Top những ngành “khát” nhân lực không bao giờ hết "Hot"

Học ngành gì để khi ra trường không bị thất nghiệp? Đây là băn khoăn của rất nhiều sĩ tử từ trước đến nay. Những ngành học thiếu hụt nhân sự sau đây để có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp với mức “lương nặng” sau khi rời giảng đường.

nganh-hoc-hot-1679544992.jpg
Những ngành “khát” nhân lực không bao giờ hết "Hot" (Ảnh: Vietnam+)

Khối sức khỏe – nhóm ngành chưa bao giờ hết Hot

Bác sĩ

Khác với những ngành nghề khác, trải qua thời gian và các biến động kinh tế - chính trị - xã hội, Y khoa vẫn luôn là một trong những ngành học thu hút sự quan tâm hàng đầu của người học. 

Năm 2022, cả nước có hơn 80% dân số có bảo hiểm y tế, 5% dân số có bảo hiểm tư nhân, 73% dân số trả một phần hoàn toàn bộ viện phí bằng tiền mặt, tỷ lệ bệnh viện công – tư đang ở giai đoạn tăng trưởng mạnh; cho thấy nhu cầu thăm khám, chữa bệnh của người dân ngày càng được quan tâm, đẩy mạnh; đồng nghĩa với nhu cầu nhân lực ngành Y ngày càng tăng cao.

Y, Dược sĩ

Xã hội càng phát triển nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe; mức độ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ y tế, đặc biệt là các dịch vụ y tế chất lượng cao của người dân càng lớn. Đây là những nhân tố cơ bản dẫn đến sự phát triển tất yếu của ngành Dược ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, sự thiếu hụt nhân lực ngành dược tại các bệnh viện và công ty Dược phẩm trong nước càng trở nên trầm trọng khi các công ty sản xuất và cung ứng thuốc của nước ngoài cũng xác định rõ chiến lược xây dựng thương hiệu sản phẩm lâu dài tại Việt Nam. Các hãng thuốc của nhiều quốc gia đang thâm nhập thị trường Việt Nam kèm theo nhu cầu tuyển dụng, tạo ra cơ hội việc làm phong phú cho sinh viên học Dược ra trường.

Y tá điều dưỡng

Nhu cầu chăm sóc sức khỏe của mọi người ngày một tăng cao. Do đó, cơ hội việc làm cho các y tá điều dưỡng cũng ngày một nhiều.

Tính đến năm 2017, tại Mỹ có khoảng 172.000 người làm việc trng lực vực năng. Dự báo, con số ngày cần tăng thêm khoảng 35% trong 10 tới mới đáp ứng đủ nhu cầu của xã hội.

Thời điểm hiện tại, ngành Điều dưỡng tại Việt Nam đang rơi vào tình trạng thiếu nhân lực vô cùng trầm trọng, nhất là những người có trình độ tay nghề cao. Tỉ lệ điều dưỡng ở Việt Nam hiện tại là 11,4 điều dưỡng/10 ngàn dân, thấp hơn rất nhiều so với tỉ lệ trung bình trên thế giới (25 điều dưỡng/10 ngàn dân). Để tiến tới tỉ lệ điều dưỡng đạt chuẩn, đảm bảo đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc y tế của người dân, Việt Nam cần thêm 320.000 nhân viên y tế trong vòng 3-5 năm tới.

Dự báo, nhu cầu nhân lực ngành này cần tăng thêm khoảng 35% trong 10 năm tới mới đáp ứng đủ nhu cầu của xã hội.

Khối Kinh doanh và Kinh tế - ngành “mũi nhọn” cần nhiều nhân lực

Kinh doanh luôn là một trong những ngành hấp dẫn các bạn trẻ năng động. Đặc biệt, trong xu thế hội nhập quốc tế như hiện nay, để đáp ứng nhu cầu thị trường, hoạt động kinh doanh và doanh nghiệp phải không ngừng phát triển.

Có thể nói, chưa bao giờ hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp ở Việt Nam lại phát triển như hiện nay. Chỉ tính riêng khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, chúng ta đã có khoảng 20 vạn doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lớn, liên doanh, doanh nghiệp hoạt động ngoài nước cũng rất phát triển. Đây là cơ hội về số lượng việc làm trong ngành này nhưng cũng đặt ra thách thức rất lớn về vấn đề chất lượng nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, việc bùng nổ công nghệ cùng với chính sách mở cửa đã góp phần thúc đẩy hoạt động trao đổi hàng hóa, dịch vụ và đầu tư quốc tế của Việt Nam với thế giới.

