Cuối năm 1972, khi đàm phán đi vào bế tắc và đứng trước dư luận phản đối chiến tranh ngày càng dâng cao ở trong nước, Mỹ quyết định thực hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không - Linebacker II - nhằm khuất phục Việt Nam - một đối thủ có ý chí sắt đá, dù bị áp đảo về cân bằng lực lượng và vũ khí nhưng vẫn kiên cường kháng chiến, và đánh thắng mọi chiến lược cũng như công nghệ tác chiến của cỗ máy chiến tranh ghê gớm nhất thế giới.
Theo số liệu CNN có được, Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không - Linebacker II, bắt đầu từ ngày 18-12-1972 (17-12-1972 theo giờ Washington D.C.), đã huy động hơn 200 máy bay B-52 với khoảng 730 lần xuất kích, rải thảm hàng chục nghìn tấn bom xuống Hà Nội, Hải Phòng và nhiều tỉnh miền Bắc trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972. Số liệu của phía Mỹ cũng ước tính có khoảng 1.600 dân thường Việt Nam thiệt mạng trong 12 ngày đêm khốc liệt.
Không quân Mỹ cũng phải gánh chịu những tổn thất mà cho đến nay còn chưa thể đo đếm hết được. Hàng chục chiếc B-52, vốn là niềm tự hào của Không quân Mỹ, đã bị bắn hạ và cùng với đó là hàng chục phi công thiệt mạng. Tệ hơn, dẫu đến nay các sử gia Mỹ và thế giới vẫn còn tranh cãi về tầm ảnh hưởng và tác động của chiến dịch này đối với cục diện cuộc chiến thì phần lớn công chúng lại cho rằng nhiều phi công Mỹ đã thiệt mạng một cách vô ích. Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng ký ức của các phi công Mỹ ngày đó thì vẫn kinh hoàng như mới hôm qua mỗi khi nhắc lại những lần xuất kích vào “lưới lửa” phòng không Việt Nam năm 1972.
Giáng sinh chết chóc
Trong loạt bài phỏng vấn CNN thực hiện nhân dịp 50 năm Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không - Linebacker II, một cựu phi công Mỹ giấu tên kể lại: “Lưới phòng không dày đặc đến độ có cảm giác bạn có thể đi bộ được trên đầu những quả tên lửa được bắn lên trên bầu trời. Có rất, rất nhiều tên lửa nhắm thẳng vào bạn”. Cũng theo viên phi công này thì bầu trời đêm sáng rực lên, đến độ “có thể đọc báo trong buồng lái”.
Cũng theo viên phi công này, để tránh tạo ra tâm lý không tốt ảnh hưởng tới nhuệ khí phi công, các đợt xuất kích của B-52, mà ở đâu đó trước khi tiến hành chiến dịch này người ta đã nói “sẽ chỉ là những cuộc dạo chơi trên bầu trời Hà Nội”, được tiến hành vào ban đêm. Những chiếc B-52 từ U Tapao (Thái Lan) và Căn cứ không quân Andersen (Guam) sau khi cắt bom xong sẽ trở về căn cứ và hạ cánh trong bóng tối. Như vậy, các tốp bay sẽ không phát hiện ra ai trong số họ đã không còn trở về cho đến tận ngày hôm sau.
Wayne Wallingford là sĩ quan tác chiến điện tử trên không từng tham gia xuất kích 7 lần cùng B-52 đột nhập Hà Nội từ U Tapao. Viên sĩ quan cho biết: “Ngày hôm sau, bạn sẽ thấy phòng bên cạnh mở cửa ở cả hai phía và người ta bắt đầu đóng gói đồ đạc cá nhân (của viên phi công ở buồng đó) để chuyển về cho gia đình. Như vậy là đủ hiểu rằng cả đội bay đã không bao giờ còn quay về nữa. Thực sự nặng nề khi phải chứng kiến những điều đó”. Theo số liệu của phía Mỹ, đã có ít nhất 33 lần lực lượng không quân Mỹ phải làm “công việc nặng nề” đó trong suốt chiến dịch.
