Tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Chiều 3-1, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12-2022.

Tại cuộc họp báo, vấn đề được nhiều cơ quan báo chí quan tâm là: Các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong năm 2023; quan điểm của cơ quan điều hành khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề nghị cần có cơ chế điều chỉnh giá điện; xử lý vi phạm trong lĩnh vực kiểm định phương tiện giao thông...

Hàng loạt chính sách tài khóa, thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Trao đổi tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, hàng loạt chính sách thuế, tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đã được Chính phủ thực hiện suốt thời gian dịch Covid-19 diễn ra. Điển hình như việc giảm thuế giá trị gia tăng; gia hạn tiền thuế phải nộp để hỗ trợ thanh khoản, hỗ trợ dòng tiền cho các doanh nghiệp; giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp, người dân; giảm thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng, dầu... Quy mô mức hỗ trợ trong năm 2022 lên tới 233 nghìn tỷ đồng, chưa từng có tiền lệ. Mức hỗ trợ đó đã giúp doanh nghiệp và người dân, nền kinh tế gia tăng sức chịu đựng và có khả năng phục hồi.

1-1672820236.jpg
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12-2022. Ảnh: Chinhphu.vn

Về chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong năm 2023, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi thông tin, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, đề xuất một loạt giải pháp liên quan đến chính sách tài khóa, chính sách thuế để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, về gia hạn nộp thuế, Bộ Tài chính có báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định tiếp tục hoãn thời gian nộp một số khoản thuế cho doanh nghiệp, người dân, trên cơ sở đó tiếp tục hỗ trợ dòng tiền cho đối tượng nộp thuế. Bộ Tài chính cũng đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm tiền thuê đất cho người dân và doanh nghiệp trong năm 2023. “Tinh thần Chính phủ vẫn tiếp tục các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong năm 2023 thông qua chính sách thuế và chính sách tài chính, nhưng có sự điều chỉnh về mặt hàng, mức giảm. Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục điều hành nhịp nhàng các chính sách về tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để bảo đảm cân đối vĩ mô, nền kinh tế tiếp tục ổn định và phát triển”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định.

Ngăn chặn các vi phạm trong kiểm định phương tiện giao thông

Liên quan tới việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực kiểm định phương tiện giao thông, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, thời gian vừa qua, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cùng một số cục nghiệp vụ của Bộ Công an đã phát hiện, đấu tranh làm rõ nhiều hành vi sai phạm, tiêu cực trong quá trình cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật bảo vệ môi trường tại một số trung tâm kiểm định các phương tiện giao thông cơ giới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre...

Theo đó, một số trung tâm đăng kiểm không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn lập ra; hoặc lập danh sách các kiểm định viên ảo để hợp thức hóa một số quy định về kiểm định cơ giới; bỏ qua các lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra thủ công; cho thuê phụ tùng để tạm thay thế các phụ tùng không bảo đảm tiêu chuẩn; sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm, thay đổi các thông số kiểm định về khí thải... “Bộ Công an đang tích cực triển khai các biện pháp ngăn chặn những vi phạm này trên phạm vi toàn quốc”, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết.

Cân nhắc kỹ lưỡng về đề xuất tăng giá điện

Về kiến nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là cần có cơ chế điều chỉnh giá điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, quy định hiện hành đã có cơ chế bảo đảm giá điện theo sát với giá đầu vào. Trong Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân thì thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, lần điều chỉnh giá điện gần nhất vào ngày 20-3-2019. Như vậy, đến tháng 3-2023 sẽ là 4 năm giá điện chưa được điều chỉnh. Tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg cũng đã quy định rõ việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét có ý kiến về phương án điều chỉnh giá điện trước khi thực hiện.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thì trong giai đoạn vừa qua, do sự biến động khó lường của giá than, chi phí sản xuất và mua điện của ngành điện đã tăng cao so với dự kiến đầu năm. Chính phủ đã giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý phương án đề xuất của EVN theo đúng quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg để xây dựng lộ trình điều chỉnh giá điện trên cơ sở đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng, đầy đủ tác động đến lạm phát và đặc biệt là đời sống người dân đang còn gặp nhiều khó khăn sau giai đoạn dịch bệnh vừa qua và trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường trong thời điểm hiện nay. “Bộ Công Thương sẽ tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng và báo cáo các cấp có thẩm quyền theo đúng quy định để việc điều chỉnh giá điện hợp lý, hạn chế tác động ở mức thấp nhất đến kinh tế-xã hội và đời sống người dân khi điều chỉnh”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.

MINH ĐỨC

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/tiep-tuc-trien-khai-chinh-sach-ho-tro-nguoi-dan-doanh-nghiep-a8691.html