Ngoại giao văn hóa đa phương giúp Việt Nam tỏa sáng ở diễn đàn UNESCO

Năm 2022 tiếp tục là một năm thành công về ngoại giao văn hóa trên quy mô đa phương và toàn cầu. Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Paris đã có cuộc phỏng vấn trực tiếp Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), về những thành tựu đạt được trong năm qua.

le-thi-hong-van-26122022b-1672042693.jpeg
Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO). Ảnh: TTXVN

Theo Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, có thể nói năm 2022 đánh dấu những thành công mới của ngoại giao văn hóa Việt Nam, nhất là tại tổ chức đa phương tầm toàn cầu như UNESCO, trên 5 khía cạnh. Thứ nhất, chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay vừa qua (9/2022), tiếp nối chuyến thăm UNESCO của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (11/2021), đã góp phần triển khai Bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2021 – 2025, đưa quan hệ Việt Nam - UNESCO lên tầm cao mới. UNESCO cam kết tiếp tục hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho Việt Nam trong triển khai Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021 – 2030, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch bền vững, hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học, an ninh nguồn nước vì phát triển bền vững... Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước UNESCO về Di sản thế giới tại Ninh Bình, Tổng Giám đốc Audrey Azoulay đánh giá Việt Nam là “điển hình mẫu mực” của mô hình bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch, phát triển kinh tế. Bà đặc biệt ấn tượng về lãnh đạo và năng lực tổ chức các sự kiện tầm toàn cầu của Việt Nam, chủ động đặt vấn đề Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị lớn của UNESCO tại Việt Nam, dự kiến vào năm 2025, với sự tham gia của khoảng hơn 1.100 người đến từ 130 nước.

Thứ hai, ngoại giao văn hóa đã góp phần quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, nhất là các quan điểm nhân sinh quan, thế giới quan tiến bộ và cao đẹp của dân tộc Việt Nam, thông qua việc lan tỏa giá trị tư tưởng, cốt cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân được UNESCO vinh danh như Nguyễn Đình Chiểu và Hồ Xuân Hương. Đặc biệt, lần đầu tiên chuỗi các Sự kiện kỷ niệm 35 năm UNESCO thông qua Nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam” đã được tổ chức thành công, với sự tham dự đông đảo và ở cấp cao tại Hà Nội và trụ sở UNESCO dưới sự đồng bảo trợ của UNESCO, cho thấy tình cảm kính trọng và khâm phục của bạn bè quốc tế dành cho Bác Hồ và cho Việt Nam. 

Thứ ba, ngoại giao văn hóa đã tranh thủ hiệu quả tri thức, nguồn lực, ủng hộ của UNESCO để bảo tồn và phát huy các giá trị di sản của đất nước, hỗ trợ phát triển bền vững cho người dân và địa phương. Việt Nam rất tự hào có thêm 4 danh hiệu, di sản được UNESCO vinh danh trong năm nay: Thành phố học tập toàn cầu Cao Lãnh (Đồng Tháp), Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm trở thành Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và gần đây nhất, hai Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương là Ma Nhai Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) và Văn bản làng Trường Lưu (Hà Tĩnh). Điều này không chỉ thể hiện đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với giá trị di sản, văn hóa dân tộc Việt Nam, đóng góp vào nỗ lực của UNESCO về bảo tồn di sản, mà còn tạo thêm nguồn lực và không gian mới cho phát triển bền vững ở các địa phương. Việt Nam cũng được UNESCO lựa chọn là một trong 12 quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai thí điểm Bộ Chỉ số Văn hóa 2030, góp phần thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam cũng đã tranh thủ được sự ủng hộ của UNESCO đối với nỗ lực hồi hương cổ vật Ấn vàng ”Hoàng Đế chi bảo”, đáp ứng nguyện vọng của chính phủ và người dân.

Thứ tư, năm nay cũng ghi nhận những dấu mốc mới trong triển khai đối ngoại đa phương Việt Nam tại UNESCO. Việt Nam được tín nhiệm bầu vào Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể nhiệm kỳ 2022 – 2026 với số phiếu cao nhất, khẳng định sự tin tưởng và ủng hộ của quốc tế đối với khả năng đóng góp và năng lực điều hành của Việt Nam tại các thể chế đa phương toàn cầu. Như vậy, lần đầu tiên Việt Nam cùng một lúc đảm nhận trọng trách tại 3 cơ chế điều hành then chốt của UNESCO là Hội đồng chấp hành, Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 về bảo vệ và phát huy đa dạng các biểu đạt văn hoá, Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003. Những đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam thúc đẩy đối thoại, hợp tác và đồng thuận, tìm giải pháp thoả đáng cho các vấn đề quan tâm chung trong bối cảnh tình hình quốc tế rất phức tạp, được lãnh đạo UNESCO và các nước hoan nghênh.

