Nghệ thuật dùng mưu
Đồng chí Hoàng Minh Thảo tên thật là Tạ Thái An, quê ở huyện Kim Động, Hưng Yên. Năm 1941 ông tham gia Việt Minh rồi được cử đi học quân sự ở Liễu Châu (Trung Quốc). Ông là Đại đoàn trưởng đầu tiên của Đại đoàn 304 (1950-1954). Kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi, ông có thời gian dài là Viện trưởng Học viện Quân sự (nay là Học viện Lục quân).
Từ cuối năm 1966, ông được điều vào giữ chức Phó tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên và Khu 5. Đây là một chiến trường gian khổ, ác liệt bởi thường phải đối đầu với những đơn vị sừng sỏ nhất của quân đội viễn chinh Mỹ và chư hầu.
Trong điều kiện đó, kinh nghiệm từng trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo tác chiến tại nhiều đơn vị trên nhiều chiến trường và những lý luận quân sự mà ông đúc kết khi công tác tại Học viện Quân sự được đem ra vận dụng vào thực tiễn đã góp phần giúp cho Quân đội ta giành thắng lợi trong nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch.
Chúng tôi từng gặp bác sĩ Nguyễn Đình Lễ-người trực tiếp phục vụ Tư lệnh Hoàng Minh Thảo tại nhà riêng ở khu tập thể Nam Đồng (Hà Nội). Ông kể: "Cuối năm 1974, đang công tác ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, tôi nhận lệnh đi chi viện chiến trường. Và phải đến ngày tập trung ở Trạm 66 (Phan Đình Phùng, Hà Nội) trong buổi sáng lên đường tôi mới biết mình được đi phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho đồng chí Hoàng Minh Thảo. Là người trực tiếp phục vụ Tư lệnh trong những ngày chuẩn bị Chiến dịch Tây Nguyên, dù tình hình hết sức căng thẳng, khẩn trương nhưng tôi thấy ông vẫn rất điềm tĩnh, sinh hoạt ngủ nghỉ điều độ như thường lệ.
Buổi sáng, ông “thảnh thơi” tưới nước cho mấy giỏ hoa phong lan treo trước cửa hầm chỉ huy. Mỗi khi di chuyển vị trí, ông đều tự tay buộc những giỏ lan này chắc chắn ở sau xe ô tô. Bước vào chiến dịch, Tư lệnh Hoàng Minh Thảo, đồng chí thư ký Nguyễn Văn Yêm và tôi thường xuyên cùng ngồi trên chiếc xe Uaz di chuyển đến sở chỉ huy các đơn vị, thói quen ấy của ông vẫn không thay đổi.
Đặc biệt khi đã về nghỉ ngơi, ông không bao giờ nói chuyện công việc. Vì vậy mà quá nửa đêm 9-3-1975, ở hầm tiền phương không thấy ông về nghỉ tôi vẫn nghĩ là ông đang bận họp mà thôi. Cho đến rạng sáng ngày 10-3, tự nhiên nghe tiếng đạn nổ rất gần, hỏi anh em bảo vệ bấy giờ tôi mới biết là ta đã nổ súng tấn công và đang đà thắng lợi rồi!”.
Dù từng trở đi trở lại Tây Nguyên nhiều lần nhưng khi nhận cương vị là Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên, đồng chí Hoàng Minh Thảo vẫn phải mất một thời gian làm quen lại bởi thực tế đã có nhiều biến chuyển. “Ngày 7-2-1975 chúng tôi vào đến sở chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên, lúc đó anh Vũ Lăng-Tư lệnh Mặt trận đang chủ trì và nắm chắc chiến trường nên trước mắt đồng chí Hoàng Minh Thảo đề nghị có một thời gian ngắn nắm tình hình.
Ngay sau đó, ông đã cùng tập thể Bộ Tư lệnh nhanh chóng vào cuộc, chỉ đạo thực hiện mọi mặt công tác chuẩn bị cho chiến dịch mới”-bác sĩ Lễ cho biết. Và thực sự Tư lệnh Hoàng Minh Thảo đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng góp phần làm nên chiến thắng Tây Nguyên, mở ra thời cơ tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam để quân và dân ta tiếp tục thực hiện các đòn tiến công quân sự lớn, phát triển cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Trong cuốn “Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng” do NXB Quân đội nhân dân xuất bản năm 2004, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo nhận định: “Ta ghìm địch ở Bắc Tây Nguyên để phá vỡ địch ở đầu yếu là Nam Tây Nguyên. Đó là một thành công trong nghệ thuật dùng mưu”.
