Từ năm 2025, Lịch sử có thể trở thành môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT

Bộ Giáo dục- Đào tạo (GDĐT) dự kiến sẽ đưa Lịch sử trở thành 1 trong 4 môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 trở đi.

mon-lich-su-1676882537.jpeg
Bộ GDĐT dự kiến Lịch sử trở thành môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 (Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ)

Mới đây, tại buổi chia sẻ về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở Trường Tiểu học, THCS và THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội), Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ đã chia sẻ sơ bộ dự thảo phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025.

Theo đó, dự kiến kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có 4 môn thi bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Ngoại ngữ. Bộ GDĐT cũng đang cân nhắc có thể có thêm một số môn thi lựa chọn để HS chọn theo môn học mà các em chọn học ở cấp THPT. Điều này đảm bảo để các cơ sở giáo dục đại học có cơ sở xét tuyển cho phù hợp.

Bộ sẽ đưa ra phương thức lựa chọn đảm bảo, dù học 8 môn bắt buộc là Toán, Ngoại ngữ, Văn, Sử, Giáo dục quốc phòng an ninh, Thể chất, Hoạt động trải nghiệm và Nội dung giáo dục địa phương. Thi tốt nghiệp sẽ tập trung vào bốn môn bắt buộc là Toán, Văn, Lịch Sử và Ngoại ngữ. Bên cạnh đó, trong các môn học lựa chọn, Bộ sẽ cân nhắc một số môn thi phù hợp để các cơ sở giáo dục đại học có thể dùng tuyển sinh.

Đại diện Bộ GDĐT cũng cho hay, hiện nay các chuyên gia đang xây dựng, tính toán số môn thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 và đề xuất với Bộ xem xét, sau đó trình Chính phủ xin ý kiến. Đến năm 2024 sẽ có thông báo điều chỉnh, tuy nhiên học sinh và thầy cô yên tâm việc thi cử sẽ tập trung vào 4 môn bắt buộc là Toán, Văn, Lịch sử và Ngoại ngữ. Ngoài ra trong các môn học lựa chọn sẽ có cân nhắc một số môn thi phù hợp để đảm bảo các trường đại học có cơ sở để tuyển sinh.

Đây mới chỉ là phương án Bộ GDĐT đang nghiên cứu và dự kiến, chưa phải phương án chính thức.

Là cơ hội cũng là thách thức

Bày tỏ sự vui mừng khi tiếp nhận thông tin này, ông Nguyễn Quang Kê - Giáo viên Trường THPT Đồng Đậu (Vĩnh Phúc) chia sẻ, với tinh thần “dân ta phải biết sử ta" thì phương án này sẽ được phụ huynh, học sinh, thầy cô giáo ủng hộ. Thực trạng học môn Lịch sử của học sinh hiện nay vẫn là học gì thi đó. 

Hơn nữa, kiến thức lịch sử của nhiều học sinh cấp 3 bị hổng do có định hướng thi đại học theo khối nên bỏ qua môn học này. Để học sinh tiếp nhận và yêu thích môn Lịch sử, thầy cô phải nâng cao kiến thức chuyên môn, tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng; tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới.

Ông Nguyễn Tài Khôi - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đông Sơn 1 (Thanh Hóa) cho rằng, phương án nào cũng có ưu điểm và hạn chế.

Về ưu điểm, phương án đưa môn Lịch sử trở thành môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đồng nghĩa với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nâng cao vai trò của môn Lịch sử. 

"Hiện nay, môn Lịch sử được nhiều thí sinh lựa chọn để xét tuyển vào đại học với các ngành đào tạo liên quan như: Truyền thông, Báo chí, Chính trị học, Luật, Quan hệ công chúng, Sư phạm… Phương án đổi mới rất phù hợp, thuận lợi cho các trường đại học xét tuyển đầu vào” - thầy Khôi phân tích.

Bên cạnh đó, còn tồn tại một số hạn chế. Theo đó, học sinh vừa được làm quen với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, vì vậy phương pháp học, thực hành còn nhiều bỡ ngỡ.

Tiếp đến, khi đưa môn học này trở thành môn thi bắt buộc cần có thời gian để nâng cao nhận thức của các em cũng như tầm quan trọng của môn học. Từ đó chất lượng nghiên cứu cũng như thi cử sẽ đạt được hiệu quả cao hơn.

Cuối tháng 6/2022, Quốc hội yêu cầu Bộ GDĐT nghiên cứu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội trong việc thiết kế môn Lịch sử ở chương trình THPT. Giữa tháng 7/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định điều chỉnh chương trình giáo dục phổ thông mới, Lịch sử trở thành môn bắt buộc ở lớp 10, 11, 12.

Từ năm học 2022 - 2023, Bộ GDĐT bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới cho bậc THPT. Các học sinh lớp 10 sẽ bước sang giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Ngoài 8 môn bắt buộc, học sinh được chọn để học 4 trong 9 môn, gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc. 

Phương Thảo - TH

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/tu-nam-2025-lich-su-co-the-tro-thanh-mon-bat-buoc-trong-ky-thi-tot-nghiep-thpt-a9449.html