Nghỉ đông - cơ hội kiếm tiền của du học sinh ở Nhật

Những kỳ nghỉ dài ngày có thể làm thêm đến 40 tiếng/tuần nên các du học sinh Việt ở Nhật thường tranh thủ vừa "cày baito" (làm thêm) vừa ôn thi.

Lê Viết Tấn Phát, 21 tuổi, là sinh viên năm hai khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Asia (Tokyo). Thời điểm này ở Nhật, sinh viên đang trong kỳ nghỉ đông. Nhiều du học sinh tận dụng cơ hội này để vừa làm thêm vừa ôn thi. Dưới đây là những chia sẻ về kỳ nghỉ đông qua trải nghiệm của Phát.

Nhật Bản có khá nhiều ngày lễ và kỳ nghỉ dài ngày. Về cơ bản, sinh viên Nhật có ba kỳ nghỉ lớn: Kỳ nghỉ xuân vào khoảng tháng 2 đến đầu tháng 4, nghỉ hè rơi vào tháng 8 đến tháng 9 và cuối cùng là kỳ nghỉ đông, bắt đầu từ tháng 12 đến giữa tháng 1.

tan-phat-trong-mot-lan-toi-tham-cong-vien-ueno-o-tokyo-nam-2021-1641090381.jpg
Tấn Phát trong một lần tới thăm Công viên Ueno ở Tokyo năm 2021

Nghỉ đông - cơ hội "cày baito"

Baito là cách gọi tắt của Arubaito (trong tiếng Nhật có nghĩa là việc làm thêm part-time). Ở Nhật, công việc làm thêm rất nhiều và không yêu cầu quá khắt khe với du học sinh. Du học sinh thường tìm việc làm thêm theo ba cách cơ bản: qua ứng dụng điện thoại hoặc trang web việc làm; nhờ bạn bè, người quen giới thiệu; xem thông báo tuyển nhân viên trước các cửa hàng.

Công việc được lựa chọn nhiều nhất là làm ở combini (cửa hàng tiện lợi), quán ăn, nhà hàng, quán cà phê. Một số khác có thể làm việc cho cửa hàng thời trang lớn, dạy tiếng Việt cho người Nhật hoặc phiên dịch tại cơ sở y tế cho người Việt.

Theo quy định, du học sinh nước ngoài ở Nhật được làm thêm không quá 28 tiếng/tuần. Tuy nhiên, vào những kỳ nghỉ dài ngày, mọi người có thể làm đến 40 tiếng/tuần. Tiền lương thời gian này không tăng nhưng đổi lại, số giờ làm được tăng thêm.

Lương làm thêm trung bình ở Tokyo là 1.000 yên/giờ (khoảng 210.000 đồng) nhân với số giờ làm được. Ở các vùng khác, tiền lương dao động từ 850 yên đến 900 yên, cũng có khi cao hơn tùy công việc. Thông thường, nếu bạn làm sau 22h sẽ được tăng 25% lương.

Do đó, kỳ nghỉ đông trở thành thời điểm vàng để nhiều du học sinh kiếm tiền hay gọi vui là "cày baito".

Thời gian đầu mới sang, việc học hành còn nhẹ nhàng nên kỳ nghỉ đến, tôi cũng chăm chỉ "đi cày" như các bạn khác. Có ngày, vừa kết thúc ca ở chỗ làm đầu tiên vào lúc 16h, tôi phải chạy ngay đến chỗ làm thứ hai trước 17h. Những hôm ấy, tôi vừa thay đồ, vừa ăn Onigiri (cơm nắm) vì phải làm liên tục đến 22h không có nghỉ giải lao.

Giờ nghỉ cũng được quy định khác nhau tùy theo mỗi công ty. Hãng quần áo nơi tôi làm khá gắt gao trong việc nghỉ giải lao của nhân viên. Chúng tôi được nghỉ 30 phút trong 5 tiếng làm việc. Nhiều nơi như quán ăn hay quán cà phê, nhân viên làm 4-5 tiếng nhưng không có giờ giải lao.

Ở kỳ nghỉ đông đầu tiên khi đến Nhật, có tháng tuần nào tôi cũng làm 38-40 tiếng/tuần. Cuối kỳ nghỉ, tôi dành ra ít tiền đi du lịch trong nước cùng bạn bè. Tuy nhiên, làm 40 tiếng/tuần không đơn giản, nếu ai chưa quen có thể sẽ cảm thấy mệt mỏi.

phat-cung-cac-du-hoc-sinh-viet-nam-o-nhat-leo-nui-takao-tai-tokyo-nam-2021-1641090381.jpg
Phát cùng các du học sinh Việt Nam ở Nhật leo núi Takao tại Tokyo năm 2021

Cân bằng "baito" với "bài tập"

Các đại học ở Nhật thường thi học kỳ II vào cuối tháng 1. Sau khi kết thúc kỳ nghỉ đông tầm 1-2 tuần, bạn sẽ chỉ có thi và thi. Nhiều môn học đặt deadline vào tuần đầu tiên đi học lại sau kỳ nghỉ, do đó, nếu không "chạy deadline" trong kỳ nghỉ đông, bạn sẽ bị chất chồng bài tập, dễ trễ hẹn và rơi vào hoảng loạn tinh thần.

Tiếng Nhật đã khó, học chuyên ngành bằng tiếng Nhật càng không phải dễ dàng. Tôi luôn đảm bảo GPA ở phong độ ổn định (3.8/4.0) nhưng học kỳ nào cũng có vài môn "khó nuốt". Đặc biệt năm nay có môn Nghiệp vụ Thương mại. Tôi dự đoán khả năng rớt môn rất cao nếu không chăm chỉ ôn bài trong thời gian nghỉ đông. Chính vì vậy, ở kỳ nghỉ năm nay, tôi cắt lịch làm thêm và tập trung ôn thi cẩn thận. Với tôi, GPA quan trọng hơn nên phải "tỉnh táo" trước các lời mời gọi đi làm. Trước đó, những lúc nhận lương, tôi luôn cố gắng tiết kiệm một khoản nhất định, đề phòng những lúc đau ốm hay thi cử không đi làm được vẫn có đủ tiền trang trải.

Ở đâu cũng vậy, cuộc sống sinh viên luôn muôn màu muôn vẻ, mỗi người sẽ có những định hướng và kế hoạch riêng. Hy vọng các bạn xác định được rõ mục đích du học Nhật Bản của bản thân là gì: đi làm hay đi học. Nếu vừa học vừa làm, bạn phải phân bổ thời gian hợp lý.

Kiếm tiền trang trải cuộc sống là vô cùng quan trọng nhưng nếu bị tiền lương làm thêm "cám dỗ" vào những kỳ nghỉ, bạn sẽ khó lòng đạt được mục tiêu học tập đề ra. Nếu vẫn mắc kẹt giữa đống bài tập và còn nhiều thứ cần phải học, hãy phân bổ thời gian thực sự hợp lý để cân bằng giữa học hành và làm việc.

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nghi-dong-co-hoi-kiem-tien-cua-du-hoc-sinh-o-nhat-a807.html