Nghỉ ngắn, cách ly dài, lao động lo lắng sợ không thể về quê dịp Tết Nguyên đán

Dịp Tết Nguyên đán 2022, người lao động nghỉ 9 ngày, nhưng nhiều địa phương liên tục ra công văn yêu cầu người về từ ngoại tỉnh tự cách ly ít nhất 7 ngày. "Nghỉ ngắn, cách ly dài", việc bị đẩy vào thế khó khiến nhiều lao động "đứng ngồi không yên"!

Lo lắng vì hàng loạt quy định cách ly mới trước Tết Nguyên đán

Mới đây, thành phố Thanh Hóa đã ra thư ngỏ khuyến cáo người dân không về quê dịp Tết Nhâm Dần 2022 nếu không thực sự cần thiết. Nhận được thông tin, chị Trần Thị Tuyết (23 tuổi, Thanh Hóa) như ngồi trên đống lửa. Chị Tuyết là nhân viên marketing tại một công ty trên đường Phùng Chí Kiên (Cầu Giấy, Hà Nội). Do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến căng thẳng nên chừng 10 tháng rồi chị chưa về quê.

"Mình rất nhớ nhà nên rất muốn về quê đợt Tết này, nhưng khi đọc thông tin trên mình vô cùng hoang mang. Nếu có công văn từ địa phương bắt buộc không được về quê thì mình sẽ không về. Còn nếu không thì mình vẫn sẽ về quê và khai báo y tế, thực hiện cách ly theo đúng quy định".

Mấy ngày gần đây, chị liên tục gọi điện về quê để hỏi han tình hình. Bạn bè của chị cho biết nếu người về từ Hà Nội thì đều phải cách ly 14 ngày. Công ty chị nghỉ Tết Nhâm Dần theo đúng lịch của nhà nước, tức là 9 ngày. Nghỉ 9 ngày nhưng cách ly 14 ngày, quả là bài toán "đau đầu". Nếu muốn về quê sum họp cùng gia đình, chị Tuyết buộc phải xin nghỉ sớm. "Mình định sẽ xin về quê làm online, mặc dù làm online chỉ được hưởng 50-70% lương."

nlntv-1641525510756-1641546178.jpeg
Chị Tuyết lo lắng khi địa phương liên tục thay đổi phương án phòng chống dịch. Ảnh: NVCC.

Cũng giống như chị Tuyết, 8 tháng nay, chị Nguyễn Ngọc (21 tuổi, Nghệ An) chưa về quê. Làm việc tại một quán ăn trên phố Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội, khu vực này được xếp vùng cam (tương đương cấp độ 3) khi số ca mắc covid-19 mới liên tục tăng cao.

Mấy ngày nay, chị Ngọc vẫn chưa dám tính đến chuyện về quê ăn Tết, một phần vì lo lắng dịch bệnh phức tạp, sợ mình sẽ mang dịch bệnh về cho gia đình, họ hàng, một phần vì quy định cách ly mới của địa phương.

Quán ăn nơi Ngọc làm cho nhân viên nghỉ Tết 10 ngày, nhưng theo quy định của địa phương, người từ Hà Nội về như chị buộc phải cách ly 7 ngày, như vậy là chỉ còn thừa 3 ngày để có thể thăm viếng họ hàng, bạn bè. Thời gian quá ngắn khiến chị do dự.

Tết năm ngoái, Ngọc về quê ăn Tết từ ngày 26 Âm lịch. Năm nay, vốn dĩ ban đầu chị vẫn định khoảng thời đó sẽ về quê sum họp cùng gia đình. Thế nhưng dịch bệnh bùng phát ở Hà Nội quá nhanh khiến mọi dự định của chị trở nên mơ hồ.

Gần một năm chưa gặp cha mẹ, Ngọc nhớ nhà vô cùng: "Em nhớ nhà lắm. Nhưng sợ nhiều hơn nhớ, em chỉ sợ mình sẽ mang mầm bệnh về cho gia đình thì nguy hiểm lắm. Chắc em sẽ chờ đến ngày gần Tết xem tình hình dịch bệnh như thế nào đã rồi mới quyết định năm nay có về quê ăn Tết hay không."

Nếu tình hình khả quan hơn, có thể Ngọc sẽ xin nghỉ sớm vài ngày để kịp thời gian cách ly và có thời gian thăm họ hàng, làng xóm. Nhưng nếu tình hình trở nên quá phức tạp, Ngọc sẽ đón Tết một mình ở Hà Nội. "Đến giờ này em vẫn chưa biết tính sao. Đón Tết ở Hà Nội chắc sẽ buồn lắm, mà nói là đón Tết chứ em định sẽ ngủ qua ngày thôi, chứ ở trên này dịch bệnh nhiều cũng không dám đi đâu chơi."

