Theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An tại Hội nghị triển khai công tác giải quyết việc làm và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2023. Năm 2022, toàn tỉnh Nghệ An tạo việc làm mới cho 45.000 người (đạt 104,9% Kế hoạch giao, tăng 11,7% so với năm 2021, đạt 107,14 % so với Đề án đã phê duyệt). Trong đó: Đưa đi làm việc ở nước ngoài cho 24.560 lao động; tạo việc làm trong tỉnh 14.000 lao động; đưa lao động đi làm việc ở tỉnh ngoài 6.500 lao động.
Thị trường lao động chuyển dịch theo hướng tốt hơn, giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông lâm thuỷ sản từ 46,33% năm 2021 xuống 42,5% năm 2022, tăng tỷ trọng lao động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng từ 26,50% năm 2021 lên 28,55% năm 2022, tăng tỷ trọng lao động trong lĩnh vực dịch vụ từ 27,17% năm 2021 lên 28,95% năm 2022.
Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực không ngừng được nâng lên đảm bảo từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ở mức dưới 3%; tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở khu vực nông thôn từ 80,1% năm 2021 lên 85,8% năm 2022 đạt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Giải quyết việc làm đạt kết quả đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu hát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
Năm 2022, toàn tỉnh đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được 24.560 người (đạt 181.25% KH năm, tăng 115,8% so với năm 2021); trong đó 11 huyện miền núi đưa đi được 7.643 người (đạt 31.11%), tập trung vào các thị trường chính như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Âu. Ngoài các thị trường chính như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc tiếp tục được củng cố và tăng cường thì năm 2022 một số thị trường Đông Âu cũng có những tín hiệu tích cực về việc tiếp nhận lao động Việt Nam, đặc biệt đối với thị trường Romania đã tác động mạnh đến người lao động của các huyện miền núi… Mức thu nhập do người lao động đi làm việc ở các nước chuyển về bình quân từ 17 đến 30 triệu/ người/ tháng.
Đến nay, Nghệ An là một trong trong những tỉnh đứng đầu có nhiều lao động đang làm việc ở nước ngoài (khoảng trên 75.000 người). Hàng năm số ngoại tệ gửi về cho người thân khoảng 500 đến 550 triệu USD góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội. Trên địa bàn tỉnh gần 50 doanh nghiệp xuất khẩu lao động về phối hợp tuyển lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài.
Tuy nhiên, việc kết nối cung - cầu về lao động - việc làm giữa doanh nghiệp và người lao động chưa gắn kết chặt chẽ; thông tin các chính sách, pháp luật về lao động đến người lao động còn hạn chế; mặt bằng trình độ tay nghề người lao động còn thấp, lao động phổ thông chưa qua đào tạo còn lớn. Công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở một số địa phương, nhất là miền núi kết quả chưa cao, chưa phát huy hết khả năng. Hiện tượng người dân tự ý hoặc thông qua môi giới đưa sang một số nước như: Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia… làm việc, cư trú bất hợp pháp bằng hình thức đi du lịch, thăm người thân đã gây thiệt hại cho người lao động và công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh.
Năm 2023, toàn tỉnh phấn đấu giải quyết việc làm mới cho khoảng 43.000 lao động, trong đó đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 14.500 người. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động nước ngoài, đặc biệt tập trung vào các thị trường Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Đài Loan, đưa tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi xuất khẩu lao động lên 60%...
Để công tác giải quyết việc làm và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt chỉ tiêu đề ra, các đại biểu đề nghị công tác giải quyết việc làm cho người lao động phải có sự tham gia vào cuộc tích cực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương.
Đồng thời, phải làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề, hướng nghiệp cho người lao động và phải đi trước một bước, cán bộ tuyên truyền phải am hiểu chính sách, nắm được thông tin đầy đủ về định hướng phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu của thị trường lao động; các chính sách tuyển dụng của doanh nghiệp. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực việc làm. Công tác kiểm tra, giám sát lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc theo hợp đồng ở trong và ngoài nước phải được thực hiện thường xuyên ở tất cả các khâu và ở tất cả các cấp để kịp thời chấn chỉnh các vi phạm; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện...
Thắng Vũ
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nghe-an-phan-dau-dua-14500-nguoi-lao-dong-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-theo-hop-dong-trong-nam-2023-a9932.html