Mức lương khối ngành kinh tế khá cao, đối với sinh viên mới ra trường sẽ có mức lương từ 7 - 9 triệu đồng/ tháng. Ngoài ra, tùy vào năng lực, vị trí và kinh nghiệm làm việc sẽ có mức lương cao hơn từ 10 - 20 triệu đồng/ tháng.

Thương mại điện tử

Trải qua 02 năm đại dịch, trong khi các ngành nghề khác ở trong tình trạng “đóng băng” thì TMĐT lại phát triển bùng nổ và trở thành xu thế tất yếu trong cuộc sống hiện đại. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu về nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực TMĐT có trình độ và kỹ thuật cao được ưu tiên hơn bao giờ hết.

Quản trị du lịch và lữ hành

Du lịch được coi là ngành mũi nhọn của nền kinh tế. Thị trường du lịch khách sạn nhà hàng tại Việt Nam đang phát triển một cách mạnh mẽ và nóng hơn bao giờ hết. Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm Việt Nam cần thêm khoảng 40.000 lao động mới trong lĩnh vực du lịch, trong khi đó số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành học này mới đạt 15.000 sinh viên/năm. Hơn hết, lực lượng lao động du lịch qua đào tạo và chuẩn nghề còn thấp, doanh nghiệp phải mất công đào tạo lại.

Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng

Theo Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), đến năm 2025, ngành Logistics Việt Nam cần thêm khoảng  là 300.000 nhân viên chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn, ICT, tiếng Anh để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhân sự ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng được chào đón ở tất cả các nước trên thế giới. Sau khi tốt nghiệp, bạn có thể làm việc tại nước ngoài hay trong công ty đa quốc gia chỉ cần ngoại ngữ giỏi và đáp ứng yêu cầu công việc; mức lương dao động từ 10 – 15 triệu đồng/tháng.

Digital Marketing, Big Data

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của các trang thương mại điện tử là một trong những biểu hiện cho thấy Big Data đã tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệ bằng cách thu thập dữ liệu, đánh giá hành vi của người tiêu dùng và từ đó đưa ra đề xuất các sản phẩm phù hợp với nhu cầu.

Đặc biệt, đối với ngành Digital Marketing, Big Data có thể sử dụng để thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng như kiểm tra và quản lý dữ liệu khách hàng. Dựa vào kết quả này, các công ty có thể cải tiến dịch vụ, nâng cao trải nghiệm và đưa ra cách giữ chân khách hàng.

Big Data cũng cung cấp dữ liệu phân tích hoạt động của các doanh nghiệp, giúp cải thiện hiệu suất làm việc, vận hành hiệu quả hơn...

Big Data có nhiều lĩnh vực nhỏ để nhân sự phát huy thế mạnh.

Khối Công nghệ - Ngành học có thu nhập “khủng”

Công nghệ thông tin

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Máy tính và Công nghệ thông tin (CNTT) là 01 trong 04 nhóm ngành có thí sinh trúng tuyển nhiều nhất năm 2022, chiếm 13% trên tổng số 564.735 thí sinh trúng tuyển.

Theo Vietnamwork - website tuyển dụng lớn nhất của Việt Nam, trong 3 năm vừa qua, số lượng công việc ngành CNTT – Phần Mềm đã tăng trung bình 47%/ năm. Tuy nhiên, số lượng nhân sự ngành này chỉ tăng ở mức trung bình 8%. Khối ngành này đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, cần thêm khoảng 400.000 nhân lực mỗi năm. Trong khi đó, số sinh viên tốt nghiệp ngành học này chỉ ở mức 30.000 người/năm.

CNTT đứng thứ 3 trong nhóm 10 ngành nghề có mức lương cao nhất tại Việt Nam với mức lương trung bình gần 20 triệu đồng/tháng, chỉ đứng sau Bất động sản và Y – Dược. Đặc biệt, sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 càng khiến ngành này thêm HOT và hấp dẫn người học.

