Trong ngôi làng dệt sắc màu thổ cẩm

Thổ cẩm của làng sau một thời gian dài tưởng như đã “ngủ quên” sau ngọn nương, con rẫy. Thế nhưng, có những bàn tay tài hoa đang ngày ngày âm thầm đánh thức khung cửi truyền thống của dân tộc mình, giữ màu cho nghề dệt truyền thống của người Jrai trên mảnh đất này.

Gian khó giữ nghề dệt

Chẳng ai có thể nghĩ đến một ngày, thổ cẩm Jrai của làng Kép (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đang dần có mặt trên thị trường, mang lại thu nhập cho những phụ nữ của làng, và gìn giữ được nét đẹp cho những thế hệ sau như bây giờ. Bởi làng một thời gian dài thăng trầm, nghề dệt tưởng như đã lụi tàn và không thể cạnh tranh nổi với những sản phẩm may sẵn khác.

nlntv-det-1672298839.jpg
Người dân tại xã Ia Mơ Nông tham gia câu lạc bộ thổ cẩm.

Bà Rơ Châm Mir (69 tuổi) vừa ngồi bên khung cửi, vừa hướng dẫn cho mấy đứa trẻ Jrai về thổ cẩm của làng mình, thi thoảng lại xoa đầu từng đứa như tâm đắc với nghề dệt thổ cẩm của làng. Người làng Kép 2 này, và cả những làng xung quanh nữa chẳng ai nhớ nghề dệt thổ cẩm này có từ khi nào. Như bà Rơ Châm Mir cũng vậy, chỉ biết từ khi còn nhỏ xíu bà đã thấy các bà, các mẹ, các dì dệt vải ở mọi lúc, mọi nơi… Rồi bà cũng lần mò, cũng được các bà các dì dạy cho từng đường mũi, từng nét hoa văn, từng cách bện chỉ xe sợi. Rồi những tấm thổ cầm cứ thế lần lượt hoàn thành qua tay bà, đưa tới những người làng sử dụng. 

nlntv-anh6-1672300171.jpg
Người dân tại xã Ia Mơ Nông tham gia câu lạc bộ thổ cẩm.

Phụ nữ ở làng bao đời nay đều vậy, ngoài việc làm đồng, thì nhiều người đều thích nghề dệt thổ cẩm. Cứ sau vụ mùa thu hoạch có thời gian nhàn rỗi thì chị em lại bắt tay vào việc dệt thổ cẩm để sử dụng. Thời xưa và cả bây giờ, với người Jrai thì con gái trong làng phải biết nghề dệt và xem đó là điều cần phải biết trước khi đi lấy chồng. Mỗi người con gái trước khi có chồng, thường được thừa hưởng nghề dệt từ bà ngoại, bà nội và từ mẹ. Ngày trước khi chưa có điện như bây giờ, sau những ngày mùa hoặc những đêm trăng thanh, con gái  trong làng quây quần bên nhà những người già để học lấy nghề.  Rồi sau đó về nhà chặt lồ ô để dệt. Bản làng có nhiều người dệt nên rất nên thơ và hình ảnh người con gái Hrê ngồi dệt thật duyên dáng, khéo léo. Những chàng trai Banah muốn chọn vợ cũng tìm đến lân la se vải, trộn màu... 

nlntv-anh-7-1672300200.jpg
Người dân tại xã Ia Mơ Nông tham gia câu lạc bộ thổ cẩm.

Bà Rơ Châm Mir thủ thỉ, màu thổ cẩm của làng một thời đã bị mai một rất nhiều. Nhiều khung cửi ngày xưa đã bị hư hỏng, hay được bà con cất giữ lâu ngày mối một không dùng được nữa. Trong khi đó nguồn nguyên liệu đặc trưng để dệt thổ cẩm của người Jrai bây giờ không còn nữa. Ngày xưa, để có tấm thổ cẩm, đồng bào phải tận dụng bãi bồi ven sông, trồng cây vải lấy bông se sợi, rồi vào núi tìm rễ cây nhiều màu về nhuộm vải. Còn bây giờ, cây bông vải đã nhường chỗ cho một số loại cây kinh tế như mì, bắp, đậu, mía nên bà con muốn dệt vải phải mua chỉ sợi, không hợp với thổ cẩm truyền thống nữa, điều đó khiến nhiều người muốn dệt cũng khó tìm nguyên liệu.