Thứ năm, tham gia đóng góp ở cấp cao vào việc định hình những vấn đề chiến lược, chính sách toàn cầu là một thành công nữa của ngoại giao văn hóa tại UNESCO. Vai trò tích cực của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tại Hội nghị thế giới về chính sách văn hoá và phát triển bền vững, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tại Lễ khai mạc Năm quốc tế về khoa học cơ bản vì sự phát triển bền vững, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thượng đỉnh về chuyển đổi giáo dục được lãnh đạo UNESCO đánh giá cao, khẳng định vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam. Việc Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị quốc tế về Khoa học, đạo đức và phát triển con người, Hội nghị quốc tế về Hang động núi lửa và Công viên địa chất toàn cầu, Tiến sĩ Hồ Thị Thanh Vân được UNESCO – L’Oreal vinh danh là 1 trong 15 nhà khoa học trẻ tài năng của thế giới năm 2022... cũng là những minh chứng sinh động.

le-thi-hong-van-26122022-1672042689.jpg
Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO phát biểu trong một phiên họp toàn thể của Đại hội đồng UNESCO. Ảnh: Thu Hà/TTXVN

Đại sứ Lê Thị Hồng Vân cũng nêu ra những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thúc đẩy ngoại giao văn hóa của Việt Nam tại UNESCO. Theo Đại sứ, qua thực tiễn tại địa bàn, có thể thấy Việt Nam có rất nhiều thuận lợi trong triển khai ngoại giao văn hóa. Đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về vai trò của văn hóa và phát triển văn hóa rất toàn diện và rõ ràng, phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế thời đại. Theo đó, văn hóa là “hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn”, văn hóa là mục tiêu, nguồn lực nội sinh và động lực to lớn để phát triển nhanh và bền vững đất nước. Ngoại giao văn hóa được xác định là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại. Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt nhiệm vụ “phát huy hơn nữa ngoại giao văn hóa đóng góp thiết thực vào quảng bá mạnh mẽ hình ảnh quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước”. Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030... tạo khuôn khổ cho triển khai hiệu quả ngoại giao văn hóa.

Đại sứ Lê Thị Hồng Vân nhấn mạnh qua 45 năm, quan hệ đối tác Việt Nam – UNESCO phát triển ngày càng tốt đẹp, hiệu quả, thực chất. Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam được đánh giá là một trong những ủy ban năng động, hoạt động hiệu quả nhất ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Cộng đồng quốc tế cũng hoan nghênh vai trò và đóng góp chủ động, tích cực của ta với tư cách là một trong những nước đi đầu triển khai hiệu quả các chương trình, hoạt động của UNESCO.

Việt Nam cũng có nhiều lợi thế do thiên nhiên ban tặng, truyền thống lịch sử hào hùng, nền văn hiến nghìn năm, sự đa dạng và độc đáo của bản sắc văn hóa, tố chất con người Việt Nam cần cù, sáng tạo, với hệ giá trị tinh thần quý báu, chính sách đối ngoại hòa bình, hòa hiếu, nhân nghĩa, gắn với sự phát triển năng động trong đổi mới và hội nhập quốc tế. Đây là nền tảng thuận lợi để Việt Nam tiếp tục triển khai hiệu quả công tác ngoại giao văn hóa, qua đó phát huy sức mạnh mềm của dân tộc, đóng góp cho công cuộc phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân cho rằng cũng phải thấy còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác, nhiều điểm nghẽn chưa được khai thông như Hội nghị văn hóa toàn quốc (11/2022) và Hội thảo Văn hóa tại Bắc Ninh (12/2022) vừa qua đã chỉ ra cho công tác ngoại giao văn hóa. Theo đó, cần tiếp tục đổi mới tư duy về vai trò của văn hóa, ngoại giao văn hóa; nắm vững các nội hàm hợp tác để đi đúng và đi trúng vào quan tâm chung, tranh thủ thúc đẩy lợi ích của ta; tăng cường đầu tư nguồn lực tài chính, nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác ngoại giao văn hóa đáp ứng những yêu cầu mới của nâng tầm đối ngoại đa phương trong kỷ nguyên số; khuyến khích các cơ chế liên kết hợp tác để gia tăng nguồn lực cho phát triển văn hóa, như hợp tác liên địa phương, kết nối thương hiệu, di sản, chú trọng quan hệ đối tác công - tư; phát triển công nghiệp văn hóa, quảng bá thương hiệu quốc gia.... 

le-thi-hong-van-26122022a-1672042791.jpeg
Đại sứ Lê Thị Hồng Vân (thứ ba, bên phải) và phái đoàn Việt Nam trong buổi UNESCO họp và công nhận Nghệ thuật làm Gốm của người Chăm trở thành Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Ảnh: TTXVN

Đại sứ Lê Thị Hồng Vân cũng chia sẻ hướng thúc đẩy ngoại giao văn hóa trong năm tới tại UNESCO. Theo bà Lê Thị Hồng Vân, giai đoạn 2-3 năm tới rất then chốt đối với tiến trình đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Trong đó, công tác ngoại giao văn hóa có ý nghĩa quan trọng để phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam, tăng cường sức mạnh mềm quốc gia, hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước.

