Không có giới hạn cho phụ nữ làm khoa học
Đến Trường đại học Bách khoa Hà Nội, hỏi Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Thắng (Giảng viên bộ môn công nghiệp Hữu cơ - Hóa dầu, Viện Kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), ai cũng biết và bày tỏ sự yêu mến. Họ khâm phục không chỉ vì những thành tích nổi bật trong nghiên cứu khoa học, là “chủ nhân” của hàng loạt đề tài có giá trị và khả năng ứng dụng cao, mà chị còn là tấm gương sáng về tình yêu nghề nghiệp cho các thế hệ sinh viên học tập, noi theo.
Sinh năm 1975, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Thắng từng là sinh viên của Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Với thành tích xuất sắc, sau khi ra trường, cô sinh viên ngành hóa dầu đã lựa chọn ở lại trường để gắn bó với công việc giảng dạy, nghiên cứu. Chị từng bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Trường đại học Ghent (Bỉ) và trở thành nữ Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2009, khi mới 34 tuổi. Chị cũng là 1 trong 3 nhà khoa học nữ của Việt Nam vinh dự đoạt giải Sáng tạo xuất sắc - giải thưởng Sáng tạo châu Á của quỹ toàn cầu Hitachi với công trình “Chất xúc tác từ oxit kim loại chuyển tiếp và công nghệ xử lý khí thải và nước thải để bảo vệ sự sống trên cạn và dưới nước”.
Khi chia sẻ về quan điểm sống và làm việc, nhà khoa học nữ cho biết, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Vương quốc Bỉ, chị quyết định trở về nước cống hiến và tiếp tục công việc giảng viên tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Về lựa chọn này, chị cho biết bản thân rất thích môi trường đại học, được làm việc với sinh viên, cũng là cách để chị “kéo dài” thời sinh viên và có cơ hội truyền cảm hứng về nghề nghiệp cho thế hệ trẻ.
Điểm chung ở hầu hết các công trình của Giáo sư Lê Minh Thắng đều xoay quanh việc xử lý các loại khí thải, góp phần bảo vệ môi trường. Theo Giáo sư, môi trường đang là vấn đề được đặc biệt quan tâm bởi ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày của mỗi người, nhất là một đất nước đang phát triển như Việt Nam, còn sử dụng nhiều sản phẩm có công nghệ cũ, vốn đầu tư thấp. Một trong những công trình nổi bật đem lại nhiều giá trị ứng dụng là “Tìm kiếm xúc tác mới hiệu quả để xử lý khí thải xe máy” do Giáo sư Lê Minh Thắng làm chủ nhiệm đề tài.
Trên thị trường, bộ xử lý khí thải xe không thiếu, nhưng đều được sản xuất từ các kim loại quý nên giá thành rất cao. Sản phẩm không phù hợp để áp dụng với các dòng xe máy thông thường và các xe đã sử dụng lâu năm. Để giảm giá thành sản phẩm cũng như đặt trong bối cảnh các kim loại quý ngày càng khan hiếm, Giáo sư Lê Minh Thắng cùng đồng nghiệp tìm ra bộ xúc tác từ hỗn hợp ô xít kim loại chuyển tiếp với giá thành rẻ hơn nhiều mà chất lượng lại tương đương. Sản phẩm của Giáo sư và nhóm nghiên cứu đã được lắp đặt thử nghiệm trên xe Vespa cũ tại thị trường Việt Nam và kết quả là không chỉ bảo đảm tiêu chuẩn Việt Nam hiện hành về khí thải xe máy, mà bộ xúc tác còn có khả năng xử lý tốt ở nhiệt độ thấp hơn so với kim loại quý.
Đó chỉ là một trong hàng trăm công trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn. Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Thắng đã chủ trì 10 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 3 đề tài hợp tác quốc tế, 7 đề tài cấp bộ, là thư ký khoa học của 1 đề tài cấp nhà nước, điều phối viên của 1 chương trình hợp tác quốc tế; tác giả 3 chương sách của các nhà xuất bản quốc tế uy tín và được cấp 2 bằng độc quyền sáng chế do Cục sở hữu trí tuệ cấp và một giải pháp hữu ích.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Thắng, để làm nhà nghiên cứu khoa học thành công thì đầu tiên phải có sự say mê. Nếu mình không say mê thì sẽ không có động lực làm việc. Tiếp đó là sự kiên trì không ngại khó khăn vất vả, vì bản chất của nghiên cứu khoa học là một quá trình dài, gian nan, chứ không hề nhàn hạ. Nhà khoa học phải luôn trung thực và tìm tòi cái mới, đây là yêu cầu tiên quyết trong nghiên cứu khoa học. Đó cũng là những kinh nghiệm mà chị đã luôn truyền dạy cho sinh viên của mình khi tham gia nghiên cứu.
