Vị tướng Tây Nguyên thời máu lửa

Lúc sinh thời, tôi thường hay tới nhà riêng Thượng tướng Hoàng Minh Thảo tặng ông những cuốn sách hồi ức của các tướng lĩnh do tôi thể hiện.

Ông nhận sách rồi trân trọng mở từng trang, từng trang. Xem xong một lượt, ông nói với tôi: "Những cuốn hồi ký chiến tranh của các tướng lĩnh và cán bộ cao cấp trong quân đội đã qua chiến đấu là vô cùng quý báu. Những cuốn hồi ký ấy cũng là một phần lịch sử. Lịch sử của một thời đã qua, nhưng nó mãi mãi có ý nghĩa với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của mọi thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau". Nhìn ông hiền từ, đôi mắt sáng, ít ai biết rằng vị tướng lẫy lừng đã một thời làm cho quân Mỹ ở Tây Nguyên phải nể phục.

anh1-hoangminhthao-1673516690.jpg
Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên Hoàng Minh Thảo (thứ nhất, từ phải sang) chỉ huy Chiến dịch Đắk Tô năm 1967. Ảnh tư liệu

Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo (1921-2008) tên thật là Tạ Thái An, sinh ra tại làng Cao, xã Bảo Khê, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên trong một gia đình thợ may. Hoàng Minh Thảo là học trò của thầy giáo Võ Nguyên Giáp, trên ghế Trường Thăng Long (Hà Nội) nổi tiếng. Ông tham gia cách mạng từ những ngày không khí sục sôi của phong trào Mặt trận Bình dân vào cuối thập kỷ 1930. Ông bị thực dân Pháp lùng bắt, đã buộc phải bỏ quê hương lên vùng rừng núi Tràng Định, Lạng Sơn.

Đến đây, ông đổi tên là Hoàng Minh Thảo. Ông chất chứa trong lòng nỗi nhục mất nước, khát khao Tổ quốc được độc lập, tự do. Hoàng Minh Thảo được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn cùng một số đồng chí trẻ tuổi qua học đào tạo quân sự tại Trường Tây Cán Bang ở Liễu Châu (Trung Quốc) từ năm đầu của thập kỷ 1940. Trở về nước, ông tiếp tục tham gia cách mạng và được Đảng, Nhà nước, Quân đội giao đảm nhận nhiều trọng trách lớn lao. Đặc biệt, ông đã có nhiều đóng góp cho công tác đào tạo đội ngũ cán bộ quân đội và đã được vinh danh Nhà giáo Nhân dân, học hàm Giáo sư.

Cuộc đời của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo không chỉ đứng trên bục giảng mà uy tín học thuật của ông còn được đúc kết từ thực tiễn cuộc chiến đấu ác liệt ở chiến trường.

Tháng 11 năm 1967, khi vào chiến trường Tây Nguyên giữ chức Tư lệnh thay cho đồng chí Chu Huy Mân, ông đã tỏ rõ trí thông minh dùng mưu kế thế trận đánh địch trong Chiến dịch Đắk Tô, tiêu diệt gần hết Lữ đoàn dù 173 của Mỹ. Dạo đó, tôi là chiến sĩ đã từng nghe những câu thơ ca ngợi ông trong chiến dịch này:

"Đồng chí Tư lệnh ơi!

Chắc đêm qua hẳn là không ngủ

Tấm bản đồ với cây chì đỏ

Điệu chúng vào phương án của ta".

Chiến dịch Đắk Tô - Tân Cảnh, tôi còn được nghe các anh ở Phòng Tham mưu Mặt trận Tây Nguyên kể lại: 5 ngày đêm liền, Tư lệnh Hoàng Minh Thảo không tháo giày ra khỏi chân. Chỉ đến khi nghe tin ta làm chủ hoàn toàn căn cứ Tân Cảnh, bắt hơn 1.000 tù binh, trong đó có Đại tá, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 22 ngụy Vi Văn Bình, lúc đó mọi người mới thấy ông cởi giày.

