Theo quan niệm tâm linh, hầu đồng là nghi thức kết nối giữa người trần và thánh thần. Trong mỗi dịp Tết đến, xuân về, các thành đồng (người có căn số hầu bóng) thường tổ chức khóa lễ cầu tài, lộc,… tại những nơi thờ tự. Vấn hầu đồng đầu năm được gọi là Hầu Thương nguyên.
Ông Nguyễn Văn Thành, sống tại Hưng Yên là đồng thầy nhiều năm và có rất nhiều đệ tử. Đồng thầy là những người có căn đồng được thần linh giao việc “Trình đồng mở phủ” cho các thanh đồng mới. Đồng thầy Nguyễn Văn Thành chia sẻ: "Tết đến, xuân về, chúng ta đều cầu mong những điều an lành. Đối với những người có niềm tin về tâm linh thì khóa lễ hầu đồng đầu năm rất quan trọng. Khóa lễ Thương Nguyên không chỉ mang ý nghĩa cầu mong điều tốt đẹp, mà còn thể hiện tấm lòng thành kính với Phật, Thánh".
Nước ta là quốc gia đa tôn giáo, tín ngưỡng. Trong mùa xuân, các hoạt động tâm linh lại càng diễn ra sôi nổi, tạo nên không khí phấn khởi trong những ngày đầu năm mới. Trong các khóa lễ hầu đồng, người dân gửi gắm niềm tin tâm linh và hướng đến lẽ sống "tốt đời, đẹp đạo".
Để tổ chức được một khóa lễ đầu năm, Thanh đồng Nguyễn Thành Luân, sống ở Hưng Yên phải dày công chuẩn bị đồ lễ. Vật phẩm cơ bản gồm: trầu, cau, xôi, thịt, hoa quả, rượu, thuốc, vàng mã và còn nhiều đồ lễ khác nữa. Trong mỗi dịp đầu xuân, các đền to, phủ lớn thường kín cung hầu nên để khóa lễ được điễn ra đúng dự định thì các thanh đồng phải đặt lịch trước. Thanh đồng Nguyễn Thành Luân đã xin cung làm lễ với Ban Quản lý đền Đông Cuông từ tháng trước (tháng Chạp): "Lo khóa lễ thì vất vả thật nhưng tôi coi đó là một nghiệp duyên. Mỗi lần vào khóa lễ tôi đều cảm thấy rất vui vẻ, mọi mệt mỏi đều tan biến hết. Đặc biệt là khóa lễ đầu năm tạo cho tôi tâm thái an vui. Đầu năm chúng ta phấn khởi thì cả năm mọi việc sẽ suôn sẻ".
Việc các đồng thầy, thanh đồng tổ chức khóa lễ hầu đồng, đặc biệt là vấn hầu Thương Nguyên thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn". Trong các vấn hầu chứa đựng rất nhiều giá trị truyền thống của người Việt, những lời văn, nghi thức trong khóa lễ đã phần nào lột tả văn hóa của các dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, vấn hầu đồng đầu năm còn góp phần lan tỏa Tín ngưỡng thờ Mẫu. Bởi đầu năm, nhiều người thường đi lễ tại các đền, phủ mà những nơi đó là địa điểm diễn xướng hầu đồng.
Là người đã nhiều năm nghiên cứu về hầu đồng, Chuyên gia văn hóa Bùi Quang Thanh, nguyên Viện Trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng: "Nói về văn hóa tâm linh thì mỗi người sẽ có quan niệm khác nhau. Ai có niềm tin vào điều đó sẽ tự cảm nhận được giá trị của nó. Trong đó, hầu đồng là hoạt động tâm linh truyền thống, lâu đời và đã gắn với đời sống của phần lớn người dân Việt. Trong mỗi dịp Tết, chúng ta đến đền, chùa, được xem những giá hầu cũng sẽ hiểu thêm về tín gưỡng và cảm nhận được sự linh thiêng tại nơi thờ tự. Nhưng hầu đồng cần được phát huy theo đúng giá trị vốn có của nó".
Từ khi UNESCO ghi danh tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại, hầu đồng đã rất phổ biến trong cuộc sống hiện nay. Trong hoạt động tâm linh này cũng có nhiều hiện tượng tiêu cực, thương mại hoá, lợi dụng ăn theo, làm mất đi bản sắc tốt đẹp vốn có của di sản. Nhưng chúng ta không nên "vơ đũa cả nắm". Hiện nay, vẫn có rất nhiều đồng thầy, thanh đồng thực hiện nghi lễ hầu đồng bằng sự nhất tâm với Phật, Thánh và đúng với lề lối truyền thống. Điều này đã và đang làm đẹp cho văn hóa tâm linh của nước ta./.
Mạnh Sáu
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/den-tho-ron-rang-cac-khoa-le-hau-dong-don-xuan-a8997.html