Ngày 23/3, Giám đốc điều hành mạng xã hội TikTok - ông Châu Thụ Tư đã phải đối mặt với phiên điều trần gay gắt trước Ủy ban Thương mại và Năng lượng Hạ viện Mỹ liên quan cáo buộc TikTok có mối quan hệ với chính phủ Trung Quốc cũng như việc ứng dụng gây hại cho sức khỏe tâm thần của trẻ em.
Theo giới chức Mỹ, TikTok có thể bị ép phải trao thông tin thu thập được từ người dùng Mỹ cho chính phủ Trung Quốc hoặc bị dùng để cài phần mềm theo dõi, gây hại vào điện thoại của người dùng Mỹ.
Mặc dù TikTok đã nhiều lần khẳng định công ty chưa bao giờ chia sẻ dữ liệu người dùng cho bất cứ chính phủ nào, nhưng nhiều quốc gia vẫn tỏ ra thận trọng với ứng dụng này.
Dưới đây là một số nước và cơ quan đã ban hành lệnh cấm với TikTok, theo hãng tin AP và trang Business Insider:
Mỹ
Ngày 27/2, Nhà Trắng đã yêu cầu tất cả cơ quan chính phủ xóa TikTok khỏi mọi thiết bị công nghệ trong vòng 30 ngày do lo ngại về bảo mật dữ liệu.
Ngoài ra, hơn một nửa trong số 50 tiểu bang của Mỹ cũng đã cấm TikTok khỏi các thiết bị các thiết bị thuộc sở hữu của nhà nước.
Trung Quốc đã phản ứng gay gắt trước quyết định của Nhà Trắng. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 28/2 cáo buộc Mỹ đang mở rộng quá mức khái niệm an ninh quốc gia và lạm dụng quyền lực nhà nước để áp chế các công ty nước ngoài.
Canada
Canada ngày 27/2 tuyên bố cấm TikTok trên tất cả thiết bị do chính phủ cấp vì mức độ rủi ro “không thể chấp nhận được” của ứng dụng này đối với quyền riêng tư và bảo mật.
Chủ tịch Hội đồng Ngân khố Canada - bà Mona Fortier cho biết chính phủ nước này cũng sẽ chặn tải xuống ứng dụng TikTok trên các thiết bị công trong tương lai.
Anh
Quốc hội Anh ngày 23/3 cho biết sẽ chặn ứng dụng TikTok trên tất cả các thiết bị của cơ quan, tương tự động thái cách đó không lâu của chính phủ nước này.
Người phát ngôn của TikTok gọi hành động này là “không phù hợp” và dựa trên những quan niệm sai lầm cơ bản về công ty.
Trước đó, chính phủ Anh ngày 16/3 đã cấm TikTok khỏi điện thoại di động của các bộ trưởng và quan chức chính phủ. Lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức.
Scotland ngày 23/3 cũng cho biết đã cấm TikTok khỏi các thiết bị chính thức của chính phủ và lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức.
Liên minh châu Âu (EU)
Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu - 3 cơ quan hàng đầu của EU đều đã áp đặt lệnh cấm TikTok trên các thiết bị của nhân viên với lý do lo ngại về an ninh mạng.
Lệnh cấm của Nghị viện Châu Âu đã có hiệu lực vào ngày 20/3. Nghị viện cũng “khuyến nghị mạnh mẽ” các nhân viên của mình xóa ứng dụng này khỏi thiết bị cá nhân.
Hà Lan
Chính phủ Hà Lan ngày 21/3 đã khuyến khích các nhân viên chính phủ không nên sử dụng các “phần mềm tấn công mạng” trên thiết bị công việc nhưng không đề cập tên ứng dụng cụ thể.
Tuyên bố của chính phủ Hà Lan viết: “Đối với các công chức làm việc cho chính phủ, việc cài đặt và sử dụng các ứng dụng từ các quốc gia có chương trình tấn công mạng chống lại Hà Lan và các lợi ích của Hà Lan trên các thiết bị làm việc là điều không nên làm”.
Tờ NL Times đưa tin khoảng 140.000 công chức của Hà Lan sẽ chỉ có thể sử dụng “các ứng dụng đã được phê duyệt” và “các ứng dụng nhạy cảm với hoạt động gián điệp” sẽ không còn được phép sử dụng nữa.
Bỉ
Ngày 10/3, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo tuyên bố cấm TikTok trên các thiết bị thuộc sở hữu của chính phủ trong ít nhất 6 tháng do lo ngại về an ninh mạng, quyền riêng tư và thông tin sai lệch.