Tổn thất ở dưới mặt đất cũng hết sức khủng khiếp và không thể tin nổi. Những con số cho thấy sự vô nhân đạo một cách kinh hoàng từ chỉ một chiến dịch không quân của bộ máy chiến tranh lớn nhất thế giới và ý chí sắt đá có một không hai của quân và dân miền Bắc. Chỉ trong một đêm, ở khu phố Khâm Thiên đã có 287 người bị giết chết, trong đó phần lớn là phụ nữ, trẻ em và người già. Hơn 2000 ngôi nhà đã bị phá hủy sau những đợt rải thảm B-52 (số liệu của CNN).
Một nhà báo của hãng tin AFP đến Khâm Thiên ngay sau khi Không quân Mỹ ném bom đã mô tả khung cảnh nơi đây là “đổ nát, hoang tàn và tang tóc”. Bức điện của Jean Leclerc du Sablon gửi về trụ sở tờ báo New York Times ngày 29-12-1972 có đoạn: “Trên con phố Khâm Thiên chỉ còn một vài ngôi nhà nguyên vẹn. Rất nhiều nhà đã bị thổi bay cả nóc và cửa sổ. Phố Khâm Thiên chi chít những hố bom với chiều rộng lên tới hơn chục mét và sâu tới 3 mét. Giữa đống đổ nát đó là hình ảnh hết sức ám ảnh: Một bà mẹ già đang đưa tay ôm mặt nức nở: ‘Con ơi, con ở đâu? Làm sao mẹ tìm được con mà chôn cất đây? Quân Mỹ thật ác độc!’”
Những hình ảnh đó từ chính báo chí phương Tây đã cho thấy mức độ bạo tàn của những kẻ tuyên bố đưa miền Bắc “về thời kỳ đồ đá” bằng chiến tranh phá hoại, sức tàn phá ghê gớm của B-52, cũng như lòng căm thù sâu sắc và ý chí kiên cường của quân và dân miền Bắc.
Động cơ phía sau Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không - Linebacker II
Động cơ phía sau các đợt không kích vào Hà Nội, Hải Phòng và nhiều tỉnh miền Bắc Việt Nam là Tổng thống Mỹ Richard Nixon muốn Mỹ rút khỏi một cuộc chiến không được lòng dân này trước khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 1 năm sau.
Trước đó, Richard Nixon đã tái đắc cử với lời hứa sẽ tìm được “hòa bình trong danh dự” ở Việt Nam. Khi đàm phán rơi vào bế tắc, Chiến dịch Linebacker II đã được phê chuẩn với sự xung trận của máy bay ném bom chiến lược B-52 từ 2 căn cứ không quân ở U Tapao và Guam. Thế nhưng Richard Nixon không hề biết rằng những chiếc oanh tạc cơ được cho là đáng gờm nhất thế giới sẽ vấp phải một hệ thống phòng không đáng gờm nhất thế giới.
Với 8 động cơ, “pháo đài bay” B-52 có thể mang tới 80,000 pao, tương đương hơn 36 tấn (số liệu của CNN), vũ khí. Đây là mẫu máy bay ném bom chiến lược ra mắt lần đầu năm 1954 và được thiết kế để có thể bay xuyên lục địa và tấn công bằng bom hạt nhân bất cứ nơi nào trên thế giới. Cùng với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tàu ngầm tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân, B-52 tạo thành bộ ba hạt nhân chiến lược của Mỹ được mong đợi có thể ngăn chặn bất kỳ cuộc chiến tranh hạt nhân nào có thể xảy ra. Với trần bay mà mắt thường không nhìn thấy được, B-52 được mong đợi sẽ đem lại hiệu quả tấn công khủng khiếp ở Hà Nội.
Như nhà sử học T.W. Beagle từng viết, động cơ phía sau Linebacker II là “Richard Nixon muốn tạo áp lực tâm lý tối đa lên người dân miền Bắc và B-52 là công cụ tốt nhất để thực hiện mục đích này”.
