Cùng với kế thanh dã, tạm rút lui để bảo toàn lực lượng là kế tiêu hao dần dần làm địch mệt mỏi nhằm tạo thời cơ tiến tới tổng phản công, phá chủ lực địch. Nghệ thuật “tạo thế, tranh thời, chuyển lực” được vận dụng nhuần nhuyễn như đánh rộng khắp kết hợp với đánh vào bộ phận hiểm yếu của địch, sách lược bỏ thuyền chiến, đánh thuyền lương. Và khi đất nước ở vào thế đủ mạnh thì thực hiện phương châm “dĩ dật đãi lao", đem quân nhàn tản được chuẩn bị kỹ lưỡng để thắng quân địch tuy mạnh nhưng mệt mỏi do từ xa đến. Nghệ thuật binh vận, địch vận trong chiến tranh, kết hợp giữa đánh và đàm được vận dụng linh hoạt và sáng tạo. Đặc biệt, chữ DÂN luôn được triều đình nhà Trần đặt lên hàng đầu trong cả ba lần phá giặc, đúng như Trần Quốc Tuấn khẳng định: Thiên thời không bằng địa lợi, và địa lợi thì không bằng nhân hòa.
Từ năm 1226, triều Trần thay thế triều Lý lãnh đạo công cuộc dựng nước và giữ nước. Sự nghiệp bảo vệ và giải phóng đất nước dưới thời Trần để lại nhiều dấu ấn nổi bật cả về chiến công, sự kiện tiêu biểu và sự phát triển tư tưởng quân sự. Trước hết, đó là kế sách xây dựng lực lượng vũ trang nhiều thứ quân. Ngoài quân Thánh dực và các đội quân chủ lực của triều đình còn có quân của các vương hầu (trong đó, nổi bật là quân của phủ Hưng Đạo và quân của phủ Chiêu Minh), nghĩa quân các địa phương, dân binh, thổ binh (miền sơn cước),...
Việc chuẩn bị về chính trị - tinh thần cũng dược đặc biệt chú ý như: thu hẹp khoảng cách giữa vua với quan (tổ chức Hội nghị Bình Than, vua tự xưng là quan gia), giữa triều đình với dân (vô yên miền biên ải, tổ chức Hội nghị Diên Hồng), xóa bỏ hiềm khích giữa các lãnh đạo chủ chốt (điển hình như giữa Trần Quốc Tuấn và Trần Quang Khải), tận dụng nhân tài (khôi phục binh quyền cho Trần Khánh Dư) và đặc biệt là việc nêu cao tinh thần chính nghĩa của chiến tranh giữ nước để làm nức lòng quân dân cả nước (truyền Hịch tướng sĩ, quân sĩ xăm lên cánh tay hai chữ “Sát Thát”).
Những năm đầu đời Trần, nền kinh tế nông nghiệp được hồi phục nhanh chóng công cuộc trị thủy và thủy lợi được quan tâm, đời sống nhân dân ổn định. Nhà Trần chủ trương lập số trướng tịch để nắm chắc hộ khẩu trong nước, tiện cho việc giữ gìn an ninh và tuyển chọn trai tráng vào quân ngũ, đồng thời chủ động đánh dẹp các thế lực chống đối nhằm xây dựng chính thể tập quyền.
Từ một bộ tộc ở vùng thảo nguyên châu Á, sau nửa thế kỷ chinh phục, Mông Cổ đã trở thành một đế quốc hùng mạnh có lãnh thổ rộng lớn từ châu Á đến châu Âu. Sau khi chiếm được nước Đại Lý (vùng Vân Nam, Trung Quốc ngày nay), năm 1257 chúa Mông Cổ là Mông Ke quyết định mở cuộc tiến công tiêu diệt nước Tống (cũng ở vùng Vân Nam, giáp biên giới nước ta). Đại Việt trở thành đối tượng tác chiến và có vị trí hết sức quan trọng trong kế hoạch tiến xuống phía nam của quân Mông Cổ.
Chiếm được Đại Việt, chúng không chỉ có thêm một mũi vu hồi vào nước Tống, mà còn có thêm bàn đạp quan trọng để mở các cuộc viễn chinh xuống các quốc gia Đông Nam Á. Họa Mông Thát, nỗi kinh hoàng của nhiều dân tộc trên thế giới lúc bấy giờ, bắt đầu đe dọa sự tồn vong của quốc gia Đại Việt. Cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên lần thứ nhất của nhà Trần diễn ra năm 1258, và ngay từ đầu, diễn tiến cuộc chiến tranh đã có những đặc trưng rất riêng.
Trước đó, chúa Nguyên là Hốt Tất Liệt đã sai sứ sang dụ hàng nước ta, nhưng vua Trần Thái Tông đã tống giam sứ giặc và ra lệnh cả nước khẩn trương chuẩn bị kháng chiến. Theo dõi chặt chẽ động thái của quân Mông Cổ, nhà Trần đã tăng cường sức mạnh phòng thủ, chuẩn bị mọi điều kiện để giữ vững nền độc lập. Khi quân xâm lược chuẩn bị tiến vào, vua Trần xuống chiếu cho Trần Quốc Tuấn đem quân giữ biên giới. Cả nước được lệnh sắm sửa khí giới, toàn quân ra sức luyện tập võ nghệ, sẵn sàng đánh giặc. Các đạo quân của các vương hầu quý tộc sẵn sàng xuất trận.
Đọc thêm: Thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên lần thứ nhất (Phần II và hết)
Trung tướng, GS.TS Nguyễn Đình Chiến
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/thoi-ky-dau-cuoc-khang-chien-chong-mong-nguyen-lan-thu-nhat-phan-i-a9296.html