Mong ngóng từng ngày được về quê đón Tết Nguyên đán

Trong con ngõ nhỏ trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội), Cô Nguyễn Thị Huệ (41 tuổi, Phú Thọ) đang cẩn thận gấp từng bộ quần áo cho khách. Xuống Hà Nội được 7 năm, cô thuê một căn nhà nhỏ làm quán bán hàng tạp hóa kiêm giặt là. Công việc đem đến cho cô thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng, mức thu nhập được coi là khá ổn định.

Từ lúc dịch bùng phát vào tháng 4/2021, cô chưa được về quê lần nào. 8 tháng nay, mẹ con cô chưa được gặp nhau, mọi thông tin chỉ được kết nối qua màn hình điện thoại. Dịp Tết Dương lịch vừa rồi, những tưởng sẽ được về quê nghỉ ngơi và chơi cùng con cái thì cô Huệ lại nghe tin về quê sẽ phải cách ly tại nhà 7 ngày. Vậy là mọi dự định đành phải gác lại.

nlntv-tet-2-1641525515201-1641546657.jpeg
Cô Huệ đang miệt mài làm việc, tích cóp với mong muốn sớm được về quê đón Tết. Ảnh: Hồng Ngọc.

Tết Nguyên Đán đến gần, cô Huệ rất mong ngóng để được về quê, thế nhưng cùng với sự mong ngóng, là nỗi lo lắng khôn nguôi. Địa phương liên tục thay đổi quy định phòng chống dịch khiến những người con xa xứ như cô Huệ càng thêm hoang mang.

Theo quy định phòng chống dịch, Phú Thọ yêu cầu người trở về từ các xã thuộc cấp độ 1, cấp độ 2 chủ động tự theo dõi sức khỏe 7 ngày kể từ ngày trở về địa bàn tỉnh. Còn đối với người trở về từ các xã thuộc cấp độ 3, cấp độ 4 thì phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ bằng phương pháp RT-PCR; đồng thời tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày kể từ ngày đến/trở về địa phương. Có thể thấy, dù không cấm người dân về quê đón Tết nhưng những quy định này vô tình gây khó, bất tiện đối với người dân trong việc quyết định trở về quê ăn Tết.

"Với một người đi làm ăn xa như tôi, Tết là thời điểm mong chờ nhất sau một năm quá nhiều khó khăn, mệt mỏi vì dịch bệnh. Nhưng quy định phải cách ly phòng dịch khiến tôi đắn đo rất nhiều. Nếu muốn về quê đón Tết, tôi buộc phải thu xếp mọi việc để về trước 20 tháng Chạp".

Cũng chung suy nghĩ với cô Huệ, anh Nguyễn Anh Tuấn (38 tuổi, Gia Lai) đang cố gắng xin nhà chủ nghỉ sớm để về quê sum họp cùng gia đình. Làm ăn xa đã lâu, cả năm qua anh chẳng thể một lần được về thăm nhà dù vẫn còn những đợt nghỉ lễ dài ngày. Một phần vì dịch bệnh kéo dài, khu anh làm việc liên tục chuyển màu cam nên không thể về thăm nhà.

Một phần cũng vì thu nhập bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bùng phát diện rộng, kéo dài. Nỗi nhớ quê hương, vợ con được anh gửi gắm cả vào dịp Tết Nguyên Đán này. "Cả năm xa quê, giờ chỉ mong một lần trở về gia đình để mọi người tề tựu đông đủ là hạnh phúc rồi".

Cũng có động thái tương tự các địa phương khác, Gia Lai yêu cầu người dân về từ vùng dịch phải tự cách ly ở nhà. Gia Lai cách Hà Nội khoảng hơn 1.000km, chỗ làm của anh Tuấn cho nhân viên nghỉ 10 ngày, nếu đi về bằng xe khách thì mất khoảng 2 ngày.

Cộng thêm cả thời gian cách ly ít nhất 7 ngày thì chỉ còn dôi ra 1 ngày cho anh Tuấn thăm họ hàng, làng xóm. Chưa kể nếu phải cách ly lâu hơn, 14 ngày thì quả thật thời gian về không đủ thời gian cách ly. "Nên về quê ăn Tết" hay không, trong đầu anh Tuấn đã lặp đi lặp lại câu hỏi này rất nhiều lần.

"Nếu được, mình sẽ cố hết sức xin chủ quán cho nghỉ sớm để về quê. Nếu về từ 20 tháng Chạp thì may ra đủ thời gian cách ly. Dù gì, mình cũng sẽ cố về quê đón Tết bằng được". Hơn lúc nào hết, anh Tuấn mong ngóng được về quê sum họp, đón Tết cùng gia đình sau một năm quá nhiều biến động.

Tết Nguyên Đán đang đến gần nhưng tình hình dịch Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp, nhiều người buộc phải xa người thân mà không biết ngày nào sẽ được gặp lại. Mọi người đều mong đại dịch sớm được đẩy lùi để những người con xa xứ được trở về sum họp cùng gia đình.

 

Hồng Ngọc - Thùy Anh

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nghi-ngan-cach-ly-dai-lao-dong-lo-lang-so-khong-the-ve-que-dip-tet-nguyen-dan-a994.html