Chân dung Người chiến sỹ- Nhạc sỹ Đỗ Nhuận với tác phẩm bất hủ"Giải phóng Điện Biên"

Huyền Văn
Chân dung Người chiến sỹ- Nhạc sỹ Đỗ Nhuận, về xuất xứ các tác phẩm bất hủ ra đời từ chiến tranh cách mạng.

“TÔI CÁN BỘ VĂN CÔNG TỔNG CỤC CHÍNH TRỊ ĐƯỢC LÊNH TỚI TRUNG ĐOÀN CÔNG TÁC”.
Có một buổi trong chiến hào Him Lam, khi chính ủy Mạc Ninh, Trung đoàn trưởng Trần Trọng Tuyến, phó chính ủy Đào Đình Luyện, Chủ nhiệm chính trị Lê Nam… của Trung đoàn 141, Sư đoàn 312 ( đơn vị được giao nhiệm vụ đánh trận mở màn tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam) đang kiến thiết sở chỉ huy chiến đấu, có một người thấp đậm, tay chống gậy, quần xắn tới đầu gối, lưng đeo chiếc đàn ghi ta bước vào: “Tôi, cán bộ văn công Tổng cục Chính trị được lệnh tới trung đoàn công tác”. Anh em chưa kịp tay bắt mặt mừng đón chào người nhạc sĩ nổi tiếng cùng xung trận với mình, thì người cán bộ văn công ấy liền đưa ngay yêu cầu: “Đề nghị ban chỉ huy cho 4 cái xẻng và cho chúng tôi lên vị trí xuất phát xung phong”.
Người cán bộ văn công ấy chính là nhạc sỹ Đỗ Nhuận.

