Đặt vấn đề
Việt Nam đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự phát triển và đồng bộ các thị trường sẽ tạo nên hoạt động nhịp nhàng của hệ thống thị trường và nền kinh tế quốc dân, qua đó giúp cho Việt Nam có một nền kinh tế thị trường phát triển, hiện đại. Trong các loại thị trường thì thị trường lao động (TTLĐ) là một thị trường đặc biệt, được coi như một đầu tàu kéo theo sự chuyển động của các thị trường khác. Chính vì vậy, phát triển TTLĐ luôn là mục tiêu mà các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu hướng tới. Xây dựng và phát triển TTLĐ Việt Nam theo hướng đồng bộ, hiện đại và bền vững với nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu, có năng suất lao động và tính cạnh tranh luôn là một trong những mục tiêu ưu tiên của Việt Nam.
1. Quan điểm phát triển thị trường lao động theo tinh thần đại hội XIII của Đảng
Xuất phát từ vai trò quan trọng của TTLĐ, từ yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định đột phá chiến lược liên quan đến TTLĐ, đó là đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là chủ trương hết sức đúng đắn, sáng tạo của Đảng, nhằm đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Báo cáo Chính trị Đại hội XIII khẳng định: “ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [2, tr.204].
Với sự ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được đề ra trong Văn kiện Đại hội XIII cho thấy, đường lối, chủ trương về phát triển TTLĐ Việt Nam theo xu hướng đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh thế giới hiện nay đó là cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số, cạnh tranh, hội nhập quốc tế, đó là ưu tiên phát triển nhanh, bền vững... Đây cũng là bước đột phá chiến lược trong điều kiện trình độ phát triển kinh tế - xã hội còn thấp khi bước vào nền kinh tế tri thức, cách mạng công nghiệp 4.0, hội nhập quốc tế... Trong đó, yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trí lực có ý nghĩa quyết định tới sự thành công của sự nghiệp đổi mới và phát triển bền vững đất nước.
2. Thực trạng phát triển thị trường lao động ở Việt Nam
Ở Việt Nam, cũng như các loại thị trường khác, TTLĐ được cấu thành bởi cầu lao động, cung lao động, giá cả của hàng hóa sức lao động và cơ sở hạ tầng của TTLĐ.
Về cung lao động, Việt Nam là nước có quy mô dân số lớn, tháp dân số trẻ và đang ở trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”. Mỗi năm Việt Nam có khoảng gần 1 triệu người bước vào độ tuổi lao động. Như vậy có thể thấy, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ, tiềm năng lao động lớn, bảo đảm nguồn cung cho TTLĐ trong nước cũng như quốc tế. Về chất lượng, theo Bộ LĐTB&XH, năm 2021, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 26,1% [4, tr.1]. Từ số liệu trên có thể thấy, vẫn còn tình trạng thiếu lao động có trình độ, chuyên môn cao nói chung và thiếu lao động có trình độ, chuyên môn trong một số ngành dịch vụ và công nghiệp mới nói riêng.
Về cầu lao động, theo Tổng cục Thống kê, năm 2021, khu vực doanh nghiệp Nhà nước thu hút hơn 1 triệu người, chiếm 6,9% tổng lao động của doanh nghiệp; khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 8,6 triệu người, chiếm 58,4%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 5,1 triệu người, chiếm 34,7% [5, tr.1]. Trên TTLĐ Việt Nam, khu vực tạo việc làm nhiều nhất cho nền kinh tế là khu vực kinh tế tư nhân. Kể từ năm 1990, sau khi Việt Nam có Luật Doanh nghiệp thì số lượng và quy mô của doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân đã tăng lên nhanh chóng. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam cũng tăng lên cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như việc gia nhập ASEAN, WTO, ký kết các Hiệp định thương mại song phương và Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới CPTTP. Sự gia tăng mạnh mẽ của các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Về cơ cấu thị trường lao động, cùng với quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế, cơ cấu kinh tế của Việt Nam thay đổi theo chiều hướng tích cực, tăng nhanh ở khu vực công nghiệp và dịch vụ, giảm ở khu vực nông nghiệp. Cơ cấu lao động đang làm việc theo nhóm ngành kinh tế cũng có sự chuyển dịch cùng với sự chuyển dịch của cơ cấu kinh tế, giảm tỉ trọng lao động làm việc ở khu vực nông, lâm và ngư nghiệp và tăng tỉ trọng ở khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực thương mại, dịch vụ. Khoảng 60% lao động phi chính thức tập trung ở khu vực nông thôn nơi có nhiều làng nghề truyền thống và các hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp, các tổ hợp tác. Những loại hình việc làm truyền thống này thường có năng suất thấp, lợi nhuận thấp, thu nhập thấp và không có nhiều chế độ bảo vệ người lao động.
