Bộ LĐTBXH đề xuất 2 phương án tính lương đóng BHXH

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đề xuất hai phương án quy định về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đối với người lao động (NLĐ) đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.

bhxhh-1678855212.jpg
Bộ LĐTBXH đề xuất 2 phương án tính lương đóng BHXH (Ảnh: CafeF)

Phương án 1: Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác được xác định bằng mức tiền cụ thể ghi trong hợp đồng lao động.

Với phương án này, mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác đều đã xác định từ trước, như phụ cấp chức vụ vài trăm ngàn đồng mỗi tháng. Những khoản biến động trong quá trình làm việc của NLĐ chưa được tính đóng.

Phương án 2: Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật lao động. Khi đó, tiền được tính đóng bao gồm cả khoản xác định được trước lẫn biến động trong quá trình làm việc của NLĐ. Như vậy, nền tiền lương đóng BHXH của NLĐ sẽ được nâng lên để hưởng lương hưu cao hơn.

Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH không bao gồm tiền thưởng, các khoản hỗ trợ và trợ cấp không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Theo các chuyên gia lao động, phương án 1 giữ theo mức đóng hiện hành; còn với phương án 2, căn cứ để đóng BHXH sẽ cao hơn do cộng nhiều khoản bổ sung khác.

Dự luật còn đưa ra mức lương đóng BHXH bắt buộc thấp nhất trong doanh nghiệp là 2 triệu và cao nhất 36 triệu đồng. Chính phủ điều chỉnh mức này dựa trên đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế; đồng thời quy định việc truy thu, truy đóng tiền lương tháng tham gia BHXH của lao động và chủ doanh nghiệp.

Lý do đưa ra hai phương án lấy ý kiến về mưc đóng tiền lương đóng BHXH là do Luật BHXH năm 2014 quy định "đối với NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật lao động". Sau đó, mức tiền lương làm căn cứ đóng tăng không đáng kể, chỉ tăng theo sự điều chỉnh mức tăng tiền lương tối thiểu vùng hằng năm.

Mặc dù Luật BHXH 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật đã hướng dẫn chi tiết mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH nhưng ở một số doanh nghiệp vẫn tồn tại 3 loại thu nhập gồm: Thu nhập để làm căn cứ đóng BHXH; thu nhập để doanh nghiệp thực hiện quyết toán và thu nhập thực tế chi trả cho người lao động.

Theo quy định hiện nay, các loại phụ cấp tính đóng BHXH bao gồm chức vụ, trách nhiệm, khu vực, thâm niên, phụ cấp công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm. Đồng thời có khoảng 15 loại phụ cấp, phúc lợi không tính đóng BHXH gồm: Tiền thưởng, thưởng sáng kiến, tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ...

Đáng chú ý là thu nhập để làm căn cứ đóng BHXH luôn ở mức thấp nhất (bằng mức lương tối thiểu vùng, cộng 7% đối với lao động đã qua đào tạo nghề và cộng thêm 3% hoặc 7% đối với lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm). Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mức hưởng các chế độ BHXH, đặc biệt là mức hưởng lương hưu khi về già.

Theo phân tích BHXH, tình trạng trên có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như chủ sử dụng lao động cố tình lách luật để giảm bớt phần trách nhiệm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ.

Năm 2022, số người tham gia BHXH là 17,49 triệu người (chiếm 33,89% lực lượng lao động). Trong đó số người tham gia bảo hiểm bắt buộc là 16,03 triệu người và 1,46 triệu người tham gia BHXH tự nguyện.

Phương Thảo - TH

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/bo-ldtbxh-de-xuat-2-phuong-an-tinh-luong-dong-bhxh-a9830.html