Vì thổ cẩm là mặt hàng rất khó để tiêu thụ, nên nhiều người trong làng khi dệt xong một tấm thổ cẩm phải dùng đôi chân của mình đưa thổ cẩm tới từng bản làng để bán. Ban ngày mọi người đi làm nên phải đi bán vào buổi tối, trời sáng mới trở về nhà, vất vả vô cùng.

nlntv-det1-1672300221.jpg
Tấm thổ cẩm hoàn thiện đẹp đòi hỏi người dệt thổ phải chịu khó, có lòng đam mê với nghề mới có thể làm được.

Giữ màu cho nghề dệt cổ truyền

Nghề dệt của làng có được như ngày hôm nay, đó là nhờ vào sự góp sức của bà con trong buôn, nhưng người khởi xướng lại là một người phụ nữ từ nơi khác đến. Đó là chị H’uyên Niê – Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã Ia Mơ Nông. Từ ngày làm công tác phụ nữ, chị H’uyên Niê đi các buôn làng nơi đây, thấy nghề dệt của làng vẫn còn, vẫn có nhiều người tranh thủ lúc nông nhàn để làm. Nhưng vì không có đầu ra, lại thiếu sự liên kết nên sản phẩm chỉ để sử dụng chứ không đưa ra thị trường được. Quá trình đô thị hóa, nhiều ngành nghề mới ra đời, nhiều sản phẩm dệt may công nghiệp phổ biến với mọi người dân, trong đó có đồng bào Jrai, thì hình ảnh những người phụ nữ dệt vải thổ cẩm cũng vắng dần. Nhìn thấy nguy cơ mai một nghề truyền thống, nét văn hóa của dân tộc, cuối năm 2018, chị H’uyên Niê và một số phụ nữ trong xã đã cùng nhau vận động những phụ nữ biết dệt vải để thành lập Câu lạc bộ dệt thổ cẩm.

nlntv-anh5-1672300240.jpg
Nhiều người cũng học nghề dệt để có thể cải thiện kinh tế gia đình.

 Câu lạc bộ đã đến từng nhà vận động bà con tham gia để cùng nhau khôi phục và giữ nghề truyền thống của dân tộc gắn với du lịch cộng đồng tại xã Ia Mơ Nông. Chị H’uyên Niê chia sẻ: “Ở Làng Kép 2 này vẫn còn một số người phụ nữ đêm ngày cặm cụi bên khung dệt. Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào vẫn còn ở làng này, cứ từ mờ sáng là những người phụ nữ, con gái trở dậy ngồi bên khung cửi dệt thổ cẩm. Mình muốn làm một điều gì đó cho địa phương, để những người phụ nữ trong làng làm sản phẩm ra để bán được, nên mình đã đề xuất ý tưởng thành lập câu lạc bộ thổ cẩm, hỗ trợ cho bà con!”. Đề xuất của chị H’uyên Niê đã nhanh chóng được chính quyền các cấp đồng ý, tạo điều kiện để hoạt động.

Sau gần 3 năm thành lập, đến nay câu lạc bộ đã có hơn 30 người đăng ký tham gia với thành viên tuổi từ 19 đến 60. Như chị H’hoan, hơn 30 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm dường như đã trở thành một thói quen của chị H’hoan ở làng này, ngày nào không đụng đến khung cửi là chị cảm thấy như thiếu một thứ gì đó. Những tấm thổ cẩm làm áo choàng, khố, túi xách, váy được chị dệt một cách cẩn thận, tỉ mỉ đến từng họa tiết. Sản phẩm chị H’hoan làm ra ngoài việc để phục vụ trong gia đình, chị còn dệt bán cho những ai có nhu cầu mua để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình.

nlntv-anh2-1672300254.jpg
Những sản phẩm thổ cẩm của địa phương được giới thiệu.

Bây giờ, phụ nữ trong làng đêm ngày cặm cụi bên khung dệt. Ngày nào không đụng đến khung cửi là chị cảm thấy như thiếu một thứ gì đó. Những tấm thổ cẩm làm áo choàng, khố, túi xách, váy được chị dệt một cách cẩn thận, tỉ mỉ đến từng họa tiết. Sản phẩm của CLB làm ra ngoài việc để phục vụ trong gia đình, còn dệt bán cho những ai có nhu cầu mua để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình. Vừa luôn tay luồn chỉ sợi vào khung cửi, bà Rơ Châm Mir vui mừng cho biết: “Hồi ấy mới dệt trở lại, để bán được một tấm thổ cẩm thì cái chân phải đi nhiều nhưng mình vui vì nhiều đồng bào mình vẫn còn yêu thổ cẩm lắm. Họ còn thích mặc đồ truyền thống của dân tộc nhất là khi lên rừng lên rẫy hay đến mùa lễ hội. Bán thổ cẩm cũng có tiền nên mình mua được nhiều bò và nhiều heo nhờ thổ cẩm đấy. Yàng cho mình cái chân khỏe, cái tay khéo và cái bụng tốt nên mới dệt đẹp và đưa thổ cẩm làng mình đi khắp nơi, cái bụng mình lúc nào cũng chỉ có thổ cẩm thôi. Nhưng người làng khác cũng thích thổ cẩm lắm đấy!”. 

