Chuyển đổi giáo dục trong môi trường ChatGPT

ChatGPT dù rất mới nhưng đã gây tiếng vang lớn trong thế giới công nghệ về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Vì vậy, giáo dục cần chuyển đổi để ChatGPT hỗ trợ một cách đắc lực giáo dục đổi mới, nhất là trong kỷ nguyên công nghệ và chuyển đổi số.

tieuhoc-5530-1678175941.jpg
Giáo viên Trường Tiểu học Tân Dân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. (Ảnh: HUYỀN TRANG)

Thế mạnh của ChatGPT là khả năng xử lý dữ liệu vô cùng lớn và hiểu ngôn ngữ tự nhiên phong phú, có có thể sản xuất ra các câu hỏi và trả lời theo nhiều chủ đề khác nhau, rất nhanh và tự động; liên tục cải thiện hiệu suất làm việc. Vì thế, ChatGPT hoạt động càng lâu càng hiểu biết nhiều và có thể dần trở thành máy có tính người hơn.

ChatGPT có thể coi là trợ lý ảo giáo dục bằng cách giúp người học tra cứu nhanh chóng các bài học và học liệu liên quan tới chủ đề học tập. Những kiến thức cho người học được trả lời giống như nội dung cơ bản trong sách giáo khoa. Tự động hóa quá trình học tập thông qua cung cấp các bài kiểm tra và cả hướng dẫn đánh giá quá trình học tập của người học. Phát triển ngôn ngữ cho trẻ em, giúp cải thiện ngôn ngữ nhanh và dễ dàng, đặc biệt khi học ngôn ngữ nước ngoài; phân tích ngôn ngữ tự nhiên, giúp dạy học hiểu ngôn ngữ kịp thời và chính xác.

ChatGPT có thể hỗ trợ học từ xa, như cung cấp nội dung học tập, đưa ra các câu hỏi và giải đáp thắc mắc kịp thời và hiệu quả. ChatGPT có khả năng đưa ra và trả lời khá đầy đủ về quan điểm, nội dung, phương pháp và đánh giá giáo dục hiện đại và so sánh được với giáo dục truyền thống. Các chương trình giáo dục, chủ đề giáo dục và chủ đề bài học được bot tổng hợp đánh giá khách quan, không cực đoan. Cách viết trả lời gọn gàng, mượt mà và được diễn đạt khúc triết, khiêm tốn, không mắc lỗi chính tả.

Tuy nhiên, hiểu biết của ChatGPT là dựa vào dữ liệu đã học, đã được huấn luyện từ con người và trả lời theo cách của xác suất thống kê, có nghĩa là nói được là dựa theo “đám đông” khi nó tương tác với người. Trong khi ý kiến của đám đông đôi khi đúng hoặc có khi lại sai. Nhược điểm lớn nhất của ChatGPT là cần dữ liệu huấn luyện phải chính xác, đầy đủ, đa dạng, không cực đoan và không mất cân bằng giữa các quốc gia. Nếu không, Chat GPT sẽ cho câu trả lời thiên vị và thiếu chính xác, thậm chí gây xung đột.

Ngoài ra, ChatGPT có những chức năng mang tính đặc thù của khoa học máy tính, như không thể có cảm xúc như con người và làm việc phải theo quy trình hay thuật toán có sẵn; thiếu trải nghiệm và không được huấn luyện để có hiểu biết về các tình huống riêng biệt của vùng miền và dân tộc. Do đó những nội dung liên quan tới văn hóa, xã hội hay nhân văn thì ChatGPT không thể đưa ra được câu trả lời đầy đủ và chính xác, thậm chí còn sai.

ChatGPT mới biết áp dụng các quy tắc logic cơ bản, đơn giản như so sánh hay liên kết, nên hạn chế trong khâu biến đổi mệnh đề tương đương hay suy luận logic phức tạp; không thể độc lập hỗ trợ cho các hoạt động về hình vẽ, đồ thị hay đồ họa; không thể đưa ra các bài tập về thực hành, trò chơi hay quá trình thảo luận nhóm.ChatGPT không phản hồi kịp thời kết quả học tập cho người học và không giúp cá nhân hóa người học.

44-1565-1678175940.jpg
Giờ thực hành của sinh viên khoa Kiến trúc - Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. (Ảnh: HÀ THU)

Sự phát triển ngày càng lớn mạnh của AI, trong đó có ChatGPT - hiện tượng độc đáo hiện nay, là không thể đảo ngược. Giáo dục phải chuyển đổi để chung sống mà không ngăn cấm và làm chủ ChatGPT, chế ngự để có thể hỗ trợ giáo dục một cách đắc lực, nhất là trong kỷ nguyên công nghệ và chuyển đổi số.

Vai trò, vị trí của người dạy rất cần thay đổi, không giảm nhẹ mà được phát triển, nhất là năng lực chuyên môn, nghề nghiệp cần được nâng lên đáng kể nhằm thích ứng với môi trường dạy học ChatGPT. Người dạy phải thẩm định tất cả nội dung bài học mà ChatGPT cung cấp để chính xác hóa hoặc sửa sai hoặc cập nhật kiến thức, đặc biệt là bổ sung tình huống hay ngữ cảnh ngôn ngữ. ChatGPT cơ bản có thể làm được nhiệm vụ cung cấp kiến thức cho người học, khi ấy người dạy phải thay đổi vai trò, trở thành người thẩm định, phân tích, khai thác kiến thức, rèn kỹ năng, hướng dẫn phương pháp học tập mới… cuối cùng là đánh giá sự phát triển năng lực người học.

ChatGPT không quyết định, làm thay tất cả việc học hay quyết định cuộc đời người học. Sản phẩm của người học phải do chính mình tạo ra mà không phải của ChatGPT, kiểu như đạo văn. Người dạy phải có năng lực, phải là người thông thái để phân biệt đâu là kết quả từ ChatGPT, đâu là trí tuệ của người học. Dạy đạo đức cho người học khi có ChatGPT là nhiệm vụ quan trọng. ChatGPT giúp ta làm được nhiều hoạt động dạy học, đồng nghĩa các nhà trường có thêm thời gian hoàn thiện dạy học đổi mới, trong đó có “dạy học đảo ngược” là phương thức dạy học đặc trưng của chuyển đổi số.

Với thời gian không quá xa, ChatGPT sẽ khắc phục được những khiếm khuyết và hạn chế, tiếp tục tạo ra những sản phẩm ngôn ngữ tự nhiên mới và tiên tiến; có thể sẽ trở thành một gia sư, cao hơn là một chuyên gia giáo dục thực thụ trong các nhà trường.

Đặng Tự Ân (Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam)

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/chuyen-doi-giao-duc-trong-moi-truong-chatgpt-a9701.html