Càng chắp vá, càng xuống cấp
Gia đình bà Đỗ Thị Kim Thành, tại phố Hàng Khoai (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) là một trong 36 hộ gia đình đang sinh sống tại khu nhà tập thể cũ được xây dựng từ thời Pháp. Lối vào nhà bà là một con ngõ ẩm mốc do nhiều hộ kinh doanh tận dụng làm chỗ rửa bát.
Hiện nay, căn nhà 11m2 đang là nơi sinh sống của ba thế hệ nhà bà Thành. Theo chia sẻ của bà thì đã từng có 10 người sinh sống tại đây, nhưng về sau chỉ còn lại ba người. Nhiều thành viên gia đình đã mất hoặc quyết chuyển đi vì không gian chật hẹp của căn nhà không thể đáp ứng được chất lượng cuộc sống.
Vì quá ngột ngạt khi sống trong không gian chật chội, bà Thành cùng nhiều hộ gia đình khác tại khu tập thể đã quyết định cơi nới để mở rộng không gian sinh sống. Họ tận dụng không gian hành làng cũ để xây thành bếp và nhà tắm. Còn nhà vệ sinh vẫn được các cư dân chia nhau sử dụng chung. Ngoài việc xây các công trình phụ đua ra hành lang, những gia đình sinh sống tại đây cũng chọn cách "chắp vá" xây thêm tầng để tăng diện tích ở.
Bà Thành mô tả cho chúng tôi quá trình xây thêm tầng cho căn nhà chật chội: "Mà ngày xưa nhà mái ngói thôi, xây lên thế này là làm liều đấy vì không biết chất lượng móng nó như nào. Nhà bà xây đầu tiên ở bên này. Tổng chi chỉ riêng phần thô thôi đã lên tới 35 triệu vào năm 1975. Về sau người ta bắt chước người ta xây theo".
Việc "chắp vá" thêm tầng và công trình phụ tại những căn nhà cổ đã tạm giải quyết được vấn đề không gian sống của người dân. Mặt khác, những công trình cơi nới đã làm thay đổi cấu trúc căn nhà cổ và khiến tình trạng xuống cấp trở nên nghiêm trọng. Chính những cư dân sinh sống tại đây còn không dám chắc nền móng của những ngôi nhà cổ này liệu rằng có thể chịu được thêm sức nặng của “nhà chồng tầng" được nữa hay không.
Ở đã quen, đi thì xa phố
Mặc dù biết mình đang sống trong những căn nhà có nguy cơ đổ sậpp bất cứ lúc nào, nhưng nhiều người vẫn chọn cách ở lại như bà Thành vì vị trí thuận tiện của ngôi nhà: "Bà nghĩ 35 triệu vào năm 1975 mà xuống bãi mua thì khối đất. Nhưng bà chọn ở đây cho tới tận bây giờ vì gần chợ Đồng Xuân mà lại gần cầu Long Biên".
Mặt khác, nhiều cư dân tại phố cổ như gia đình cô Hồ Thị Hạnh tại phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) đang lên kế hoạch để chuyển ra khu vực khác sống vì môi trường sống chật chội không còn phù hợp.
Cũng như bao hoàn cảnh khác tại phố cổ, gia đình cô Hạnh cũng đang chật vật vì nhân khẩu đông trong căn nhà bí bách. Bà Phạm Thị Xuân Thu (mẹ chồng cô Hạnh) kể về tháng ngày đã quen với cảnh cả đại gia đình sống chung trong không gian 20m2: "Những năm 1970, ở nhà này có mười mấy người ở. Hai cụ thân sinh và mấy người em gái, cháu. Đương nhiên là sẽ bất tiện nhưng sẽ cố gắng sắp xếp để ở bằng được. Ở lâu rồi sẽ quen đi".
Theo cô Hạnh, việc chuyển ra khỏi phố cổ là một quyết định lớn vì nơi đây là nơi sinh ra và nhiều thành viên trong gia đình không ủng hộ việc này: "Bà và chồng thì không muốn đi. Nhưng con trai cô lớn rồi, thì ở lâu sẽ bất tiện. Thế hệ cô thì gia đình 15 người có thể ở chung 10m2, nhưng mà đến hệ này như các con thì không thể. Mình phải theo thời đại và phải có chiến lược chuyển đi."
Tình trạng cơi nới, "chắp vá" nhà tại khu vực phố cổ của TP. Hà Nội đang dẫn đến sự xuống cấp và tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn như hỏa hoạn hay sập đổ. Mặc dù nhận thức được những nguy hiểm, nhiều người dân vẫn lựa chọn tiếp tục ở trong những căn nhà chật hẹp vì vị trí đất kim cương trung tâm của thủ đô. Do đó, việc giải quyết tình trạng cơi nới và cải thiện chất lượng nhà ở tại phố cổ Hà Nội trở thành một nhiệm vụ cấp bách. Cần tăng cường quản lý và đảm bảo các công trình xây dựng mới tuân thủ các quy định an toàn và chất lượng. Đồng thời, cần đầu tư vào việc nâng cấp và sửa chữa những ngôi nhà cổ, giúp tái tạo và bảo tồn di sản văn hóa của phố cổ Hà Nội.
Quỳnh Anh
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/cuoc-song-ngot-ngat-tai-nhung-can-nha-chap-va-giua-thu-do-a15769.html