 45 về điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa.
Sửa đổi điểm g khoản 3 Điều 79 theo hướng quy định cụ thể các dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thay vì dẫn chiếu sang Điều 112 và Điều 126 dự thảo Luật. Thu hẹp các trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang, cơ sở y tế, cơ sở dịch vụ xã hội, cơ sở giáo dục, đào tạo, cơ sở thể dục thể thao, cơ sở khoa học và công nghệ, cơ sở văn hóa.
Bỏ quy định tại khoản 5 Điều 122 về xác định thứ tự ưu tiên đấu giá, đấu thầu, thỏa thuận. Chỉnh sửa Điều 124, Điều 125, Điều 126 và Điều 127 để quy định rõ các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.
Cơ cấu lại, chỉnh sửa các điều, khoản cụ thể tại Chương VIII về phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất.
Hoàn thiện quy định tại Điều 172 về đất sử dụng có thời hạn, bổ sung khoản 8 tại Điều 172. Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy định về căn cứ xem xét việc xác định đủ điều kiện gia hạn khi hết thời hạn sử dụng đất.
Chỉnh sửa quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 79, Điều 84, Điều 113, Điều 124, Điều 126, Điều 190 liên quan đến hoạt động lấn biển. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các Bộ có liên quan phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại địa phương đã thực hiện các dự án có liên quan đến hoạt động lấn biển báo cáo đầy đủ về việc thi hành chính sách, pháp luật hiện hành về hoạt động lấn biển; làm rõ quan điểm chính sách để hoàn thiện các quy định tại dự thảo Luật về nội dung này theo hướng chỉ quy định tại Luật những nội dung mang tính nguyên tắc, phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai; giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, chỉnh sửa quy định tại Điều 11, khoản 9 Điều 60, Điều 78, khoản 2 Điều 80, khoản 7 Điều 91, Điều 158, Chương IV, Chương VII, Điều 204, Điều 217; bỏ Điều 4 về “áp dụng pháp luật” và Điều 259 dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.
Tuy nhiên, đối với các nội dung thống nhất, Thường trực Ủy ban Kinh tế tiếp tục có ý kiến đề nghị nghiên cứu, rà soát, làm rõ. Nội dung sửa đổi, cơ sở cho việc sửa đổi và ý kiến đề nghị đã được trình bày cụ thể tại dự thảo Luật và Báo cáo đầy đủ.
Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, đây là dự án Luật lớn, quá trình tiếp thu, chỉnh lý tiếp tục nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Một số vấn đề đã có ý kiến thẩm tra và ý kiến ĐBQH nhưng chưa được cung cấp đầy đủ thông tin và giải trình thỏa đáng; một số vấn đề đề nghị bổ sung nội dung tổng kết, đánh giá tác động, cung cấp dữ liệu… nhưng chưa có báo cáo cụ thể.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, thực hiện ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, ngay sau kỳ họp thứ 5, Ủy ban Kinh tế có Công văn số 1966/UBKT15 gửi Chính phủ đề nghị chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan có Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình các ý kiến thẩm tra và ý kiến ĐBQH, thời hạn đề nghị báo cáo là 15/7/2023. Ngày 31/7/2023, Ủy ban Kinh tế có Công văn số 2041/UBKT15 đôn đốc, thời hạn đề nghị báo cáo là 02/8/2023. Tuy nhiên, đến ngày 24/8/2023, Thường trực Ủy ban Kinh tế chưa nhận được Báo cáo nêu trên. Các nội dung tiếp thu, giải trình, chỉnh lý được thực hiện trên cơ sở trao đổi tại các cuộc họp rà soát, chỉnh lý và Báo cáo số 72/BC-BTNMT ngày 20/6/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến một số nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH thảo luận tại Tổ đối với dự thảo Luật.
Do đó, dự thảo Luật mới chỉ được rà soát, chỉnh sửa để đưa ra phương án chỉnh lý đối với một số vấn đề lớn. Các nội dung khác của dự thảo Luật cần tiếp tục được rà soát; đặc biệt là các điều, khoản chuyển tiếp, nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, nội dung sửa đổi, bổ sung các luật để phù hợp với Luật Đất đai, đến nay chưa có Báo cáo của Bộ Tư pháp về bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật mới được dự thảo sơ bộ; cần được tiếp tục hoàn thiện. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế xin đề xuất báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về định hướng cụ thể hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW để có cơ sở tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.
Để kịp thời phục vụ Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Luật, Thường trực Uỷ ban Kinh tế báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật để phục vụ Hội nghị. Nội dung tập trung thảo luận dự kiến bao gồm 5 nhóm vấn đề được nêu tại báo cáo.
Trên cơ sở ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến ĐBQH hoạt động chuyên trách, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ cùng Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm và hiệu quả công tác, tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến, rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật để có chất lượng tốt nhất có thể; xin ý kiến Đoàn ĐBQH và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi thực hiện các bước quy trình tiếp theo để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, việc chỉnh lý dự thảo luật này liên quan đến nhiều vấn đề và các dự thảo luật khác cũng đang sửa đổi như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở… Cho nên việc tiếp thu, chỉnh sửa cần thực hiện đồng bộ để sớm hoàn thiện trình Quốc hội trong Kỳ họp thứ 6 sẽ diễn ra vào tháng 10 năm nay.
Đồng tình với ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho rằng Luật Đất đai (sửa đổi) liên quan đến nhiều dự án Luật khác nên các ban soạn thảo cần tiếp thu chỉnh lý kịp thời, hoàn thiện để sớm trình ra Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: Luật có bước tiến rất dài, có việc phát sinh đã được tập trung giải quyết. Tập trung nhiều công sức trong việc chỉnh lý, sửa đổi Luật Đất đai. Luật này được Quốc hội thảo luận 3 kỳ, lấy ý kiến nhân dân rộng rãi, nếu Luật không xử lý được những vướng mắc thì rất khó thực hiện trong thực tiễn cuộc sống. Chính phủ cần tập trung toàn lực cho việc chỉnh lý Luật, dốc toàn lực vào việc này.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay vấn đề khó là việc thu hồi đất phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội về mục tiêu lợi ích quốc gia, công cộng. “Nếu liệt kê hết việc “chọn cho” trong vấn đề thu hồi đất thì không thể thống kê hết, vậy nên chăng ta thực hiện phương thức “chọn bỏ””, Chủ tịch Quốc hội góp ý.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Còn 27 vấn đề lớn, nhiều loại ý kiến khác nhau giữa 2 cơ quan soạn thảo trình và cơ quan thẩm tra vẫn chưa thống nhất. Mới dừng ở phương án tiếp thu mà chưa có hướng chỉnh sửa bổ sung, hoàn thiện, chỉnh lý cụ thể. Một số nội dung mới cung cấp số liệu mà chưa có giải thích…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các bên liên quan cần nghiên cứu kỹ 2 thông báo của Thường vụ Quốc hội để rà soát sớm hoàn chỉnh việc chỉnh lý sửa đổi Luật Đất đai. Tiếp tục rà soát những vấn đề mà có những phát sinh trong quá trình sửa đổi Luật theo tinh thần Nghị quyết 18 của Bộ Chính trị.