Quy hoạch tổng thể quốc gia gắn với bảo vệ đất nước từ sớm từ xa

Thảo luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, khi tiến hành quy hoạch tổng thể xây dựng đất nước thịnh vượng cần gắn với nhiệm vụ bảo vệ đất nước từ sớm từ xa.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là lần đầu tiên Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về quy hoạch tổng thể quốc gia. Việc thông qua quy hoạch tổng thể quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bởi quy hoạch tổng thể là khuôn khổ chung cho việc triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã được đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; là cơ sở để xây dựng và triển khai các quy hoạch quốc gia khác, cũng như quy hoạch phát triển của các ngành, của các địa phương.

lequangdao-1673069215.jpg
Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên phát biểu thảo luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên cho rằng, khi tiến hành quy hoạch tổng thể xây dựng đất nước thịnh vượng cần gắn với bảo vệ đất nước từ sớm từ xa.

Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 4/10/2020 của Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã giao Bộ Quốc phòng tổ chức lập 4 hợp phần gồm: Hợp phần quy hoạch sử dụng đất quốc phòng; Hợp phần quy hoạch hệ thống công trình quốc phòng, khu quân sự, kho đạn dược và công nghiệp quốc phòng; Hợp phần quy hoạch quản lý vùng trời quốc gia và Hợp phần quy hoạch trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh. 

Cũng theo đại biểu Lê Quang Đạo, Bộ Quốc phòng đã phê duyệt nhiệm vụ lập các hợp phần quy hoạch; đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc quyền tổ chức lập, hoàn thiện hồ sơ, tổ chức thẩm định, phê duyệt đúng quy định và tiến hành bàn giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan thường trực để quản lý, bảo vệ, sử dụng và tích hợp vào Quy hoạch tổng thể quốc gia đảm bảo thời gian quy định. Các hợp phần trên hiện được quản lý, sử dụng và bảo vệ theo Luật bảo vệ bí mật nhà nước và không công bố công khai.

Về ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung và làm sâu sắc hơn nội dung về quốc phòng, an ninh, đại biểu Lê Quang Đạo cho rằng: Để bảo đảm bí mật nhà nước; bí mật quân sự, quốc phòng trong quá trình tiến hành tích hợp quy hoạch; cung cấp thông tin; quản lý và sử dụng cơ sở dữ liệu và công khai thông tin liên quan đến các hợp phần do Bộ Quốc phòng lập. Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan Thường trực Quy hoạch tổng thể quốc gia phải tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Pháp lệnh bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; do vậy, các dữ liệu công khai gửi tới Quốc hội liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng đã được khái quát, tóm lược ở phạm vi và mức độ phù hợp. Nội dung chỉ tiết của các hợp phần do Bộ Quốc phòng lập đang được quản lý và bảo vệ theo quy định của Luật bảo vệ bí mật nhà nước…

Một số đại biểu Quốc hội cũng cho rằng cần rà soát, bổ sung một số nội dung trong định hướng khai thác và sử dụng vùng trời. Theo đó, định hưởng khai thác và sử dụng vùng trời đã được xác định 3 định hướng lớn gồm: Quy hoạch sử dụng vùng trời cho hoạt động quân sự; vùng trời cho hoạt động của hàng không dân dụng và vùng trời cho hoạt động hàng không chung. Các định hướng trên được thể hiện đầy đủ trong hợp phần thực trạng và phương hướng khai thác, sử dụng vùng trời quốc gia để tích hợp vào Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Chính phủ cân nhắc, xem xét bổ sung đánh giá thực trạng phân bố không gian sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, dịch vụ của quốc gia để bảo đảm tính hợp lý, phù hợp với tiềm năng, lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa phương để trong thời kỳ quy hoạch có phương án điều chỉnh hợp lý. Đặc biệt là phân bố các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu, các vùng sản xuất tập trung cần bổ sung đánh giá việc thành lập các vùng kinh tế trọng điểm, các hành lang kinh tế hợp lý, phát huy được sức mạnh của các vùng, các hành lang kinh tế trong quy hoạch…

Về đề nghị xác định rõ phạm vi không gian biển, cũng có đại biểu cho rằng phạm vi ranh giới không gian biển quốc gia bao gồm vùng đất ven biển là các đơn vị hành chính cấp huyện giáp biển thuộc 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam và đã được thể hiện trong hợp phần quy hoạch không gian biển quốc vực quốc phòng.

Việc xác định phạm vi không gian biển là vấn đề nhạy cảm liên quan đến chính trị, đối ngoại và quốc phòng, an ninh; do vậy, trong hồ sơ công khai của Quy hoạch tổng thể quốc gia chỉ nên xác định các định hướng lớn và đã được khái quát, tóm lược ở phạm vi và mức độ phù hợp; bản đồ phân vùng chức năng và sắp xếp, phân bố không gian các ngành, lĩnh vực được quản lý, sử dụng và bảo vệ theo quy định của Luật bảo vệ bí mật nhà nước.

Bài và ảnh: Viết Tôn/Báo Tin tức

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/quy-hoach-tong-the-quoc-gia-gan-voi-bao-ve-dat-nuoc-tu-som-tu-xa-a8741.html