nlntv-anh6-1672300269.jpg
Những sản phẩm thổ cẩm của địa phương được giới thiệu.

Ngày xưa, để có tấm thổ cẩm, đồng bào phải trồng cây vải lấy bông se sợi, rồi vào núi tìm rễ cây nhiều màu về nhuộm vải. Còn bây giờ, cây bông vải đã nhường chỗ cho một số loại cây kinh tế như mì, bắp, đậu, mía nên bà con muốn dệt vải phải mua chỉ sợi, không hợp với thổ cẩm truyền thống nữa. Trong năm 2021, câu lạc bộ thổ cẩm đã vận động các thành viên, người dân trồng bông lấy sợi, để sợi tơ mềm mại có độ đàn hồi chịu nhiệt tốt để thổ cẩm đúng chất hơn. Cùng với đó, Hội phụ nữ xã cũng đã kiến nghị chính quyền địa phương xây dựng một không gian trưng bày sản phẩm, dệt những sản phẩm lưu niệm để đưa đi giới thiệu tại các trung tâm thương mại, các kênh xúc tiến thương mại và tạo ra sản phẩm du lịch mới. Ðồng thời, kết hợp du lịch trải nghiệm dệt thổ cẩm, vừa gìn giữ văn hóa truyền thống, vừa phát triển kinh tế.

“Nghề dệt của làng mình giờ đang hồi sinh lại rồi. Nhiều khung cửi của bà con đã bắt đầu hoạt động lại rồi. Cuộc sống bà con bây giờ khá giả hơn trước nên bà con đòi hỏi màu sắc phải phù hợp, đường dệt phải đều phải đẹp hơn thì mới bán được. Nhiều người dưới xuôi, hay cả người nước ngoài thích những tấm thổ cẩm này lắm. Mình cũng bảo bà con làm nhiều sản phẩm hơn như khăn quàng, túi xách… để dễ bán hơn!”, chị H’uyên Niê cho biết.

nlntv-det3-1672300321.jpg
Nghề dệt thổ cẩm của người Jrai tại Ia Mơ Nông đã khởi sắc.

Theo chị H’uyên Niê, để có được một tấm vải thổ cẩm mất rất nhiều công đoạn như: Quay sợi, mắc khung, tạo hoa văn, dệt, nhuộm. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi tính sáng tạo và đôi tay khéo léo tạo hình các hoa văn lên sản phẩm sao cho hài hòa, cân đối. Đối với người Jrai, màu đen tượng trưng cho quyền lực, sức mạnh của núi rừng, của thiên nhiên. Chính vì vậy, trong tấm thổ cẩm của người Jrai màu đen sẽ là màu chủ đạo kết hợp với với màu đỏ và màu trắng thể hiện sức mạnh, tình yêu và ước mơ. “Để làm ra một tấm vải thổ cẩm phải mất  nửa tháng, đến một tháng, đôi khi đến hai tháng tùy thuộc vào từng tấm vải thổ cẩm dệt để làm gì, như dệt để làm áo, váy, khăn sẽ mất ít thời gian hơn là dệt để làm chăn. Tấm thổ cẩm hoàn thiện đẹp đòi hỏi người dệt thổ phải chịu khó, có lòng đam mê với nghề mới có thể làm được!”, bà Rơ Châm Mir cho biết.

Với mong muốn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Jrai được các thế hệ tiếp nối và phát huy, bà Rơ Châm Mir đã truyền dạy nghề dệt lại cho con gái mình và những phụ nữ trẻ khác trong làng. Có lẽ, để phát triển làng nghề truyền thống đặc biệt của người dân các địa phương, cần nhiều hơn nữa những chính sách phát triển của chính quyền địa phương như tại làng Kép này, để không chỉ làng nghề này tồn tại, mà văn hóa dân tộc còn được gìn giữ cho những đời sau.

Tiêu Dao

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/trong-ngoi-lang-det-sac-mau-tho-cam-a8603.html