Đáp lại, TikTok cho biết công ty “thất vọng về lệnh cấm này”, cho rằng lệnh cấm “dựa trên thông tin sai lệch cơ bản về công ty”. TikTok cũng cho biết công ty “sẵn sàng gặp các quan chức Bỉ để giải quyết mọi lo ngại và hiểu lầm”.
Đan Mạch
Bộ Quốc phòng Đan Mạch ngày 6/3 đã cấm nhân viên của bộ sử dụng TikTok trên thiết bị công và yêu cầu xóa ứng dụng ra khỏi thiết bị “càng sớm càng tốt”.
Bộ cho biết lý do của lệnh cấm là vì “những cân nhắc về an ninh” và “nhu cầu sử dụng ứng dụng trong công việc rất hạn chế”.
Na Uy
Quốc hội Na Uy ngày 23/3 đã cấm Tiktok trên các thiết bị công việc sau khi Bộ Tư pháp nước này cảnh báo không nên cài đặt ứng dụng trên điện thoại của nhân viên chính phủ.
Thủ đô Oslo và TP Bergen của Na Uy cũng kêu gọi quan chức xóa TikTok khỏi thiết bị nhà nước.
New Zealand
Ngày 17/3, New Zealand cũng thông báo sẽ cấm TikTok trên các thiết bị của chính phủ và lệnh cấm sẽ áp dụng từ cuối tháng 3.
Tuy nhiên, lệnh cấm của New Zealand sẽ không ảnh hưởng đến tất cả nhân viên chính phủ mà chỉ áp dụng cho khoảng 500 người là thành viên quốc hội.
Ấn Độ
Ấn Độ đã có lệnh cấm TikTok trong nhiều năm qua. Lệnh cấm đầu tiên được ban hành là vào năm 2020, rồi sau đó có hiệu lực vĩnh viễn kể từ tháng 1/2021.
Lệnh cấm được đưa ra sau tranh chấp giữa Ấn Độ và Trung Quốc dẫn đến cái chết của 20 binh sĩ Ấn Độ vào tháng 6/2020 trên dãy Himalaya. Lập tức, Ấn Độ đã cấm hàng chục ứng dụng do Trung Quốc sở hữu, bao gồm cả TikTok.
Vào thời điểm đó, Forbes ước tính rằng, lệnh cấm tại Ấn Độ có thể khiến TikTok mất khoảng 6 tỉ USD. Các nhà phân tích cũng nhận định rằng, lệnh cấm của Mỹ có thể sẽ có tác động tương tự như ở Ấn Độ; đồng thời khi đó các đối thủ cạnh tranh như Snapchat, Instagram và YouTube sẽ có lưu lượng sử dụng tăng lên.
Đài Loan
Đài Loan đã ban hành lệnh cấm TikTok trên thiết bị của chính phủ vào tháng 12/2022, và đang xem xét lệnh cấm rộng hơn đối với ứng dụng này trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc.
Các quan chức ở Đài Loan đã đặt câu hỏi về tính hiệu quả của lệnh cấm hoàn toàn trên toàn quốc, vì người dùng có thể sử dụng công nghệ như mạng riêng ảo (VPN) để "vượt rào" và che giấu hoạt động trực tuyến.
Afghanistan
Taliban đã tuyên bố cấm hoàn toàn ứng dụng này, cùng với trò chơi điện tử nhiều người chơi PlayerUnknown's Battlegrounds (thường được gọi là PUBG) từ năm 2022 để "ngăn chặn thế hệ trẻ bị lừa dối".
Wired báo cáo vào tháng trước rằng, một số nhà sáng tạo TikTok và những người có ảnh hưởng trong nước đã thấy lượt xem của họ giảm xuống, nhưng sau đó tăng trở lại sau khi mọi người bắt đầu sử dụng VPN và các biện pháp khác để lách lệnh cấm.
Úc
Một số cơ quan chính phủ riêng lẻ ở Úc đã cấm cài đặt TikTok trên thiết bị của các quan chức, nhưng tới nay chưa có lệnh cấm nào lớn hơn được ban hành.
Các quan chức Úc từ chối nói về lý do đằng sau lệnh cấm, hoặc liệu lệnh cấm có ảnh hưởng hay mở rộng sang các ứng dụng truyền thông xã hội khác hay không.
Ứng dụng này đã bị cấm trên điện thoại thuộc các Bộ Biến đổi khí hậu, Năng lượng, Môi trường và Nước; Bộ Nông nghiệp, Ngư nghiệp và Lâm nghiệp, cũng như các Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ Úc.
Phương Thảo - TH
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/tai-sao-co-nhieu-quoc-gia-lai-quay-lung-voi-tiktok-a9988.html