Thống kê sơ bộ, đến chiều 11/9, toàn tỉnh Bắc Giang có 35 thôn bị chia cắt, khoảng 7 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng. Các điểm bị ngập lụt, chia cắt chủ yếu ở các khu dân cư ngoài đê sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam; trong đó, tại các địa phương: Hiệp Hòa, Việt Yên, Lục Nam, TP Bắc Giang, Yên Thế, Tân Yên có tổng số 30 thôn. Riêng huyện Lục Ngạn còn 5 thôn ở xã Sa Lý bị chia cắt do ngầm Tà Cang trên đường tỉnh 248 bị sạt lở chưa thể khắc phục.
Tại huyện Hiệp Hòa, từ tối ngày 10/9, nước đã tràn qua đê bối đoạn qua 2 thôn Đồng Đạo và Đa Hội, xã Hợp Thịnh. Toàn huyện có 14 thôn của 4 xã Đồng Tân, Mai Trung, Hợp Thịnh, Thanh Vân bị cô lập toàn bộ hoặc một phần... Hơn 4,1 nghìn hộ dân với gần 13,8 nghìn nhân khẩu tại các địa phương này bị ảnh hưởng. Hàng nghìn hộ đã được di dời đến vị trí an toàn.
Để khắc phục, UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh thường xuyên tăng cường công tác dự báo, theo dõi sát sao tình hình mưa, lũ, mực nước của các sông, hồ, đập trên địa bàn, đặc biệt là hệ thống sông Cầu, sông Thương và công trình hồ Cấm Sơn để kịp thời có phương án xử lý trong trường hợp khẩn cấp, nguy cơ có sự cố xảy ra.
Trước tình hình trên, UBND các địa phương đã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tập trung cao ứng phó, khắc phục thiệt hại do bão gây ra. Trong đó phải kể đến là các thôn Xuân Biều, Cẩm Xuyên, Cẩm Hoàng (thuộc xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa).
Được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp tỉnh cấp huyện cùng sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, lãnh đạo địa phương cùng bà con 3 thôn Xuân Biều, Cẩm Xuyên, Cẩm Hoàng đã triển khai xúc cát vào các bao để kè những đoạn đê. Ghi nhận tại thôn Cẩm Xuyên lúc 21h14 ngày 11/9, mực nước còn cách mặt đê là 45cm.
Với sự quan tâm chỉ đạo của cấp tỉnh, huyện, Bí thư và Chủ tịch xã Xuân Cẩm cùng các cán bộ lực lượng dân quân xã tập trung cao độ bố trí trực 24/24 kiểm tra xuyên đêm để báo cáo tình hình, kịp thời xử lý tình huống xấu có thể xảy ra.