Rồi đến Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3 năm 1975, ông làm Tư lệnh chiến dịch. Ta đã đánh lừa cả bộ máy chiến tranh khổng lồ của địch, hút chúng về phía bắc Tây Nguyên rồi ta bất ngờ tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột, làm rung chuyển cao nguyên, buộc địch phải rút lui chiến lược, mở đầu cho sự tan rã ở chiến trường miền Nam, tạo thời cơ chiến lược kết thúc chiến tranh.

anh2-hoangminhthao-1673516690.jpg
Thượng tướng Hoàng Minh Thảo (bên trái) và tác giả (tháng 9-2002). Ảnh do tác giả cung cấp

Trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo đã để lại cho Quân đội ta, đất nước ta một kho tàng kiến thức quân sự đồ sộ với gần 100 đầu sách về "Tổ tiên ta đánh giặc", về "Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc", về "Cách dùng binh"... Ngoài ra, ông còn viết rất nhiều bài đăng trên các báo và tạp chí. Với những đóng góp cho nền nghệ thuật quân sự, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Về cách dùng binh, ông nói:

"Mưu cao nhất là mưu lừa địch

Kế hay nhất là kế điều địch

Lừa địch là tạo ra bất ngờ

Điều địch là giành được chủ động

Bất ngờ và chủ động là mạch sống của tác chiến"

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo còn thông tỏ những lời dạy của Bác Hồ về đạo làm tướng: "Nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm, trung". Đó là đạo đức cách mạng, đạo đức mới, đạo đức vĩ đại. Nó không phải là danh vọng của cá nhân mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc và của loài người. Trong cuốn "Về cách dùng binh”, ông viết: "Tướng lãnh đạo chiến tranh phải giỏi cả chính trị, quân sự, kinh tế. Tướng quốc phải là người văn võ song toàn”, "Tướng của dân là phải trọng đức độ, tài năng hơn là tiền tài danh vọng; trọng trí tuệ hơn là giàu sang", "Tướng của hiền từ, đức độ thì mới thu hút được hiền tài và sống mãi trong lòng dân, lòng quân", "Tướng không được đem mưu mẹo, gian dối, xảo trá đối với địch để đối với ta, lừa lọc đối với địch, không được lừa lọc đối với ta".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết trong cuốn “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng”: "Trong một buổi làm việc, anh Hoàng Minh Thảo với nhãn quan nhà nghiên cứu khoa học quân sự đã nêu, khi ta chọn hướng chiến lược là Tây Nguyên trước hết nên đánh Buôn Ma Thuột, vì đây là một thị xã lớn nhất, là nơi hiểm yếu và cũng là nơi địch sơ hở nhất. Từ đây ta có khả năng phát triển xuống đồng bằng”.

Khi về cuộc sống đời thường, Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo luôn làm gương sáng cho con cháu. Ông sống giản dị, thanh tao, hết lòng giúp đỡ mọi người. Ông không bao giờ vắng trong những lần các đơn vị thuộc Mặt trận Tây Nguyên họp mặt. Ông ân cần thăm hỏi mọi người. Ông xúc động khi thấy những người thương binh nặng đi xe lăn đến dự. Tôi không thể nào quên trong lễ tang con trai tôi là Lê Viên Hải Nguyên, hai lão tướng Hoàng Minh Thảo và Đặng Vũ Hiệp đã không thể cầm lòng, đôi vai gầy của các ông rung lên, nước mắt đầm đìa...

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã nhẹ gót trần ai vào cõi vĩnh hằng, song Tây Nguyên và những trận đánh máu lửa của ông vẫn mãi còn trong ký ức đồng chí, đồng đội...

LÊ HẢI TRIỀU

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/vi-tuong-tay-nguyen-thoi-mau-lua-a8826.html