Là một trong số ít các tác giả tiêu biểu của nền văn học thiếu nhi hình thành và trưởng thành dưới chế độ mới, Phạm Hổ với Chuyện hoa, chuyện quả đã góp một dấu ấn riêng, đặc sắc trong văn xuôi, bên cạnh thơ, cũng là thể loại mà ông là một trong những gương mặt tiêu biểu.
Phạm Hổ là người viết có quá trình trên bốn mươi năm bền bỉ sáng tác cho các em. Cho đến nay ông đã cho xuất bản 14 tập thơ, 12 tập truyện, 4 vở kịch và nhiều tiểu luận về văn học thiếu nhi đăng trên các báo và tạp chí nhiều chục năm qua.
Cuốn sách đầu tiên của Phạm Hổ viết cho các em là một truyện thơ mỏng - Em tre, in năm 1948, trong kháng chiến chống Pháp, trên giấy bản, cỡ nhỏ như một cuốn sổ tay với 10 trang mỏng; và đến năm 1995, hôm nay, tuyến tập Chuyện hoa, chuyện quả, in trên giấy trắng tinh, bìa láng bóng, với 492 trang thật dầy dặn. Đặt bên nhau mà thấy gọi bao điều cho so sánh, liên tưởng và ngẫm nghĩ đường sáng tác của một nhà thơ trong bối cảnh chung của đời sống cách mạng.
Thơ Phạm Hổ hướng về cảnh vật thiên nhiên, và cuộc sống bình thường để làm nổi lên vẻ đẹp của con người; còn trong văn xuôi, Phạm Hổ lại hướng về khai thác và vận dụng cổ tích, truyền thuyết để cho các em biết được vẻ đẹp của đất nước Việt Nam, con người Việt Nam, ca ngợi những đức tính Việt Nam. Nhà thơ đã mạnh dạn sáng tác một dạng truyện cổ tích mới cho các em.
Thế giới cổ tích là một thế giới đặc biệt, ở đó hiện thực và tưởng tượng được kết hợp một cách nhuần nhị, tự nhiên. Trong thế giới của các loại “Chuyện hoa, chuyện quả” có thần, có bụt, có tiên, có sự kỳ diệu, có sự biên hoá, nhưng vẫn không tách rời cuộc sống hiện thực. Các truyện kể đẹp một vẻ đẹp tự nhiên, nhà văn không hê lợi dụng hoặc lạm dụng các yếu tố ly kỳ; hoặc có lúc có ly kỳ thì vẫn không vi phạm đến quy luật phát triển của tự nhiên. Như hoa quỳnh không nở vào ban mai; hoa mai, hoa đào chỉ nở vào mùa xuân; hoa đá thật ra là lá chứ đâu phải là hoa; hoa mộc, hoa thiên lý với mùi hương êm dịu; hoa cỏ may luôn sẵn sàng cắm kim vào vạt áo hoặc ống quần người như để lưu niệm khách qua đường...
Chuyện hoa, chuyện quả như một khu vườn rộng đầy hương thơm và sắc màu của các loại hoa và quả. Khu vườn tự nhiên được nhìn qua cặp mắt và tâm hồn đầy nhạy cảm và thắm thiết của nhà thơ. Sự phong phú của hương sắc hoa quả không chỉ gợi cho các em lòng yêu thiên nhiên mà còn kích thích các em tìm hiểu thiên nhiên như một kho báu vô tận. Từ đó, khơi dậy ý thức trân trọng và bảo vệ thiên nhiên, đối với các em, vừa bao la, vừa gần gũi.
Với sự am hiểu thế giới tự nhiên, với lối kể chuyện có duyên, với khả năng quan sát tinh tế, Phạm Hổ đã góp phần tích cực mở rộng trí tưởng tượng của các em. Qua các trang văn Phạm Hổ, thế giới tự nhiên như bừng sáng trước mắt các em. Mỗi loại hoa, loại quả đều có những sự tích riêng, lý thú; và trong khả năng “nhân hoá”, mỗi loại đều mang một phẩm chất, một đức tính tốt đẹp như trong thế giới người. Phạm Hổ nói về hoa, về quả, nhưng thực chất cũng là nói về người. Ông đã gửi gắm vào những “Chuyện hoa, chuyện quả” bao suy ngẫm về tình yêu, tình thương, lòng nhân đạo và khả năng hướng thiện của con người. Qua đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, cái thiện và cái ác, cuối cùng cái tốt và cái thiện đã thắng. Lối kết thúc “có hậu” ấy là phù hợp với tâm lý trẻ thơ, đã có sức hấp dẫn và gây ấn tượng sâu cho trẻ thơ.
Chuyện hoa, chuyện quả được kể bằng một ngôn ngữ văn xuôi ngắn gọn, trong sáng, không ít chi tiết sắc nhọn, nhưng cũng chan hoà chất thơ. Quả tim bằng ngọc trở đi, trả lại nhiều lần hình ảnh: “Tên nhà giàu quật bao nhiêu lần rơi trên lưng đứa con thì bấy nhiên lần roi cũng hiện lên trên lưng bà mẹ”. Cái ô đỏ với tình thương anh em xúc động cả thiên thần. Cây đàn và bầu rượu của người thầy với tình yêu, tình thầy trò qua tiếng đàn vĩnh cửu với thời gian. Cây một quả ca ngợi lòng chung thuỷ, với câu nói gây ấn tượng sâu trong lòng người đọc: “Miễn còn một chút hy vọng được sống với em thì anh còn đủ sức để đi đến cùng trời, cuối đất”. Chim lưu ly với những bông lan trắng phất phơ như một mái đầu bạc. Em bé đi hái củi và chú hươu con với cây hoa đại: “Lá to giống tai hươu, cành giống sừng hươu đã đành mà những bông hoa cũng giống như những con mắt hươu đang nở tròn, mở to để trông ngóng, đợi chờ...”.
Với 47 truyện và mẩu chuyện xinh xắn về các loại hoa và quả (thật ra là còn có thêm cây và củ), Phạm Hổ đã đưa các em vào một cuộc dạo chơi kỳ thú, không chỉ làm giàu cho các giác quan, cho xúc giác, cho thị giác, cho khứu giác và thính giác - mà còn làm giàu và làm trong trẻo thế giới tâm hồn các thế hệ trẻ thơ của chúng ta - và có phần chắc, cũng là cho cả chúng ta.
Là người lớn, tôi đã đọc với niềm say mê trẻ thơ các truyện của Phạm Hổ, bởi lẽ, mỗi người sinh ra trên đời cũng đều có một tuổi thơ. Và tuổi thơ ấy luôn luôn được gợi nhớ, được sống dậy như một vốn liếng, một hành trang tinh thần người, trong đường đời thường phải trải không ít gian nan, vất vả; nó rất cần được bù đắp bởi chính niềm yêu của con sống và các khát vọng của tuổi thơ.
PGS.TS Vân Thanh
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/pham-ho-voi-the-gioi-chuyen-hoa-chuyen-qua-a9243.html