Nguồn gốc ngày Valentine Trắng
Valentine Trắng có nguồn gốc từ Nhật Bản. Vào năm 1965, tại Nhật, một chàng trai muốn đáp lại tình cảm của cô gái thầm thương trộm nhớ mình hôm Valentine Đỏ (14/2), nên anh đã làm tặng nàng một hộp kẹo trắng như tuyết. Đây cũng chính là sự tích ngày Valentine Trắng.
Valentine Trắng tại Nhật Bản
Theo quan niệm ở Nhật, bạn nên tặng món quà giá trị gấp 3 lần món bạn nhận được vào ngày 14/2. Nếu tặng quà giá trị ngang nhau hoặc thấp hơn thì đồng nghĩa tình cảm của các cô gái không được đáp lại.
Ngày Valentine Trắng đầu tiên được tổ chức vào năm 1978. Nó được khởi xướng bởi Hiệp hội công nghiệp bánh kẹo quốc gia như là một “ngày trả lời” đối với ngày Valentine, rằng người nam nên trả lại người nữ đã tặng họ chocolate hoặc quà khác vào dịp 14/2. Năm 1977, công ty bánh kẹo Ishimura Manseido ở thành phố Fukuoka đã tiếp thị kẹo dẻo cho nam giới vào ngày 14/3, gọi đó là Ngày kẹo dẻo (Marshmallow Day). Dần dần, ngày này được lan rộng, không chỉ ở Nhật Bản mà còn phổ biến ở các nước lân cận như Hàn Quốc, Đài Loan…
Cụm từ “White Day” và sau này là “White Valentine” bắt nguồn từ chính màu trắng đặc trưng của món kẹo dẻo xốp như mây kia. Tuy nhiên, ngày nay, nam giới có thể tặng chocolate trắng hoặc các món bánh, kẹo khác tùy vào tâm ý của mình. Từ “White” không chỉ mang ý nghĩa là màu trắng, nó còn biểu tượng cho một tình yêu thuần khiết.
Ý nghĩa của những món quà
Người Nhật rất chú trọng trong việc chọn lựa những món quà tặng, vì nó không chỉ đơn thuần là một món đồ vật chất, nó còn mang “thông điệp ngầm” gửi đến người nhận.
Do có tên là ngày Valentine trắng nên các món màu trắng đặc biệt được ưa chuộng, ví dụ như hoa hồng trắng, chocolate trắng, bánh, kẹo dẻo marshmallow… và mỗi món quà đều mang một ý nghĩa riêng.
Nếu bạn nhận được một hộp bánh thì đồng nghĩa, anh ấy đang muốn gửi đến bạn câu nói “Anh yêu em”, còn nếu là hộp kẹo là “Anh thích em”. Nếu là chocolate trắng thì lại mang ý nghĩa nhẹ nhàng hơn “Anh muốn làm bạn với em”...
Giri choco có thể hiểu là một loại Chocolate mang tính chất “ngoại giao”. Bạn có thể tặng nó cho sếp, các đồng nghiệp, đối tác là nam giới. Tuy nhiên không dừng ở mối quan hệ công việc, loại Chocolate này còn được tặng cho bố hoặc con trai tại một số gia đình.
Tomo choco – Chocolate bạn bè. Nó cũng là “ngoại lệ” của quy tắc một chiều phía trên, không chỉ để tặng cho các bạn nam, các bạn gái thân cũng thường tặng cho nhau loại Chocolate này.
Honmei choco - Đây là loại Chocolate quan trọng nhất, dành cho “ai kia” mà bạn đang “thầm thương trộm nhớ” như một cách bày tỏ tình cảm. Thông điệp khi tặng loại Chocolate này rất rõ ràng là “tớ đang thích bạn đấy”.
Jibun choco - Là Chocolate được tặng cho riêng mình. Trào lưu này đang rộ lên gần đây và được giới trẻ hưởng ứng. Nếu bạn đang F.A thì đây sẽ là cách an ủi bản thân tuyệt vời. Hoặc ít ra nó cũng là dịp để thỏa mãn bản thân một cách chính đáng nếu bạn là tín đồ của Chocolate.
Phương Thảo - TH
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/su-that-thu-vi-ve-valentine-trang-143-a9802.html