Thực tế, “nghệ thuật dùng mưu” trong Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng một loạt hoạt động cài thế bao vây, chia cắt, cô lập Buôn Ma Thuột. Quân Giải phóng tăng cường hoạt động nghi binh thu hút sự chú ý của Mỹ, ngụy về phía bắc (Kon Tum), đánh trận giả ở Pleiku. Địch đã mắc mưu. Ta đã đánh lừa cả bộ máy chiến tranh khổng lồ của địch, hút chúng về phía Bắc Tây Nguyên rồi bất ngờ tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột, làm rung chuyển cao nguyên, buộc địch phải rút lui chiến lược, mở đầu cho sự tan rã ở chiến trường miền Nam, tạo thời cơ chiến lược kết thúc chiến tranh.
Và kế hoạch nghi binh lừa địch
Về nghệ thuật nghi binh trong Chiến dịch Tây Nguyên, chúng tôi từng gặp và trò chuyện với Trung tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Tổng tham mưu. Năm 1975, trên cương vị là Trưởng phòng Tác chiến Mặt trận B3-Tây Nguyên, ông được giao nhiệm vụ: Nghiên cứu phương án đánh địch có và không có phòng ngự dự phòng.
Ông kể: “Hôm ấy, tôi nhận nhiệm vụ trở lại hầm tác chiến đã 24 giờ. Ngả người trên tấm sạp dã chiến cho đỡ mỏi nhưng trong đầu tôi không ngừng suy nghĩ làm thế nào để đánh quân địch ở Buôn Ma Thuột không có phòng ngự dự phòng? Tôi sực nhớ ra phải nghi binh địch, làm cho chúng tưởng ta đánh Kon Tum và Pleiku. Thế là một chiến dịch nghi binh đã dần hình thành trong tôi”.
Rất nhanh sau đó, tổ trung tâm nghiên cứu chiến thuật do Trưởng phòng Tham mưu Khuất Duy Tiến làm tổ trưởng đã chuẩn bị xong phương án đánh địch ở thị xã Buôn Ma Thuột. Trong đó có một kế hoạch nghi binh, gọi tắt là kế hoạch B do đồng chí Khuất Duy Tiến đích thân viết tay, tổng hợp trên 10 trang giấy pơ-luya. Tham gia vào kế hoạch nghi binh này, ngoài lực lượng tại chỗ được bố trí ở các hướng còn có một bộ phận chuyên làm nhiệm vụ nghi binh gồm 2 máy 15W của trung đoàn thông tin cùng 2 tổ cơ yếu, trong đó một máy làm nhiệm vụ đóng giả một sư đoàn mới vào, một máy đóng giả Sở chỉ huy tiền phương B3. Các đơn vị được phổ biến quy định là khi nhận kế hoạch tác chiến mà có chữ “kế hoạch B” thì chỉ huy đơn vị cần lưu ý: Không làm theo. Việc nghi binh được triển khai trong khoảng thời gian 4 tháng (từ tháng 11-1974 tới đầu tháng 3-1975).
Địch bị phía ta đưa vào “ma trận” thật giả lẫn lộn. Những phương án nghi binh do Trưởng phòng Khuất Duy Tiến chấp bút được ta triển khai rầm rộ như: Đêm đêm các xe kéo pháo, xe tăng cơ động thay đổi vị trí, các xe vận tải tăng cường vận tải hàng hóa, quân - dân ra sức củng cố hầm hào, công sự chiến đấu. Đồng thời ta cho phao tin sắp đánh lớn ở Gia Lai, Kon Tum khiến cho địch lập tức điều động lực lượng lên khu vực này, trong khi đó Buôn Ma Thuột không có kế hoạch phòng thủ… Ông nhớ lại: “Trung tuần tháng 2-1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên hình thành trên cơ sở lấy Bộ tư lệnh và cơ quan Mặt trận làm nòng cốt.