Khoa học máy tính

Trong kỷ nguyên số, Khoa học Máy tính (KHMT) là một trong những ngành học cốt lõi, với tốc độ tăng trưởng việc làm cao nhất và không bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu. Trong 10 năm tới, KHMT và CNTT tiếp tục khan hiếm nguồn nhân lực, nhu cầu tuyển dụng tăng đến 20% mỗi năm.

Theo thống kê, 98% kỹ sư KHMT có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp với mức lương phổ biến trong khoảng 10 - 15 triệu/tháng. Những chuyên gia giàu kinh nghiệm có thể nhận mức lương lên tới 162.000 USD (khoảng 3,7 tỷ đồng) mỗi năm, tương đương 13.500 USD (khoảng 312 triệu đồng) mỗi tháng. Đặc biệt, kỹ sư KHMT hệ chất lượng cao định hướng thị trường Nhật Bản có cơ hội làm việc tại Nhật Bản với mức lương cạnh tranh hơn.

Kỹ thuật ô tô, cơ khí

Ô tô đang trở thành phương tiện thông dụng và được ưa chuộng ở hầu khắp các nước trên thế giới. Nhu cầu nhân lực cho quá trình bảo trì, bảo dưỡng động cơ, các hệ thống tự động cho đến nghiên cứu, cải tiến công nghệ và dòng sản phẩm mới đều tăng lên. Đặc biệt, thị trường luôn đòi hỏi các chuyên gia và kỹ sư công nghệ ô tô có trình độ kỹ thuật cao để đảm nhận các vị trí quan trọng. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, công nghệ ô tô là ngành học không bao giờ sợ thất nghiệp trong hiện tại và cả tương lai, kéo theo nhu cầu nhân lực của ngành sẽ ngày một gia tăng.

Mức lương của kỹ sư ô tô sẽ có mức thu nhập trung bình từ 10 – 15 triệu với những người chưa có nhiều kinh nghiệm. Còn đối với các kỹ sư ô tô có kinh nghiệm từ 3 đến 5 năm mức lương dao động trong khoảng từ 17 – 25 triệu đồng/tháng.

Nhóm ngành Ngôn ngữ - chìa khóa hội nhập quốc tế

Cùng với kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm và công nghệ thông tin, ngoại ngữ được xem là yếu tố quan trọng làm nên “chìa khóa” của sự thành công, giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc ở nhiều vị trí quan trọng và ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Quan hệ công chúng & Truyền thông ĐPT – chưa bao giờ hết hấp dẫn với những bạn trẻ năng động

Trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2022, Quan hệ công chúng (QHCC) và Truyền thông ĐPT đang trở thành ngành "hot" khi điểm chuẩn đầu vào cao chót vót. Điểm chuẩn vào các ngành báo chí, truyền thông cao nhất là 28,5 điểm. Như vậy, thí sinh đăng ký vào các chuyên ngành này cần đạt số điểm trung mình mỗi môn là từ 9 đến 9,5 điểm.

Học ngành QHCC và TTĐPT, sinh viên có thể làm việc trong tại các bộ phận phát triển nội dung, thương hiệu, quảng cáo, quan hệ công chúng, truyền thông ở các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, Bộ - ban ngành, các Uỷ ban trung ương và địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội hoặc khởi nghiệp trong lĩnh vực chuyên môn, giảng viên ngành Truyền thông ở các trường Cao đẳng, Đại học... Mức lương khởi điểm từ 12 – 15 triệu đồng/tháng.

Ngành Luật kinh tế tiếp tục tăng trong vòng 10 năm tới

Kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng càng đòi hỏi hành lang pháp lý và các vấn đề liên quan đến chính sách kinh tế phải được đảm bảo chặt chẽ và hoàn thiện. Bất cứ doanh nghiệp, tổ chức nào cũng cần nắm rõ pháp chế để triển khai hoạt động kinh doanh đúng pháp luật.

Vì thế, ngành Luật Kinh tế đã trở thành một ngành nghề quan trọng không thể thiếu trong xã hội hiện đại, đang thu hút nhiều nguồn nhân lực giỏi cho xã hội. Học luật kinh tế cung cấp cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về pháp luật, thực tiễn pháp lý trong kinh doanh; khả năng nghiên cứu và xử lý những vấn đề pháp lý đặt ra trong thực tiễn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.

Phương Thảo - TH

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/top-nhung-nganh-khat-nhan-luc-khong-bao-gio-het-hot-a9970.html