Về giá cả sức lao động, tiền lương của người lao động ở Việt Nam có xu hướng tăng, nhưng vẫn có sự khác biệt theo giới tính, thu nhập bình quân của nữ giới luôn thấp hơn của nam giới và khoảng cách này có xu hướng ngày càng rộng. Bên cạnh đó, có sự chênh lệch về thu nhập giữa lao động làm công hưởng lương ở khu vực thành thị và nông thôn, có sự chênh lệch tương đối giữa tiền lương ở khu vực tự làm, hộ gia đình với các khu vực kinh tế khác. Đây là khu vực sản xuất có quy mô nhỏ lẻ, thiếu ổn định và năng suất lao động thấp nhưng chiếm trên 50% số lượng việc làm của nền kinh tế.
Về thể chế, trong những năm đổi mới, hệ thống pháp luật kinh tế tiếp tục được hoàn thiện đã góp phần giải phóng sức sản xuất, tạo điều kiện cho TTLĐ phát triển. Bộ Luật lao động sửa đổi bổ sung năm 2012 và 2016, Luật bảo hiểm xã hội, Luật dạy nghề, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, các nghị định, thông tư liên quan tới lao động, TTLĐ và việc làm đã hoàn thiện khung pháp lý cho TTLĐ phát triển, tăng cường cơ hội việc làm và hoàn thiện quan hệ lao động. Điều này đã góp phần hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh các vấn đề quan hệ lao động và tiêu chuẩn lao động ở Việt Nam, đáp ứng một phần yêu cầu phát triển về TTLĐ và hội nhập quốc tế.
Mặc dù vậy, một số chính sách pháp luật về việc làm hiện nay không còn phù hợp và khó thực hiện. Các quy định chủ yếu điều chỉnh đối với lao động có hợp đồng lao động, còn các đối tượng khác như việc làm ở khu vực phi chính thức, khu vực nông thôn chưa được bao phủ đầy đủ. Còn thiếu các chính sách về bình đẳng việc làm, việc làm an toàn, các quy định về việc làm đầy đủ, việc làm bán thời gian; các khái niệm, định nghĩa về TTLĐ chưa được xác định rõ; các giải pháp hỗ trợ của Nhà nước chưa đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn... gây khó khăn trong hoạt động quản lý và tổ chức thực hiện trong lĩnh vực việc làm. Việc triển khai tại một số địa phương gặp nhiều lúng túng, vướng mắc do cơ chế chồng chéo, không phân rõ trách nhiệm giữa các cơ quan thực hiện. Một số địa phương, doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ các chính sách đã được ban hành, ví dụ như: quy định về việc thành lập Quỹ Giải quyết việc làm địa phương; bảo đảm tỷ lệ lao động là người tàn tật; việc thực hiện các chế độ đối với người lao động; triển khai chương trình, dự án gắn với quy hoạch nguồn nhân lực cũng như kế hoạch tạo việc làm cho người lao động.