Chia sẻ những khó khăn khi phụ nữ tham gia làm khoa học, chị khẳng định “không có giới hạn nào cho phụ nữ". Trong nghiên cứu khoa học và cả những lĩnh vực khác, không có sự khác biệt nào về năng lực của phụ nữ so với nam giới. Phụ nữ có thể tham gia vào bất kỳ lĩnh vực nào miễn là có đủ sự yêu thích, đam mê.
“Để thành công, phụ nữ phải suy nghĩ thoáng, dám nắm bắt lấy cơ hội, dám thay đổi bản thân”, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Thắng chia sẻ và cho rằng trong xã hội ngày nay có rất nhiều gương mặt nữ làm khoa học thành công. Các nhà khoa học nữ cần biết cách tối ưu hóa công việc, tiết kiệm thời gian, mà vẫn đạt hiệu suất cao nhất để có thể làm tốt cả công tác chuyên môn lẫn việc gia đình.
Chứng minh tài năng, sức sáng tạo
Bên cạnh giải thưởng cá nhân dành cho Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Thắng, Giải thưởng Kovalevskaia 2022 cũng trao cho Nhóm cán bộ nữ thuộc bộ môn Hóa dược - Công nghệ hóa dược, Trường đại học Dược Hà Nội.
Trong 5 năm gần đây, tập thể nữ này đã và đang chủ trì 4 đề tài khoa học công nghệ cấp quốc gia và 1 đề tài tương đương cấp bộ; chủ trì và hoàn thành 12 đề tài cấp cơ sở; thiết kế và tổng hợp được hơn 450 hợp chất mới dựa trên mục tiêu phân tử, trong đó có rất nhiều chất có tiềm năng. Nhóm nghiên cứu cũng đạt 16 bằng sáng chế được Hàn Quốc công nhận bản quyền và 1 bằng sáng chế đang trong quá trình xét cấp bản quyền tại Việt Nam.
Các hoạt động nghiên cứu khoa học của tập thể nữ bộ môn hóa dược tập trung vào 2 lĩnh vực cơ bản gồm nghiên cứu tìm kiếm các chất mới có hoạt tính sinh học tiềm năng để phát triển thành thuốc và nghiên cứu phát triển các phương pháp tổng hợp, phân tích chất chuẩn, tạp chuẩn ứng dụng trong kiểm nghiệm, đảm bảo chất lượng thuốc. Trong đó, nhiều chất mới có hướng ứng dụng trong điều trị ung thư, tiểu đường, sa sút trí tuệ…
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết: Giải thưởng Kovalevskaia là giải thưởng danh giá mang tên một nhà khoa học lỗi lạc người Nga, bắt đầu trao tại Việt Nam từ năm 1985. Đây là giải thưởng quốc tế dành cho các nhà khoa học nữ, ghi nhận những đóng góp của phụ nữ trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học tự nhiên - một lĩnh vực có vai trò then chốt trong nền kinh tế tri thức.
Theo bà Hà Thị Nga, trước yêu cầu đất nước phát triển nhanh và bền vững, tài năng và trí tuệ con người là yếu tố quyết định, đòi hỏi nữ trí thức nước nhà chung vai gánh vác trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang. Bước vào thế kỷ XXI - kỷ nguyên của khoa học và công nghệ, để hướng tới một nền kinh tế phát triển, một xã hội dân chủ, văn minh, càng đặt ra nhiệm vụ cấp thiết phải có một đội ngũ trí thức đủ mạnh để nghiên cứu, tiếp cận, cập nhật những thông tin, thành quả khoa học kỹ thuật phù hợp, áp dụng vào điều kiện thực tế của nước ta.
Các chị đã có nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học, nhiều đề tài, kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tiễn đời sống, có giá trị kinh tế cao, mang tính nhân văn sâu sắc. Thành tích của các chị là minh chứng mạnh mẽ cho tài năng, khả năng, sức sáng tạo và trí tuệ của những nhà khoa học nữ Việt Nam trên con đường chinh phục đỉnh cao khoa học. Để có được kết quả ngày hôm nay, các chị phải trải qua quá trình phấn đấu vươn lên với không ít khó khăn, thử thách và cả những hy sinh thầm lặng rất đáng khâm phục, để đóng góp cho sự phát triển đi lên của đơn vị, tập thể và lĩnh vực nghiên cứu khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng tại Việt Nam.
Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam bày tỏ niềm tự hào và niềm tin tưởng, các nhà khoa học nữ sẽ tiếp tục phát huy nội lực, đoàn kết, thể hiện trách nhiệm, trí tuệ, bản lĩnh để chinh phục các đỉnh cao khoa học, tri thức mới. Vai trò tiên phong của các nhà khoa học nữ, các nữ trí thức không chỉ là nguồn nhân lực quan trọng trong sự nghiệp phát triển đất nước, mà còn là những người trực tiếp nuôi dưỡng, truyền cảm hứng về nghiên cứu khoa học cho thế hệ trẻ.
Đỗ Bình (TTXVN)
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/giai-thuong-kovalevskaia-khang-dinh-tai-nang-phu-nu-viet-a9698.html