Trong thời gian tới, để tiếp tục triển khai hiệu quả kết quả của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Hội thảo văn hóa năm 2022, Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030, bà Lê Thị Hồng Vân cho rằng tại tổ chức UNESCO, Việt Nam cần chủ động, tích cực và sáng tạo tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ. Một là, đẩy mạnh tham mưu, đề xuất chính sách, tận dụng những ý tưởng, sáng kiến của UNESCO hỗ trợ thực hiện các mục tiêu quốc gia, góp phần phát triển bền vững đất nước. Theo đó, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các sáng kiến toàn cầu của UNESCO về chuyển đổi giáo dục, văn hóa gắn với phát triển bền vững, đạo đức trong trí tuệ nhân đạo, khoa học mở, quản lý bền vững tài nguyên nước và đại dương trong bối cảnh biến đổi khí hậu... để bắt kịp các xu thế hợp tác mới toàn cầu, hoàn thiện các khung pháp lý và nâng cao năng lực thể chế, con người. Đồng thời, cũng cần chủ động giới thiệu chính sách, chia sẻ kinh nghiệm hay, điển hình tốt của Việt Nam, hỗ trợ nâng cao năng lực cho các nước đang phát triển trong các lĩnh vực văn hóa, khoa học, giáo dục mà ta có lợi thế.

Hai là, tiếp tục đưa quan hệ đối tác Việt Nam – UNESCO đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, các Tiểu ban chuyên môn, Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO và các cơ quan liên quan cần phát huy vai trò nòng cốt trong thúc đẩy triển khai hiệu quả kết quả các chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ (11/2021) và của Tổng Giám đốc UNESCO (9/2022), bám sát Kế hoạch hành động triển khai Bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam – UNESCO giai đoạn 2021 – 2025 phù hợp với Chiến lược trung hạn của UNESCO và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam...

Ba là, góp phần vào việc tham gia xây dựng, vận động, bảo vệ các hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh, thiết thực tạo thêm nguồn lực, thúc đẩy mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở các địa phương. Việt Nam tiếp tục thúc đẩy các hồ sơ di sản, danh hiệu đã nộp và đang chờ UNESCO xem xét, phê duyệt như hồ sơ di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà, di sản tư liệu thế giới đối với hồ sơ của Nghệ sĩ Hoàng Vân và Cửu Đỉnh Huế, di sản phi vật thể đại diện của nhân loại với ”Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ”, vận động UNESCO cùng tham gia kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác vào năm 2024; tiếp tục xây dựng hồ sơ di sản văn hóa Quần thể Di tích và danh thắng Yên Tử, Khu di tích Óc Eo – Ba Thê, Công viên địa chất Lạng Sơn...

Bốn là, tiên phong trong quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam ra thế giới. Đến nay, Việt Nam đã có 57 di sản, danh hiệu UNESCO, đứng đầu các nước Đông Nam Á về số di sản được UNESCO ghi danh, tất cả 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam đều sở hữu hoặc đồng sở hữu ít nhất một danh hiệu UNESCO. Các danh hiệu ở tầm cỡ quốc tế mà UNESCO dành cho Việt Nam là cách thức hữu hiệu bạn bè quốc tế hiểu hơn về một Việt Nam phát triển năng động, mô hình thành công của đổi mới, mở cửa và hội nhập, nhưng vẫn giàu truyền thống, đậm đà bản sắc. Năm nay dự kiến Việt Nam sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể, đón Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới thăm Việt Nam nhằm tranh thủ tri thức, sáng kiến, nguồn lực của UNESCO cho bảo tồn và phát huy giá trị di sản, nâng cao đời sống người dân, hỗ trợ nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, du lịch bền vững sau đại dịch; đồng thời quảng bá đất nước, con người Việt Nam.

Năm là, nâng cao vị thế và uy tín đất nước thông qua nâng tầm đóng góp vào quan tâm chung, tăng cường đảm nhận trọng trách quốc tế, vai trò điều hành tại các cơ chế của UNESCO như thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO, Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2005 về bảo vệ và thúc đẩy sự đa dạng của các biểu đạt văn hoá, Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003. Việt Nam cũng tiếp tục vận động ứng cử vào Ủy ban di sản thế giới nhiệm kỳ 2023 – 2027 để đóng góp vào công việc chung của UNESCO.

Nguyễn Thu Hà (TTXVN)

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/ngoai-giao-van-hoa-da-phuong-giup-viet-nam-toa-sang-o-dien-dan-unesco-a8556.html