Theo Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định chung về điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động ngành đào tạo các trình độ của giáo dục đại học (trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ), thay thế cho 2 Thông tư cũ (Thông tư số 09 và Thông tư số 22), đảm bảo quy định thống nhất và đồng bộ việc mở ngành đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.
Điều kiện mở ngành đào tạo trình độ đại học cụ thể là cơ sở đào tạo phải đáp ứng các điều kiện chung để mở ngành đào tạo theo quy định và các điều kiện cụ thể sau đây cho toàn bộ khóa học tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo:
- Có ít nhất 01 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu, không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo trình độ đại học của các ngành khác, có kinh nghiệm quản lý đào tạo hoặc giảng dạy đại học tối thiểu từ 03 năm trở lên chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo.
- Có ít nhất 05 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp để chủ trì giảng dạy chương trình, trong đó mỗi thành phần của chương trình đào tạo phải có giảng viên với chuyên môn phù hợp chủ trì giảng dạy...
- Có đội ngũ giảng viên thực hiện chương trình đào tạo bảo đảm đủ cho 02 năm học đầu của chương trình đào tạo và bảo đảm mỗi học phần của chương trình đào tạo phải có ít nhất 02 giảng viên có chuyên môn phù hợp đảm nhiệm, bảo đảm tỉ lệ sinh viên trên giảng viên theo quy định;
Trường phải có kế hoạch, phương án tuyển dụng, phát triển đội ngũ giảng viên cho các năm học tiếp theo của toàn khóa học để từ năm học thứ 3 chậm nhất trước 1 năm tính đến thời điểm bắt đầu diễn ra năm học mới phải bảo đảm có đầy đủ về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo cho từng năm học của khóa học.
Riêng đối với các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Sức khỏe, lĩnh vực Pháp luật, lĩnh vực Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên phải đáp ứng đầy đủ điều kiện về đội ngũ giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo cho toàn bộ khóa học tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo.
- Điều kiện về cơ sở vật chất theo quy định phải bảo đảm đủ cho 02 năm học đầu của chương trình đào tạo và phải có kế hoạch, phương án đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị cho các năm học tiếp theo của toàn khóa học để từ năm học thứ 3, chậm nhất trước 01 năm tính đến thời điểm bắt đầu diễn ra năm học mới phải bảo đảm có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất theo yêu cầu của chương trình đào tạo cho từng năm học của khóa học;
Riêng đối với các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Sức khỏe, lĩnh vực Pháp luật, lĩnh vực Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, phải đáp ứng đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất cho toàn bộ khóa học tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo.
- Đối với ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Sức khỏe phải đáp ứng các điều kiện theo quy định và phải bảo đảm các điều kiện cụ thể về phòng thí nghiệm, thực hành đối với từng ngành đào tạo theo quy định;
Đối với ngành đào tạo thuộc lĩnh vực pháp luật, phải đáp ứng các điều kiện theo quy định và bảo đảm có phòng diễn án, trung tâm thực hành (tư vấn) pháp luật.
Thêm nhiều ngành học mới “ra đời”
Năm 2023, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch dự kiến sẽ tuyển sinh ngành mới thành lập là Y dược cổ truyền, trước mắt là đào tạo bác sĩ y dược cổ truyền, chính thức nâng số lượng khoa thuộc trường lên 8 khoa.
Trường ĐH Ngoại thương dự kiến tuyển 4.100 chỉ tiêu. Trường mở hai ngành mới Kinh tế chính trị và Kinh tế chính trị quốc tế.
Trường ĐH Thủy lợi dự kiến tuyển sinh trình độ đại học hệ chính quy năm 2023. Theo đó, trường dự kiến tuyển sinh 5.500 chỉ tiêu, nhiều hơn 1.500 chỉ tiêu so với năm 2022. Đáng chú ý, năm nay, trường đang xây dựng đề án mở thêm 2 ngành mới là Ngôn ngữ Hàn và Ngôn ngữ Trung.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội dự kiến mở một số ngành như: Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật sản xuất thông minh, Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh, Ngôn ngữ học.
Hội đồng đại học ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đồng ý chủ trương mở mới nhiều ngành ở bậc đại học như thí điểm ngành Trí tuệ nhân tạo (Trường đại học Công nghệ thông tin); ngành Quản lý tài nguyên và môi trường, thí điểm mở ngành Công nghệ vật lý điện tử và tin học (Trường Đại học Khoa học tự nhiên); ngành Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, ngành Thú y (Trường Đại học An Giang); giao nhiệm vụ cho Khoa Y triển khai đào tạo ngành Y học cổ truyền và ngành Điều dưỡng.
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh, trường dự kiến mở thêm 5 ngành đào tạo bậc đại học gồm: Khoa học dữ liệu, Công nghệ tài chính, Luật, Thương mại điện tử, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng.
Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh thông báo bắt đầu tuyển sinh ngành đào tạo Digital Marketing. Chỉ tiêu của ngành này nằm trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến của trường (6.610 chỉ tiêu cho 34 ngành đào tạo).
Trường ĐH An Giang công bố quyết định mở và xét tuyển sinh ngành đào tạo trình độ đại học hình thức đào tạo chính quy mới - ngành Thú y. Việc mở ngành này nhằm cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng tay nghề thành thạo, có sức khỏe tốt, yêu nghề nghiệp; có khả năng tiếp tục học tập, tham gia học tập ở các bậc học cao hơn trong và ngoài nước.
Phương Thảo - TH
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/tuyen-sinh-nam-2023-nhieu-nganh-hoc-moi-ra-doi-nhung-dieu-kien-de-mo-nganh-moi-a9108.html