3. Một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển thị trường lao động ở Việt Nam hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII
Một là, nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu nguồn cung lao động
Việt Nam tuy có một lực lượng lao động trẻ, đông đảo, nhưng chất lượng nguồn nhân lực thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của TTLĐ. Vì thế, để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam thì yếu tố then chốt là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đại hội XIII xác định: phải tiếp tục thực hiện và đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 70% [2, tr.113]; trong đó, ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập kinh tế với sự cạnh tranh gay gắt giữa các nền kinh tế để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thì nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là cốt yếu. Do đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực tức là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, là vấn đề then chốt để nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển thị trường lao động và hội nhập thành công. “Phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về giáo dục và đào tạo ở khu vực, bắt kịp với trình độ tiên tiến của thế giới, tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế” [2, tr.140].
Hai là, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, dự báo phát triển thị trường lao động tại Việt Nam, qua đó, cung cấp thông tin cho các đối tượng sử dụng trên TTLĐ, cung cấp thông tin cho chính phủ, chính quyền địa phương phục vụ hoạch định chính sách về lao động, việc làm và phát triển ngành, lĩnh vực, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo nghề. Đại hội XIII xác định: “Nâng cao năng lực hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, cơ cấu lại các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, lấy phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc làm mục tiêu” [2, tr.141]. Bên cạnh việc cung cấp thông tin TTLĐ thì việc dự báo sự phát triển TTLĐ cũng đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch mạng lưới các trường cao đẳng và đại học, các chính sách phát triển nguồn nhân lực trình độ cao đẳng, đại học, các chính sách nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu nhân lực cao đẳng, đại học theo nghề làm việc, theo nhóm ngành đào tạo, cân đối cung lao động trình độ cao đẳng, đại học với nhu cầu việc làm giữa các vùng miền,...
Ba là, hoàn thiện thể chế thị trường lao động
Có thể thấy, TTLĐ là một bộ phận không thể tách rời của kinh tế thị trường và do đó, chịu sự tác động của hệ thống quy luật trong kinh tế thị trường như quy luật giá cả, quy luật cạnh tranh. Các quy luật này tác động và chi phối mối quan hệ cung và cầu của TTLĐ. Việc hoàn thiện hệ thống thể chế TTLĐ sẽ tạo hành lang pháp lý, bảo đảm bình đẳng hài hòa lợi ích giữa người lao động, người sử dụng lao động và lợi ích chung. Nhà nước đóng vai trò là “bà đỡ”, quản lý, điều chỉnh các hoạt động lao động và quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động phát sinh trên TTLĐ làm cho TTLĐ hoạt động đúng hướng và có hiệu quả trên cơ sở ba chức năng cơ bản, đó là: phân bổ hiệu quả nguồn nhân lực cho tăng trưởng, phát triển, tạo sức cạnh tranh cho nền kinh tế; phân phối thành quả đạt được một cách công bằng và hạn chế rủi ro trong TTLĐ. Để làm được điều đó thì ngoài khuôn khổ pháp lý, còn đòi hỏi phải có một hệ thống chính sách TTLĐ hoàn chỉnh như chính sách kết nối cung - cầu lao động, chính sách tiền lương, chính sách an sinh xã hội.
Kết luận
Có thể nói, phát triển TTLĐ là nội dung quan trọng mà mọi quốc gia đều hướng tới để phát triển nền kinh tế. Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, từng bước hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, từng bước xây dựng, hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, do đó phát triển TTLĐ ở Việt Nam chịu tác động của nhiều yếu tố trong và ngoài nước. Thực tiễn cũng cho thấy, phát triển TTLĐ ở Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu, song cũng còn có hạn chế. Do đó, để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục hạn chế cần nghiên cứu, quán triệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp về cung lao động, cầu lao động, về hệ thống thông tin TTLĐ, về thể chế TTLĐ..., góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững trong những năm sắp tới.
Tài liệu tham khảo:
[1] Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020), Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2020, Nxb. Thống kê, Hà Nội.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
[3] https://danso.org
[4] http://laodongxahoi.net/ty-le-lao-dong-qua-dao-tao-dat-66-trong-nam-2021-1322376.html
[5] https://www.gso.gov.vn
ĐINH THỊ HUYÊN