Đắk Lắk: Gần 10 ngàn học sinh bỏ học trong vòng 5 năm qua

Trong vòng 5 năm qua, tại tỉnh Đắk Lắk có gần 10 ngàn học sinh từ cấp Tiểu học, Trung học cơ sở đến Trung học phổ thông bỏ học giữa chừng.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk, từ năm học 2018 đến học kỳ 1 của năm học 2022-2023, toàn tỉnh Đắk Lắk có 9.793 em học sinh bỏ học

dak-lak-1677137824.jpg
Giáo viên huyện M'Đrắk đến từng nhà vận động học sinh đến trường

Cụ thể, ở bậc Tiểu học có 1.327 em; cấp Trung học cơ sở 5.136 em và cấp Trung học phổ thông 3.330 em. Trong số học sinh nghỉ học này phần đa là con em đồng bào dân tộc tiểu số vùng sâu, vùng xa.

Cũng theo thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk trong học kỳ 1 của năm 2022-2023, số lượng học sinh bỏ học đã giảm nhiều so với những năm trước.

Trao đổi với VietNamNet, ông Phạm Đăng Khoa – GĐ Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk xác nhận thông tin trên là đúng.

Theo ông Khoa, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các cháu bỏ học giữa chừng như; nhiều cháu trình độ tiếp nhận kiến thức không theo kịp các bạn trong lớp dẫn đến không muốn đi học.

Ngoài ra, hoàn cảnh kinh tế gia đình của một số cháu rất khó khăn, bố mẹ làm ăn xa, không có người quản lý nên các cháu bỏ học.

Đặc biệt, nhiều học sinh bỏ học rơi vào thời gian đỉnh điểm của dịch Covid-19. Trong thời gian này các cháu phải nghỉ học dài ngày và sau đó không còn muốn học.

Ông Khoa cũng cho rằng ,số lượng các cháu THPT bỏ học không đáng ngại bằng các cấp học khác vì, ở cấp học này nhiều cháu đã lớn và không muốn học THPT nữa nên chuyển sang đi học nghề…

Để giảm thiểu tình trạng trên ông Khoa cho biết, ngoài việc thầy cô giáo thường xuyên bám sát học sinh trên lớp, gia đình và địa phương là một yếu tố rất quan trọng quyết định đến việc học của các cháu.

Theo ông Khoa, trong những năm qua, Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện nhiều giải pháp để duy trì số lượng học sinh, giảm tỉ lệ học sinh bỏ học ở các cấp học trên địa bàn tỉnh.

"Vào đầu mỗi năm học, các trường tổ chức điều tra, thống kê số học sinh có nguy cơ bỏ học, phân loại và có biện pháp tác động phù hợp. Các học sinh cá biệt, chậm tiến thì giáo viên chủ nhiệm liên hệ với phụ huynh để có biện pháp quản lý, giáo dục. Các trường phải giảm thiểu tối đa các khoản thu đầu năm, hỗ trợ các em học sinh vùng sâu vùng xa….”, ông Khoa cho biết thêm.

Hải Dương

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/dak-lak-gan-10-ngan-hoc-sinh-bo-hoc-trong-vong-5-nam-qua-a9505.html