Tết, với tôi và thế hệ tôi...

Dẫu có vất vả, túng thiếu đến mấy, ngày Tết, đối với con trẻ thế hệ tôi cũng vẫn được hiểu là một chờ đợi, một niềm vui, trong một tấm áo mới, dẫu chỉ là nâu sồng; trong một miếng ăn ngon hơn ngày thường, dẫu chỉ là vài miếng thịt, mẩu bánh chưng, góc đĩa chè kho…

nlntv-phong-le-vanvn-1673603918.jpg
Giáo sư Phong Lê (Ảnh: Internet)

Dẫu có vất vả, túng thiếu đến mấy, ngày Tết, đối với con trẻ thế hệ tôi cũng vẫn được hiểu là một chờ đợi, một niềm vui, trong một tấm áo mới, dẫu chỉ là nâu sồng; trong một miếng ăn ngon hơn ngày thường, dẫu chỉ là vài miếng thịt, mẩu bánh chưng, góc đĩa chè kho…

Và hơn thế, còn là sự hồi hộp được mừng tuổi, dẫu chỉ là đơn vị nhỏ nhất như hào và xu.

Và đồ chơi cho ngày Tết. Ôi, sao mà thiếu được đồ chơi! Tuổi nhỏ của tôi thường bám gấu áo mẹ đi chợ Tết. Phiên chợ cuối cùng trong năm đông vui, rộn rịp, kéo dài hơn chợ thường, được họp vào ngày 20 tháng Chạp mà không khí và sắc màu của nó đã được ghi lại đúng như trong thơ Đoàn Văn Cừ.

"Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon"

Mỗi lần đọc thơ Đoàn Văn Cừ tôi thường vận cái “thằng cu áo đỏ” ấy vào tôi, dẫu tôi không có áo đỏ, mà chỉ có áo nâu non do chính mẹ may cho với các đường chỉ nổi lên như cuộc hành quân của một đàn kiến gió.

nlntv-choque1-jpg123-1673600863.jpg
Chợ ngày tết (Ảnh: Báo Thái Nguyên)

Trong cái tưng bừng nhộn nhịp suốt một ngày, tôi cứ bám mẹ mà lượn khắp các gian hàng, và cuối cùng, trước khi ra về, thế nào cũng được mẹ mua cho ba loại đồ chơi. Đó là một bánh pháo tép kèm vài quả pháo đùng cùng một bao diêm. Là dăm con gà đất bôi phẩm xanh đỏ to bằng ba ngón tay, gắn ở mỏ một lưỡi gà, thổi lên toe toe cái tiếng gáy của một chú trống choai. Và cuối cùng là chùm trống bỏi với hai mặt xanh đỏ to bằng lòng bàn tay, gắn ở tang trống mấy cái nùn cứng, mỗi lần lắc lắc, trống lại phập phùng một điệu nhạc ròn, nếu lắc nhiều chỉ vài ngày là thủng. Tất cả một cuộc đi chợ, suốt từ sáng đến chiều, mang về được mấy thứ đồ chơi như thế, cứ năm nào cũng thế.

Nhưng tưng bừng nhất, đó là chiều 29 Tết với những cuộc mổ lợn chung của các nhóm gia đình. Tiếng lợn eng éc một âm điệu vui trong cái chiều 29 thường có gió bấc và mưa bay làm náo động cả xóm thôn. Và đàn trẻ con, không đứa nào không hong hóng, cướp cho được cái bong bóng lợn. Cái bong bóng nóng hổi nhớp nháp trên tay được trộn với gio nhồi cho thật sạch và thật mỏng. Rồi được thổi hơi vào thành một quả bóng to. Quả bóng được chế xuất từ bóng đái của lợn ấy rồi sẽ làm rậm rịch các sân chơi ngày Tết cho đám con trai nô nhảy, thay cho bóng bưởi lúc này đã hết mùa.

nlntv-tet-gia-dinh-sum-hop-19-1673602916.jpg
Gói bánh chưng ngày Tết (Ảnh: Internet)

Tết còn được náo nức chờ đợi ở nồi bánh chưng vào chiều 29 hoặc 30, và các loại bánh khác như bánh ít, bánh mật, bánh gai, bánh lọc, bánh tổ, bánh ú, bánh gio…và chè kho. Nồi bánh làm ấm không gian mỗi gia đình, và trẻ con được hưởng sớm hơn cả hương vị Tết ở cái bánh được gói riêng cho chúng, gọi là để thử, thử trước ông bà, gia tiên.

Đấy là cái ăn ngon nhất trước khi vào Tết thường kéo dài trong ba ngày.

Còn vào Tết thì chẳng mấy ai quan tâm đến sự ăn, kể cả trẻ con. Bây giờ chuyển sang sự đam mê được mừng tuổi, đốt pháo, ra sân đình xem lễ, và đánh tam cúc hoặc bài mười …ăn tiền.

Cùng với số tuổi tôi có, tôi cũng có bấy nhiêu năm hồi hộp đón Tết, cảm nhận được cái bận rộn, ríu rít của Tết.

