Khắc phục bất cập trong quản lý kinh doanh xăng dầu

Nguồn cung khó khăn, doanh nghiệp bán lẻ lỗ nặng kéo theo tình trạng thiếu xăng dầu ở một số tỉnh, thành phố trên cả nước. Sau khi các cơ quan quản lý đưa ra hàng loạt giải pháp thì tình hình phần nào đã dần ổn định trở lại. Tuy nhiên, các vấn đề bất cập trong chính sách quản lý xăng dầu vẫn cần nhanh chóng sửa đổi nhằm bảo đảm sự vận hành ổn định của thị trường về lâu dài.

anh-2-1250-1678091370.jpg

Sáng 6/3, tại Hà Nội, Báo Tiền Phong tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Kinh doanh xăng dầu và bài toán đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia - Tiếng nói người trong cuộc”.

Tọa đàm đã dành thời lượng lớn để bàn về những vấn đề liên quan quản lý thị trường xăng dầu sao cho hiệu quả, các cơ quan quản lý như Bộ Công thương, Bộ Tài chính và doanh nghiệp cần phải làm gì để xăng dầu không bị đứt gãy nguồn cung một số thời điểm như đã diễn ra trong năm 2022 cũng như giải bài toán bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đây là vấn đề đặt ra rất bức thiết trong bối cảnh Dự thảo sửa đổi Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu đang được lấy ý kiến.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong chia sẻ, đứt gãy nguồn cung, giá xăng dầu tăng vọt, hết xăng, còn dầu, cây xăng đóng cửa, chiết khấu, doanh nghiệp thua lỗ, quản lý thị trường kiểm tra cây xăng... là những từ được các cơ quan báo chí liên tiếp sử dụng trong các bài báo để phản ánh diễn biến tình hình của thị trường xăng dầu trong nước năm 2022.

Bên cạnh các vấn đề về thiếu xăng dầu, doanh nghiệp thua lỗ, bị cắt chiết khấu kéo dài, việc Bộ Tài chính và Bộ Công thương văn bản qua lại kéo dài trong nhiều tháng và đến tháng 10/2022 mới bắt đầu điều chỉnh các chi phí cho doanh nghiệp khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, cạn vốn, giảm nhập hàng kéo theo nguồn cung bị gián đoạn ở nhiều địa phương.

Tình hình thị trường chỉ bớt căng thẳng khi chi phí vận chuyển xăng dầu về cảng được Bộ Tài chính tiếp tục điều chỉnh vào tháng 11. Tuy nhiên, việc các đầu mối, thương nhân phân phối đồng loạt bị lỗ nặng trong năm 2022 và cắt chiết khấu của doanh nghiệp bán lẻ cũng như những bất cập liên quan cơ chế điều hành của cơ quan quản lý được coi là những lỗ hổng cần sửa đổi gấp.

Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Bội Ngọc (Trà Vinh) Giang Chấn Tây cho rằng, chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ luôn là đề tài nóng, bởi vì hơn một năm qua, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu vẫn đang phải dùng tiền túi để bù lỗ nhằm duy trì hoạt động.

Muốn thị trường xăng dầu hoạt động ổn định và duy trì hệ thống hoạt động xuyên suốt, theo ông Giang Chấn Tây, phải có điều kiện cần và đủ là quy định chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức cho doanh nghiệp bán lẻ không dưới 5-6% giá bán lẻ tùy theo thời điểm. Thay mặt nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu toàn quốc gửi nỗi niềm khó khăn của doanh nghiệp xăng dầu, mong xây dựng lại chính sách sao cho hợp tình hợp lý, chia sẻ lợi ích hài hòa để phát triển kinh tế nước nhà.

Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Xăng dầu Bảo Dương (Thành phố Hồ Chí Minh) Lê Văn Báu kiến nghị các cơ quan làm chính sách hiểu và thông cảm, làm chính sách đúng đắn cho ngành xăng dầu; đồng thời kiến nghị sửa quy định cho phép doanh nghiệp bán lẻ được lấy xăng dầu nhiều đầu mối phù hợp cơ chế thị trường.

Trước các kiến nghị của doanh nghiệp, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Trần Duy Đông cho biết, về chi phí lợi nhuận định mức, Bộ Tài chính rất nỗ lực cùng Bộ Công thương nhiều lần điều chỉnh, nhưng dưới diễn biến thị trường thời gian vừa qua, chi phí biến động liên tục, khiến công tác quản lý đôi khi khó theo kịp biến động.

"Thời gian tới, các Nghị định về kinh doanh xăng dầu gồm 95/2021/NĐ-CP và 83/2014/NĐ-CP sẽ tiếp tục được sửa đổi theo hướng tập trung tái cấu trúc hệ thống phân phối, đồng thời hoàn thiện cơ chế tính giá. Nhất là việc tính chi phí cần phải tính đúng, tính đủ và kịp thời cho doanh nghiệp. Chúng tôi đang nghiêng theo quan điểm trả về thị trường nhiều hơn, trao quyền cho doanh nghiệp nhiều hơn nữa", Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Trần Duy Đông nhấn mạnh.

THÁI LINH

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/khac-phuc-bat-cap-trong-quan-ly-kinh-doanh-xang-dau-a9683.html