nlntv-n-1651990992.jpg
Nhạc sỹ Đỗ Nhuận

Ngay lập tức, nhạc sĩ cùng tốp văn công của mình được chủ nhiệm chính trị Lê Nam và người chiến sỹ liên lạc đưa ngay xuống vị trí chiến đấu sát bên sông Nậm Rốn. Họ tự tay cầm xẻng đào 4 chiếc hầm đủ đứng, ngồi thoải mái để có thể đàn hát, sau đó lại về ngay đại đội 243 sống cùng các chiến sĩ tiểu đội mũi nhọn, như những chiến sĩ xung kích thực sự…
Chính ủy Mạc Ninh kể, có lần ông và chủ nhiệm chính trị Lê Nam xuống đại đội 243, đơn vị chủ công của tiểu đoàn có nhiệm vụ đánh vào cứ điểm 1, thấy anh em đang quây quần xem văn công Tổng cục biểu diển. Đỗ Nhuận chít khăn đầu rìu, mặt mũi vẽ râu vẽ ria, tay cầm mõ, quần ống thấp ống cao, trông rất hài hước, đang độc tấu một bài hề mồi. Nội dung bài tấu chế giễu H.Navarre hung hăng. Cứ mỗi lần anh tấu đến đoạn H.Navarre “bí” và giả làm bộ mặt ngây dại, hai bên ria nhảy lên, nhảy xuống, anh em lại giãy lên ôm bụng mà cười nắc nẻ…
Sống hòa đồng cùng chiến sĩ ngay trong chiến hào, khi xung trận thì cầm súng, khi ngớt tiếng đạn bom lại đàn hát động viên tinh thần anh em , đó chính là cuộc đời của những người nghệ sĩ-chiến sĩ như Đỗ Nhuận.
Chính cuộc sống này đã mang đến cho người nghệ sĩ nhiều tư liệu, nhiều xúc cảm quý giá để làm nên tác phẩm. Trên chặng đường cùng anh em đi vào chiến dịch, ông đã từng sáng tác bài hát nổi tiếng Hành quân xa để khẳng định ý chí của người bộ đội Bác Hồ: Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi... Và rồi sau những ngày sống trong chiến hào Him Lam, ngay sau khi quân ta tiêu diệt cứ điểm này, Đỗ Nhuận đã có ngay bài bát Trên đồi Him Lam nóng bỏng mùi thuốc súng viết trong chiến hào.
Chuyện kể rằng: Khi chuẩn bị nổ súng tiến công, Đỗ Nhuận cùng nhóm nhạc sĩ đứng trên bờ chiến hào, vừa đàn vừa hát cổ vũ chiến sĩ hành quân bên dưới. Trong đoàn quân, có một chiến sĩ nói vọng lên với nhạc sỹ: “Cố gắng sáng tác nhiều nhé. Chúng mình sẽ có quà tặng văn công”. Người chiến sĩ nói câu ấy không bao giờ trở lại nữa. Đó chính là anh hùng Phan Đình Giót, người đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai trong trận Him Lam.
…Ngay trong đêm ấy, trong khí thế chiến thắng ngây ngất, những xúc cảm dạt dào, giữa ngổn ngang xác xe pháo quân thù và trong mùi khói của đạn bom còn khét lẹt, trái tim người nhạc sĩ - chiến sĩ Đỗ Nhuận đã viết nên bài hát mộc mạc mà nổi tiếng Trên đồi Him Lam:
“Hôm qua đánh trận Điện Biên
Chiến hào xuất kích đồi Him Lam ta tiến vào
Đột phá tiêm đạo tiến đánh vào…
Đi mở đường thắng lợi,ba tháng đổ mồ hôi ta tới đây
Quyết diệt cho hết quân thù…
Bài hát hừng hực khí thế chiến đấu, sôi sục lòng căm thù giặc, nồng nàn tình yêu quê hương đất nước và tình đồng đội, nóng bỏng mùi thuốc súng … Qua rất nhiều năm tháng, bài hát này cùng với Hành quân xa và Chiến thắng Điện Biên đã làm nên tên tuổi nhạc sĩ Đỗ Nhuận, và như những âm thanh của lịch sử luôn vang vọng, luôn làm ta sống lại những ngày tháng hào hùng, oanh liệt của một Điện Biên Phủ: “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”…
Nhạc sỹ Đỗ Nhuận tâm sự: Hôm tổng kết chiến thắng Him Lam có cả Đoàn văn công sư đoàn 312 do nhạc sỹ Hoàng Vân dẫn đầu tới dự ở ngay trận địa. Đích thân nhạc sỹ đã hát bài này. Nhạc sỹ Trần Ngọc Xương (tác giả bài Em bé Mường La) đệm ácoocđeon, anh Nguyễn Tiến thổi sáo. Chính ủy Mạc Ninh nói: ‘‘Đồng chí Phan Đình Giót hứa sẽ đem quà về cho anh em văn công, nhưng nay đồng chí đã hy sinh. Tôi thay mặt ban chỉ huy tặng nhạc sỹ Hoàng Vân cây đàn Ác cooc đê ông, tặng nhạc sỹ Đỗ Nhuận cây đàn ghita là chiến lợi phẩm lấy được trong đồn địch”. Nói rồi các anh Mạc Ninh, Trần Trọng Tuyến, Lê Nam tiến đến bắt tay và trao tặng quà cho các nhạc sỹ, trong tiếng vỗ tay vang dội của cán bộ chiến sỹ…
Với cây đàn ghita này, nhạc sỹ Đỗ Nhuận tiếp tục đi vào chiến dịch, và cũng đã giúp ông sáng tác bài Chiến thắng Điện Biên như gợi ý của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và ước nguyện của tất cả cán bộ chiến sỹ tham gia Điện Biên…

nlntv-n-1651991014.jpg
Bài hát Chiến thắng Điện Biên

Người viết bài này đã từng nghe đến hàng trăm lần bài hát Trên đồi Him lam (và Giải phóng Điện Biên) nổi tiếng của nhạc sỹ Đỗ Nhuận, nhưng có lẽ một trong những lần xúc động nhất lại chính trong dịp lễ kỷ niệm 59 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và kỷ niệm 90 năm ngày sinh của trung tá liệt sỹ Lê Nam, nguyên chủ nhiệm chính trị E 141 đánh trận Him Lam tại Nhà Hát Lớn HN năm 2003…
Những nghệ sỹ nhà hát Ca múa Nhạc quân đội buổi ấy trình diễn thật tuyệt vời. Và như hiện lên trước mắt ta, hình ảnh nhạc sỹ Đỗ Nhuận vai khoác súng, tay cầm đàn, mặt đen nhẻm vì khói susúng, miệng hát Hành quân ca, trên đồi Him Lam. Giải phóng Điện Biên… Như hiện lên trước mắt ta hình ảnh những cán bộ chiến sỹ đã tham gia trận đánh Him Lam lịch sử ngày ấy: Trần Trọng Tuyến, Mạc Ninh, Đào Đình Luyện ,Lê Nam, Trần Linh, anh hùng Phan Đình Giót và những chiến sỹ đồng đội thân thiết của anh…
Chính họ đã góp phần làm nên chiến thắng Điện biên Phủ lẫy lừng và cùng Nhạc sỹ Đỗ Nhuận làm nên những bài ca tuyệt vời về Điện Biên

Chau La Việt