Dự Hội thảo, có ông Khuất Việt Hùng - Ủy viên Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia; ông Lê Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT); ông Trần Hữu Minh - Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia; bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam; Trung tá Vương Ngọc Bắc - Phó trưởng Phòng tham mưu, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an); Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế); Công ty Cổ phần Hanel...
Tại Hội thảo, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ Giao thông Vận tải) Lê Thanh Tùng chia sẻ, theo chương trình chuyển đổi số ngành GTVT tầm nhìn đến năm 2030: GTVT là ngành tiên phong về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số toàn diện để thực hiện các mục tiêu chiến lược của ngành, ứng dụng công nghệ số và sử dụng dữ liệu số một cách sâu rộng trong toàn bộ các hoạt động quản lý để phát triển cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, tiên tiến, bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn giao thông phục vụ nhân dân.
Mục tiêu đến năm 2025 sẽ hình thành các cơ sở dữ liệu dùng chung về kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người điều khiển phương tiện và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải. Kết nối, chia sẻ dữ liệu với các ngành khác, phục vụ công tác quản lý nhà nước, trong đó có công tác quản lý và nghiên cứu về An toàn giao thông.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu Chuyển đổi số, đến nay Bộ GTVT đã thực hiện số hoá dữ liệu kết cấu hạ tầng giao thông, lĩnh vực đường bộ quản lý 24.598km mặt đường, 7.354 cầu đường bộ, 32 loại tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và đang số hóa các lĩnh vực khác như đường sắt và đường thủy trong năm nay, lĩnh vực hàng không và hàng hải dự kiến cuối năm 2023 và đầu năm 2024 sẽ hoàn thành. Trong đó, sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi, thống kê lưu lượng giao thông, xây dựng kế hoạch bảo trì đảm bảo ATGT.
Bộ GTVT cũng đã xây dựng hệ thống quản lý điều hành giao thông thông minh, phát triển hệ thống quản lý điều hành giao thông đường quốc lộ và cao tốc (5/17 đoạn cao tốc đã hoàn thành), 21/21 dự án cao tốc giai đoạn 2021-2025… Bộ cũng dự kiến hình thành trung tâm điều hành giao thông cho cao tốc và quốc lộ để kết nối với giao thông đô thị để cung cấp tình hình giao thông từ khu vực ngoại ô đi vào đô thị.
Về cung cấp dữ liệu mở, theo kế hoạch, từ năm 2023, ngành GTVT sẽ cung cấp dữ liệu mở, trong đó có dữ liệu về Kết cấu hạ tầng giao thông (kho, bãi, bến xe, tàu…) phục vụ bài toán giảm ùn tắc ATGT .
Để thực hiện Chuyển đổi số trong công tác đảm bảo ATGT, Bộ GTVT đã hoàn thành số hoá, định danh dữ liệu quản lý 1.570 phương tiện hàng hải; 235.000 phương tiện thuỷ nội địa; 4.616.908 phương tiện đường bộ (xe ô tô); 5.823 phương tiện đường sắt; 264 phương tiện hàng không.
Bộ cũng đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin quản lý hoạt động phương tiện kinh doanh vận tải, tiến hành giám sát hành trình xe ô tô: 936 617 xe; giám sát hình ảnh camera trên phương tiện ô tô kinh doanh vận tải: 200.000/205.000 xe; giám sát tàu biển, phương tiện thủy: 1.570 phương tiện và các tàu biển khác khi đi vào vùng lãnh hải Việt Nam. Cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp, đổi biển phù hiệu xe ô tô: 1,2 triệu phương tiện, đăng ký khai thác tuyến vận tải: khoảng 11.000 tuyến.
Cùng với đó, thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu cho Bộ Công an khi đăng ký xe trực tuyến; Tổng cục thuế khi thực hiện thu thuế điện tử; 16/63 tỉnh thành phố về số liệu cấp phép; chia sẻ cho các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai... trong thực hiện cửa khẩu số giúp thông quan hàng hóa…
Với người điều khiển phương tiện, ngành GTVT đã số hóa người điều khiển phương tiện, cơ bản hoàn thành số hoá 48.876.253 người điều khiển mô tô; 10.268.842 người điều khiển ô tô; 2.973 người điều khiển phương tiện hàng không; 81.302 người điều khiển phương tiện hàng hải. Hiện đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu người điều khiển phương tiện đường thuỷ nội địa…
Tại Hội thảo, Trung tá Vương Ngọc Bắc - Phó trưởng Phòng tham mưu, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, thời gian qua, Cục Cảnh sát giao thông đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào các mặt công tác nghiệp vụ, đặc biệt là việc đưa các dịch vụ công lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, triển khai hệ thống camera giám sát trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc và quốc lộ trọng điểm, góp phần cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác.
Hiện nay, Cục Cảnh sát giao thông đã có các hệ cơ sở dữ liệu như: Cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm, đăng ký xe, tai nạn giao thông và giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông bằng hình ảnh. Các hệ thống đều được triển khai dưới dạng mô hình tập trung tại Trung ương (Cục Cảnh sát giao thông), Cảnh sát giao thông các cấp và Công an xã là đầu mối sử dụng, khai thác, thu thập thông tin để làm giàu cơ sở dữ liệu.
Theo Trung tá Vương Ngọc Bắc, chuyển đổi số trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đã giúp cho người dân giảm thời gian, chi phí đi lại khi làm thủ tục, không phải chờ đợi, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông. Tuy nhiên, chuyển đổi số là lĩnh vực mới, đến nay hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn. Từ đó, Cục Cảnh sát giao thông đề xuất cần có sự phối hợp giữa các đơn vị nghiệp vụ của Bộ GTVT, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ để kết nối chia sẻ dữ liệu, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan lĩnh vục đăng ký xe, nộp phạt xử phạt vi phạm hành chính.
Tại hội thảo, đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia, Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ Giao thông vận tải), Cục Cảnh sát giao thông, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Ban ATGT TP Hồ Chí Minh,… đều cơ bản thống nhất rằng: Về cơ bản đã hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành GTVT phục vụ công tác quản lý nhà nước, trong đó có quản lý ATGT.
Ngành GTVT đã bước đầu kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương khác phục vụ công tác quản lý; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người điều khiển phương tiện nhằm đảm bảo ATGT. Tuy nhiên, cần tiếp tục thực hiện đóng góp các dữ liệu của ngành GTVT để giải quyết bài toán tổng thể về đảm bảo ATGT.
Các chuyên gia, khách mời, đại diện các cơ quan, đơn vị tham gia Hội thảo đã đề xuất, kiến nghị Nhà nước cần hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về ATGT, cụ thể lộ trình, trách nhiệm của các đơn vị tham gia. Bên cạnh đó, các cơ quan Nhà nước cần mở dữ liệu để doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo phát triển các sản phẩm trong lĩnh vực ATGT.
Nguyễn Liên
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/thuc-day-chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-an-toan-giao-thong-a8563.html