Sự ủng hộ của một cộng đồng mạnh
Ngay từ khi bắt đầu diễn ra hội nghị (tháng 5-1968) cho đến khi ký kết Hiệp định Paris ngày 27-1-1973, bà con kiều bào nói chung và các hội viên Liên hiệp Việt kiều tại Pháp (nay là Hội người Việt Nam tại Pháp) nói riêng đã trở thành lực lượng hậu thuẫn rất hùng hậu cho cả hai đoàn đàm phán của Việt Nam.
Do có sự chuẩn bị từ trước nên công việc đầu tiên của Liên hiệp Việt kiều tại Pháp là cùng với Tổng đại diện (lúc đó chưa có đại sứ quán) tìm nơi ăn chốn ở cho đoàn đàm phán. Bà con còn tổ chức thành nhiều lớp bảo vệ đoàn, lo các vấn đề hậu cần, phiên dịch...
Ngoài ra, bà con còn là nguồn cung cấp thông tin về tình hình thế giới, phản ánh dư luận thế giới về cuộc đấu tranh của dân tộc ta... cho hai đoàn; tham gia các cuộc mít tinh, tuần hành cùng các bạn Pháp và các nước lân cận ủng hộ lập trường của ta trong đàm phán; tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật quảng bá văn hóa Việt Nam...
Trong cuốn “Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Paris” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, tháng 4-2005), Đại sứ Võ Văn Sung đã viết về sự đóng góp của bà con kiều bào trong suốt quá trình đàm phán cũng như trong giai đoạn 1968-1975: “Tôi nghĩ không quá lời khi nói rằng, Liên hiệp Việt kiều đã là một “binh chủng” rất đặc biệt của mặt trận ngoại giao và mặt trận chính trị của ta tại Pháp và các nước Tây Âu lân cận”.
Nói về “binh chủng” đặc biệt này, Đại sứ, GS, TS Vũ Dương Huân cho hay, cộng đồng người Việt ở nước ngoài vào thời đó có khoảng 2-3 triệu người, trong đó phần lớn người Việt ở Pháp là yêu nước. Nhiều trí thức nổi tiếng ở Pháp như Huỳnh Trung Đồng, Hélène Luc... đã hỗ trợ hai đoàn đàm phán của Việt Nam các công việc như phiên dịch, biên dịch, in ấn tài liệu...
Thậm chí, các anh chị còn tham gia chuẩn bị những buổi trả lời phỏng vấn báo chí rất chuyên nghiệp. Họ đi đầu trong các cuộc mít tinh, biểu tình ủng hộ, tuyên truyền quan điểm, lập trường của ta và lan tỏa lập trường của ta tới nhân dân Pháp, đóng góp vật chất, kỹ thuật. Có người bỏ công, bỏ việc trong 5 năm liền, phục vụ đoàn bất cứ lúc nào.
Họ đi tiếp xúc, vận động, tuyên truyền không chỉ ở Pháp mà ở cả nhiều nước châu Âu. Kiều bào chính là cầu nối giữa hai đoàn Việt Nam với các bạn bè ở Pháp và Chính phủ Pháp. Sau khi hiệp định được ký kết, họ tiếp tục đóng góp trong việc thực thi hiệp định, phê phán Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn phá hiệp định.
Tình đoàn kết quốc tế cao cả
Bên cạnh đó, đoàn đàm phán Việt Nam còn nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ quý báu của Tổng thống Pháp, nhiều chính đảng, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân Pháp. Đảng Cộng sản Pháp đã cho đoàn Việt Nam mượn Trường Đảng làm trụ sở của đoàn trong gần 5 năm, cho mượn một số cơ sở làm nơi gặp riêng với Mỹ, cử người đến giúp đỡ việc đi lại, ăn ở... Đứng đầu Chính phủ Pháp khi đó là Tổng thống Charles de Gaulle, một người rất am hiểu về Việt Nam.