Bay vào vùng nguy hiểm
Theo lời kể của những thành viên đội bay B-52, ngay trong đêm xuất kích đầu tiên của chiến dịch, phía Việt Nam đã bắn trúng ít nhất 5 máy bay ném bom của Mỹ (số liệu của CNN). Tệ hơn nữa là khi quay về U Tapao, con số thương vong cũng tăng lên do nhiều máy bay bị thương “lết” về căn cứ. Lời nói hôm đó của một vị tướng cứ văng vẳng bên tai Wayne Wallingford cho đến tận bây giờ. Vị đó nói rằng đối phương sẽ tổn thất nhiều hơn, nhưng theo Wayne Wallingford thì đó là lời động viên chẳng có chút sức nặng nào.
Trên thực tế, những chiếc B-52 bị bắn rơi đã làm dao động tinh thần lực lượng không quân Mỹ ở cả U Tapao và Guam, nhưng lại có tác động ngược lại ở Hà Nội. Đó là bởi trước đó phía Việt Nam cũng có người lo ngại khi Mỹ luôn tuyên truyền về B-52 như một pháo đài bay bất khả chiến bại. Thế nhưng sau khi B-52 bị bắn rơi thì quân và dân Việt Nam biết rằng B-52 cũng có thể bị hạ như bất kỳ chiếc máy bay nào”.
Tới đêm thứ 3 thì phía Việt Nam đã nhìn rõ chiến thuật của phía Mỹ và điều này khiến Không quân Mỹ phải trả giá bằng nhiều chiếc B-52 bị bắn hạ hơn nữa. Theo chiến thuật, B-52 sẽ bay theo đường bay đã được vạch sẵn, và sau khi thả hết bom sẽ quay đầu về căn cứ. Đây là thời điểm các thiết bị gây nhiễu điện tử đều hướng lên trên, khiến pháo đài bay trở nên dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết. Theo Wallingford thì, “trong 2 phút cuối của mỗi lần không kích, chúng tôi được yêu cầu bay thẳng và bay đều và điều đó có nghĩa là B-52 chẳng khác nào một mục tiêu đứng yên tại chỗ vậy”. Viên sĩ quan tác chiến điện tử cũng nói thêm rằng khi khoang chứa bom mở ra để cắt bom thì vị trí B-52 cũng lộ rõ hơn trên màn hình radar, và như vậy thì chẳng khác nào “tự tìm đến thất bại”.
Với tất cả những yếu tố đó góp lại thì theo một sĩ quan tác chiến điện tử khác là Ron Bartlett, những cuộc không kích của Linebacker II chẳng khác nào một trò chơi điện tử mà ở đó B-52 dễ dàng bị đối phương hạ gục. Chỉ riêng đêm thứ 3 của chiến dịch, 6 chiếc B-52 đã rụng trên bầu trời miền Bắc (số liệu của CNN - 2022). Những tổn thất đó khiến công chúng Mỹ và cả Richard Nixon không thể hài lòng. Mỹ đã buộc phải ký vào Hiệp định hòa bình Paris ngày 27-1-1973 với các điều khoản chấm dứt sự can dự của nước này vào Việt Nam.
Nói về Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không - Linebacker II, cựu phi công Không quân Mỹ Robert Hopkins đã cảnh báo rằng đây là “một vết thương rất sâu về tinh thần còn kéo dài trong nhiều năm tới”. Còn theo nhà sử học Pierre Asselin thì ở Hà Nội, “những ngày cuối tháng 12-1972 là câu chuyện về một chiến thắng Oanh liệt và hào hùng của quân và dân miền Bắc” trước đòn tấn công chiến lược của kẻ thù và “trên thực tế, tổn thất đối với Mỹ đã lên đến mức buộc Richard Nixon phải cầu xin phía Hà Nội nối lại các cuộc đàm phán, và đơn phương chấm dứt ném bom phá hoại miền Bắc một cách vô điều kiện”.
Hồ sơ mật đem tới bạn đọc những bài viết về các vụ án, hồ sơ điệp viên, sự kiện lịch sử quân sự - chính trị thế giới đã được giải mật và những bí ẩn chưa có lời giải đáp.
HỮU DƯƠNG (theo CNN)
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/ho-so-mat-dien-bien-phu-tren-khong-phi-cong-my-va-luoi-lua-kinh-hoang-a8488.html