Trung tướng Hoàng Minh Thảo - Tư lệnh; Đại tá Đặng Vũ Hiệp - Chính ủy; các anh: Vũ Lăng, Phan Hàm, Nguyễn Năng, Nguyễn Lang - Phó tư lệnh; Phí Triệu Hàm - Phó chính ủy. Quyết tâm và kế hoạch tác chiến chiến dịch được Đại tướng Văn Tiến Dũng (Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam) đại diện Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh vào tổ chức sở chỉ huy tiền phương của Bộ trực tiếp chỉ đạo chiến dịch thông qua. Ngay lập tức các đơn vị tham gia chiến dịch được giao nhiệm vụ chính thức với yêu cầu triệt để thực hiện và bảo đảm tuyệt đối bí mật”.
Bị các hoạt động nghi binh chiến dịch của ta làm cho lạc hướng, Phạm Văn Phú - Tư lệnh Quân đoàn 2 kiêm Tư lệnh Quân khu 2 của ngụy lệnh cho các đơn vị phòng thủ Kon Tum và Pleiku củng cố hệ thống bố phòng, tăng cường sục sạo ra xa để sớm phát hiện ý đồ của ta và tổ chức tiến công từ tuyến ngoài nhằm tiêu hao, làm giảm sức chiến đấu của ta khi đánh sâu vào trong thị xã. “Để củng cố niềm tin của địch, Tư lệnh Hoàng Minh Thảo lệnh cho tôi cho phát một bức điện giả. Nội dung là: “Địch đã bị lừa, cho rằng ta sẽ đánh Buôn Ma Thuột nên đã đưa trung đoàn 45 xuống phía Nam”.
Đúng như tính toán của ta, Phạm Văn Phú đã nhận được bức điện cùng lúc với chỉ huy quân sự các tỉnh ở Tây Nguyên. Vậy là, chúng đưa Trung đoàn 45, đơn vị mạnh của Sư đoàn 23 từ Buôn Ma Thuột lên Pleiku, để sơ hở hướng Nam Tây Nguyên và Buôn Ma Thuột. Đòn nghi binh kinh điển ở Pleiku chính là yếu tố then chốt giúp ta giành thắng lợi.”-Trung tướng Khuất Duy Tiến kể.
Điều bất ngờ đối với những chỉ huy quân đội Mỹ, ngụy ở Sài Gòn và Tây Nguyên đã tới: 16 giờ ngày 9-3, từ những vị trí tập kết cách thị xã Buôm Ma Thuột khoảng 20km, quân ta đã hình thành 5 mũi tiến công cùng tiến về thị xã. Qua một ngày chiến đấu, trên tất cả các hướng bộ đội ta chiến đấu ngoan cường, dũng cảm thọc sâu, làm chủ phần lớn các mục tiêu quan trọng trong thị xã Buôn Ma Thuột và các căn cứ án ngữ vòng ngoài của địch.
Suốt nhiều ngày, Tư lệnh Hoàng Minh Thảo và các thành viên của Bộ tư lệnh không ngừng theo dõi bản đồ tác chiến tại Sở chỉ huy, kịp thời chỉ đạo tác chiến chiến dịch và sẵn sàng trực tiếp đi đốc chiến. Trong nhiều tài liệu viết về trận Buôn Ma Thuột lấy 11 giờ ngày 11-3-1975, giờ ta cắm lá cờ lên sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy là giờ giải phóng hoàn toàn thị xã. Nhưng theo nhiều nhân chứng chúng tôi được gặp kể lại, cho đến nhiều ngày tiếp theo đó cuộc chiến đấu vẫn diễn ra vô cùng quyết liệt. Hơn 8.000 tên địch mới bị diệt một số, đại bộ phận còn lại vẫn ẩn nấp trong thị xã.
“Tất cả những gì xảy ra sau đó đều nằm trong dự liệu của Bộ Tư lệnh chiến dịch và Tư lệnh Hoàng Minh Thảo. Các đơn vị đến cứu viện lần lượt rơi vào các bẫy giăng sẵn của Quân Giải phóng để sau đó thất bại trong vô vọng. Tổng thống ngụy Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu buộc phải ra lệnh "tùy nghi di tản", rút bỏ cao nguyên. Gần nửa thế kỷ trôi qua giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy mình thật may mắn khi được đóng góp phần nhỏ bé trong Chiến thắng Tây Nguyên tháng 3-1975”, Trung tướng Khuất Duy Tiến cười khiêm tốn nói.
TUẤN TÚ-NGỌC MAI
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/thuong-tuong-hoang-minh-thao-va-chien-dich-tay-nguyen-a9754.html