Tình hình về cuộc kháng chiến của nhân dân ta ở trong nước, đặc biệt là các tuyên bố về giải pháp tại bàn đàm phán đã được lan tỏa đi khắp nơi thông qua báo chí, vô tuyến truyền hình quốc tế. Các tổ chức đoàn kết với Việt Nam ở các nước, từ châu Âu, Á, Phi, Mỹ Latin và đông đảo nhân dân xuống đường mít tinh bày tỏ sự đồng tình ủng hộ ta, lên án cuộc chiến tranh của Mỹ.
Tất cả họ, thuộc mọi tầng lớp, không chỉ những người cộng sản tiến bộ, lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý, trí thức, tôn giáo mà cả những người “sợ cộng sản”, “không thích cộng sản” cũng trở thành lực lượng chính trị hùng hậu, tác động ngày càng sâu sắc đối với chính sách của chính quyền Mỹ, có ảnh hưởng đến nhiều chính phủ trên thế giới đối với chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.
Nhà báo Hà Đăng nhớ lại chuyến công tác sang Anh hồi tháng 10-1972 cùng với Bình Thanh-nữ phiên dịch của Trưởng đoàn Nguyễn Thị Bình. “Trong chuyến thăm đó, một đồng chí ủy viên của Đảng Cộng sản Anh dẫn chúng tôi đi thăm một công đoàn thuộc Công đảng Anh. Sau khi giới thiệu chúng tôi là thành viên đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, một người đàn ông da màu nói: “Xin hỏi đại biểu của miền Bắc Việt Nam, tại sao Mỹ muốn chấm dứt chiến tranh mà các ông cứ đánh mãi?”.
Tôi lập tức đính chính câu hỏi, rằng chúng tôi là thành viên đoàn miền Nam; đồng thời khẳng định Mỹ không muốn chấm dứt chiến tranh, không muốn đàm phán mà ngược lại, họ đang chống lại đàm phán. Khi hiểu ra, vị thành viên Công đảng chân thành nói lời xin lỗi.
Lúc này, đồng chí ủy viên Đảng Cộng sản Anh đề nghị những người có mặt hôm đó có hành động ủng hộ các bạn Việt Nam. Dứt lời, ông lấy chiếc cốc và bỏ vài đồng shilling vào đó. Mọi người lần lượt làm theo, quyên góp được mấy chục bảng Anh. Khi chúng tôi chuẩn bị về Paris, vị ủy viên đã dùng số tiền đó để mua vé máy bay cho chúng tôi. Tình cảm đó không bao giờ tôi quên”, nhà báo Hà Đăng bồi hồi nhớ lại.
Sau gần 5 năm, trải qua 202 phiên họp công khai và 45 cuộc gặp riêng, ngày 27-1-1973, Hiệp định Paris được ký kết, đánh dấu bước ngoặt quan trọng của cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta. Nói về thắng lợi này, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam khẳng định, thắng lợi trên bàn đàm phán Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973 là mốc son chói lọi trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, cũng như trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đây là lần đầu tiên chúng ta tiến hành đàm phán trên tư cách là một nước độc lập, có chủ quyền với một nước là thành viên của Hội đồng Bảo an.
Đó là sự kết hợp hài hòa giữa “đánh” và “đàm”, giữa đấu tranh trên bàn đàm phán với thắng lợi trên chiến trường và thắng lợi trong công cuộc bảo vệ thành quả của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Thành công đó chứng tỏ sức mạnh của ngoại giao Việt Nam, là sự tổng hòa của rất nhiều yếu tố, trong đó có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, giữa ý chí dân tộc với nguyện vọng, khát khao của nhân dân thế giới, vì hòa bình, độc lập dân tộc và sức mạnh đoàn kết quốc tế.
(còn nữa)
LINH OANH
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/chang-duong-den-chien-thang-bai-3-binh-chung-dac-biet-a8897.html