Tuyển sinh 2023: Các chuyên gia lo ngại về việc thêm nhiều áp lực khi các kỳ thi riêng ngày càng gia tăng

Hiện tại, nhiều cơ sở giáo dục đại học thông báo sẽ tổ chức kỳ riêng để tuyển sinh năm 2023. Các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy riêng gia tăng khiến không ít giáo viên và người học cảm thấy áp lực.

ap-luc-tuyen-sinh-1675652822.jpg
Áp lực gia tăng do có nhiều kỳ thi riêng (Ảnh: VietNamNet)

Theo thống kê từ Bộ GD&ĐT, năm 2022, các trường đại học dành 31.435 chỉ tiêu (trên tổng số 587.786 chỉ tiêu) để xét tuyển từ kết quả của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.

Theo GS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí - ĐHQG Hà Nội, năm nay kỳ thi đánh giá năng lực (HSA) tổ chức tại các tỉnh, thành miền Bắc và Bắc Trung Bộ gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An. Tổng số địa điểm thi đặt tại các địa phương là 17, tăng 2 điểm so với năm 2022.

Hệ thống năm nay chỉ cho phép thí sinh đăng ký tối đa 2 lượt thi/năm, 2 lượt thi cách nhau liền kề tối thiểu 28 ngày. Thí sinh làm bài thi trên máy tính, câu hỏi dạng trắc nghiệm khách quan (lựa chọn một trong 4 đáp án) và điền đáp án. Tổng thời gian làm bài là 195 phút, thang điểm 150. Ngoài ra, đề thi có thể gồm 1 - 3 câu hỏi thử nghiệm không tính điểm, thí sinh sẽ có thêm khoảng 4 phút để làm.

Trước việc ngày càng nhiều trường tổ chức kỳ thi riêng, GS Nguyễn Tiến Thảo cho rằng thí sinh nắm chắc kiến thức cơ bản trong chương trình THPT là hoàn toàn đạt kết quả cao. Ông cho biết, đề thi rất rộng, dữ liệu vô cùng phong phú, không giới hạn trong tư liệu, dữ liệu, trong sách giáo khoa nên không trung tâm, đơn vị nào có đủ khả năng luyện thi đối với bộ đề thi khổng lồ của đơn vị này.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) bày tỏ sự lo ngại khi việc tổ chức các kỳ thi riêng để phục vụ xét tuyển đại học dường như đang trở thành xu hướng, các trường "đua nhau làm".

Theo ông Khuyến, hiện chúng ta chỉ có một kỳ thi tuyển sinh quốc gia là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kỳ thi này vốn nhằm 2 mục đích, một mặt xét điều kiện tốt nghiệp THPT của học sinh, mặt khác là căn cứ để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng; trên tinh thần giảm gánh nặng thi cử, phiền hà cho người học.

Một trong những ưu điểm của kỳ thi chung là thí sinh có cơ hội trúng tuyển nhiều trường khác nhau, khi trượt trường này vẫn có thể sử dụng kết quả đó để trúng tuyển vào trường khác.

Tuy nhiên, với các kỳ thi riêng, kết quả chỉ được công nhận ở một số lượng trường nhất định. Thí sinh muốn tăng cơ hội trúng tuyển vào nhiều trường đại học có thể phải tham gia nhiều kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, bên cạnh việc vẫn phải ôn thi tốt nghiệp THPT.

Có rất nhiều lập luận khác nhau về vấn đề lý do cần tổ chức các kỳ thi riêng. Một số ý kiến cho rằng không tin tưởng vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT hay tính phân loại của kỳ thi chưa cao nên các trường phải tổ chức thêm kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.

"Thay vì tổ chức các kỳ thi riêng gây tốn kém, sao chúng ta không cùng góp sức với Bộ GDĐT, phát huy trí tuệ tổng hợp của chuyên gia ở tất cả các trường, xây dựng kỳ thi ngày càng tốt hơn?", ông Khuyến nói.

Bên cạnh đó, ông cho hay, việc tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia rất am hiểu về đo lường, đánh giá trong giáo dục ra đề thi. Điều này có thể là khó khăn với các trường chuyên ngành, không phát triển về khoa học giáo dục.

TS Nguyễn Văn Cường, chuyên gia tư vấn giáo dục độc lập ghi nhận giáo dục ĐH của Việt Nam đang tích cực đổi mới theo xu hướng tăng cường tính tự chủ và hội nhập quốc tế. Tự chủ trong công tác tuyển sinh là một nội dung của tự chủ ĐH.

“Nhưng chúng ta hãy hình dung nếu mỗi trường ĐH đều tổ chức các kỳ thi tuyển sinh riêng thì không chỉ gây ra sự lãng phí về tài chính mà còn tăng nhiều tải trọng cho xã hội như về giao thông, an ninh trong các kỳ thi. Việc này cũng gây ra gánh nặng tài chính, trách nhiệm và sự lo lắng của cha mẹ trong việc chăm lo, chuẩn bị cho kỳ thi ĐH của con, gây quá tải cho học sinh”, TS Cường nêu quan điểm.

Theo ông, việc các trường ĐH tổ chức các kỳ thi tuyển sinh riêng phản ánh sự thiếu tin tưởng của các trường vào kết quả giáo dục và kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và cách nhìn nhận chưa đầy đủ dưới góc độ hệ thống về việc tuyển sinh. Đồng thời gây bối rối cho giáo viên khi phải đảm bảo chất lượng chương trình giáo dục phổ thông trong khi học sinh còn bị phân tâm vào việc chuẩn bị cho kỳ thi ĐH. Các trường cần một chiến lược để thu hút được nhiều ứng viên phù hợp với đặc thù, mục tiêu đào tạo và mục tiêu phát triển của trường.

PGS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng thí sinh cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của các trường để có kế hoạch phù hợp. Việc tham gia quá nhiều kỳ thi sẽ gây lãng phí thời gian, công sức, tạo áp lực và gánh nặng về thi cử trong khi lại khó có kết quả như mong muốn.

 

Phương Thảo - TH

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/tuyen-sinh-2023-cac-chuyen-gia-lo-ngai-ve-viec-them-nhieu-ap-luc-khi-cac-ky-thi-rieng-ngay-cang-gia-tang-a9209.html