Thật thú vị và may mắn khi được hình dung một cách cụ thể và sống động đến thế những phiên chợ Tết ở làng quê trong thơ Đoàn Văn Cừ, cùng với hình ảnh ông đồ viết và bán câu đối Tết chốn kẻ chợ trong thơ Vũ Đình Liên. Nếu hiểu sự tù đọng của xã hội phương Đông là kéo dài hàng ngàn năm thì chính Đoàn Văn Cừ, Vũ Đình Liên là người có công đầu (và có lẽ là duy nhất) ghi nhận và định hình lại được không ít sắc màu và dáng nét riêng của Tết, không phải chỉ một thời Thơ mới, trước 1945, mà là của cả một thời xưa, của cả “muôn năm cũ”.

Nửa thế kỷ sau Thơ mới, vẫn có, và có càng nhiều những bài thơ Tết, nhưng với thế hệ tôi, tôi thấy ít có bài nào đọng lại được nơi tâm trí, bởi những kỷ niệm về Tết thời thơ ấu đã in rất sâu vào bộ nhớ. Còn Tết ngoài đời thì hàng năm vẫn thế, với mưa bụi, với sắc đào, với nao nức của tuổi thơ và bận rộn của người lớn; với những bâng khuâng và hồi hộp trong mong đợi những điều tốt lành được “bằng năm bằng mười” năm ngoái, khi vạn vật vẫn trở lại chu trình quen thuộc của nó để làm nên cái ổn định, cái trường tồn của Tết; còn cuộc đời, chuyện đời của nhân quần và xã hội thì chứng kiến biết bao là đổi thay, là xáo trộn.

nlntv-tet-gia-dinh-sum-hop-18-1673603035.jpg
Về quê ăn Tết (Ảnh: Internet)

Tết, ở bất cứ lứa tuổi nào của thế hệ tôi, cũng chẳng thể nào mất đi sắc màu ấm áp và thân thương của nó, ngay cả trong chiến tranh - dằng dặc những ba mươi năm. Ba mươi năm chiến tranh, nhất là trong cuộc thứ hai - chống Mỹ, cả dân tộc, từ Bắc vào Nam, vẫn đều đặn đón Tết, dẫu bất cứ hoàn cảnh nào, cả trong đạn bom, cả trong đối mặt với cái chết. Bên những mong đợi cổ truyền, bỗng có thêm niềm vui chờ đợi những bài thơ Xuân chúc Tết của Bác Hồ. Những bài thơ Xuân đã truyền biết bao sức mạnh cho toàn dân tộc, cả Bắc và Nam, khiến cho mọi gian nan, mọi thiếu nghèo vẫn không thể làm giảm sự trông đợi và hy vọng của con người cho độc lập và tự do, cho an khang và thịnh vượng.

Hòa bình, trong triền miên những bận rộn của đời thường, bỗng lại đến cái phút tạm ngưng lại mọi lo toan, để chỉ lo toan cho cái Tết. Những khoản tiền để dành - trong đó, với trẻ em, có vai trò những con lợn đất. Những mua sắm, và cái gì cũng phải mới. Những hành trình gần như bất tận của vào-ra, đi-về, xuôi-ngược khiến cho không năm nào là không túi bụi, vất vả chuyện tàu xe để cho con người đến với mục tiêu thiêng liêng là Gia đình và Quê hương, là Sum vầy, Đoàn tụ.

Hòa bình, hết tiếng súng để chỉ còn nghe tiếng pháo - “đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột”. Pháo chuột, pháo giây, pháo tép, và rất thỉnh thoảng, một cú pháo đùng, chỉ để gây giật mình, chứ không gây tai nạn, trong cái đêm trừ tịch mênh mông một cuộc giao hòa vĩ đại giữa con người với vũ trụ.

Sau cỗ Tết tất niên chiều Ba Mươi, kết thúc mọi lo toan và bận rộn của một năm, trong mỗi căn nhà ấm cúng hơn ngày thường, con người lại có một chờ đợi mới - chờ đợi tiếng chuông điện thoại đổ hồi dồn dập vào thời khắc giao thừa, để cho mọi khoảng cách xa-gần của không gian tuyệt đối được xóa bỏ. Rồi sáng Mồng Một đến, trong giấc ngủ dậy muộn, giữa im ắng đến tịch mịch của không gian, trong rón rén và thành kính thắp hương trên bàn thờ gia tiên, bỗng lại vẳng nghe xa gần tiếng rao lẻ loi của người bán muối - “Ai muối ơ?”, như là một đánh dấu cho sự tiếp chuyển không ngưng nghỉ của cuộc sống cần lao “gừng cay muối mặn”…

Đã ngót ba phần tư thế kỷ của đời tôi, thế mà không lúc nào tôi không hồi hộp trong đón Tết. Trước là chờ đón cho mình trong bận rộn của bố mẹ, ông bà. Rồi là chờ đón và chuẩn bị cho con cái, trong vai bố mẹ. Và bây giờ là cho cháu, trong vai ông bà, cả cháu nội ở gần và cháu ngoại ở xa, đứa nào cũng được thương nhớ, được quyến luyến như nhau. Cũng vẫn một trông chờ ấy, một bâng khuâng ấy, một hồi hộp ấy, một bận rộn ấy! Chẳng thể giải thích, và cũng không cần giải thích cái vĩnh cửu, muôn đời của Tết trong kết đọng của mọi ước nguyện tốt lành; trong bất tận những ao ước, khát khao của mọi người dân Việt ở bất cứ đâu cho, thương yêu, giao hòa, gắn nối và đoàn tụ./.

GS. Phong Lê

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/tet-voi-toi-va-the-he-toi-a8841.html