Tự tin hội nhập bằng bản lĩnh văn hóa dân tộc kết tinh từ các giá trị phù hợp với thời đại

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, "chỉ khi chúng ta định hình và triển khai được hệ giá trị, chúng ta mới có thể hình thành nên hệ điều tiết cho sự phát triển. Ở đó, trách nhiệm đạo đức, định hướng lý tưởng của mỗi người sẽ giúp họ phân biệt đúng - sai, tốt - xấu, nên làm - không nên làm".

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu: Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. 

Phát biểu Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 24/11/2021 đã định hướng nhiều nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc. 

Phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

nlntv-dai-hohi-xiii-cua-dang-21112022-1669034344.jpg
Các đại biểu biểu quyết, thông qua Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Ảnh (tư liệu): TTXVN

Tại Đại hội XIII của Đảng, vấn đề xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới tiếp tục được đặt ra. Xin Giáo sư cho biết, việc xây dựng các hệ giá trị này đã có vai trò như nào trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Việt Nam ?

Chúng ta cần lưu ý rằng, vấn đề xây dựng hệ giá trị là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Vì thế, không phải đến tận Đại hội XIII chúng ta mới lưu tâm đến vấn đề này, mà chúng ta tiếp tục tập trung quan tâm, chú ý xây dựng hệ giá trị phù hợp với bối cảnh xã hội mới. Điều này quan trọng ở chỗ, mỗi bối cảnh xã hội đều cần có hệ giá trị phù hợp để dẫn dắt, định hướng, thu hút sự quan tâm đối với những giá trị quan trọng; từ đó, tập trung sức mạnh đoàn kết, thống nhất của cả dân tộc. Nhờ vậy, chúng ta mới có thể đạt được thành công trong xây dựng đất nước. Tuy ý thức được về tầm quan trọng của việc xây dựng hệ giá trị như vậy nhưng định hình được hệ giá trị, cả ở phạm vi quốc gia, gia đình, ở mỗi cá nhân hay trong văn hóa không phải là một công việc đơn giản. Nguyên nhân quan trọng nhất là vì chúng ta đang ở trong giai đoạn có nhiều thay đổi. Sự phát triển của nền kinh tế thị trường đã làm biến đổi các mối quan hệ xã hội.
 
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cũng như sự bùng nổ của công nghệ, nhất là công nghệ thông tin với mạng lưới internet và mạng xã hội rộng khắp, ngấm sâu vào từng tế bào của xã hội... Tất cả những tác động ấy đã phá vỡ các cấu trúc truyền thống vốn định hình khá vững chắc trong gia đình, cộng đồng, tác động rất mạnh đến văn hóa, lối sống của mỗi cá nhân và toàn xã hội. Cố Giáo sư sử học Phan Huy Lê đã từng nói về khủng hoảng giá trị khi các giá trị truyền thống, cũ chưa mất hẳn trong khi những giá trị mới lại chưa hoàn toàn bén rễ sâu khiến cho con người mất định hướng trong cuộc sống. Đây chính là nguyên nhân sâu xa của những vấn đề tiêu cực đang phát sinh trong xã hội; trong đó có hiện tượng xuống cấp đạo đức, khi văn hóa hay cụ thể ở đây là hệ giá trị không hoàn thành nhiệm vụ là hệ điều tiết đối với sự phát triển đất nước. Chỉ khi chúng ta định hình và triển khai được hệ giá trị, chúng ta mới có thể hình thành nên hệ điều tiết cho sự phát triển. Ở đó, trách nhiệm đạo đức, định hướng lý tưởng của mỗi người sẽ giúp họ phân biệt đúng - sai, tốt - xấu, nên làm - không nên làm. Khi những điều đó đã trở thành nguyên tắc sống, giá trị ẩn sâu trong tâm thức và hành vi của mỗi người thì cũng là lúc chúng ta xây dựng thành công xã hội tốt đẹp; giúp chúng ta tự tin nhiều hơn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế bằng bản lĩnh văn hóa dân tộc kết tinh từ các giá trị phù hợp với thời đại.

nlntv-bui-hoai-son-1669034411.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Thưa Giáo sư, việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam được xác định theo những đặc trưng, định hướng như nào? Mối quan hệ giữa các hệ giá trị được thể hiện ra sao?

Quan điểm của chúng ta về xây dựng các hệ giá trị nên xuất phát từ bối cảnh xã hội và những mong muốn về một xã hội tốt đẹp mà chúng ta hướng tới. Hệ giá trị xuất phát từ điều kiện hiện tại thì sẽ có tính khả thi; hướng đến tương lai giúp chúng ta có được động cơ, mục đích phù hợp. Như vậy, chúng ta cần bám sát quan điểm, đường lối của Đảng, lắng nghe ý kiến nhân dân, cần tổng kết, đúc rút kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đi trước; đồng thời, tham khảo, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, kế thừa có chọn lọc các giá trị truyền thống của dân tộc, tiếp thu các giá trị tiến bộ, phổ quát của nhân loại.

Những định hướng lớn trong xây dựng hệ giá trị nên quan tâm đến các xu hướng vận động như trong kinh tế, đó là sự chuyển đổi từ cơ chế kinh tế bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường và nền kinh tế tri thức; về xã hội là sự chuyển đổi từ xã hội truyền thống nông nghiệp, sang xã hội công nghiệp hiện đại, tiên tiến; về tâm lý là sự chuyển đổi từ con người thiên vì cộng đồng sang con người thiên về cá nhân, về bối cảnh quốc tế là xu thế toàn cầu hóa, sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với mạng xã hội phát triển tạo ra một thế giới mà chúng ta chưa có kinh nghiệm.

Chính vì thế, xử lý hài hòa mối quan hệ biện chứng giữa cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội sẽ giúp hình thành nên những hệ giá trị xã hội phù hợp, tạo điều kiện cho sự phát triển chung của đất nước. Như trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 đã gợi ý “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”.

Xin Giáo sư cho biết, quá trình xây dựng các hệ giá trị đã tạo chuyển biến như nào về văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người trong xã hội hiện nay?

Trong văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người, hệ giá trị đang định hình đã giúp chúng ta điều tiết các mối quan hệ xã hội tốt hơn. Rõ ràng trong bối cảnh xã hội có nhiều sự phân tâm đến từ sự đa dạng, phong phú của các loại hình giải trí, trong cách sống, lối sống, đến từ một thế giới mới là internet và mạng xã hội, việc định hình các hệ giá trị văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người sẽ tạo cho chúng ta nền tảng tốt hơn để xây dựng văn hóa, con người trong thời kỳ mới, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của đất nước. Nếu như mỗi người có định hướng sống tốt thì chúng ta sẽ hình thành được những công dân tốt cho xã hội.

Trong khi đó, gia đình là tế bào của xã hội. Mỗi gia đình tốt chính là điều kiện để xây dựng xã hội tốt đẹp. Hệ giá trị gia đình sẽ giúp điều tiết, định hướng hành vi cho mỗi thành viên trong gia đình. Còn hệ giá trị văn hóa được sáng tạo và kết tinh trong quá trình phát triển của một nền văn hóa nhằm thích ứng với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, ẩn tàng trong bản sắc văn hóa, di sản văn hóa, biểu tượng văn hóa, chuẩn mực văn hóa... Thực hành hệ giá trị văn hóa giúp cho chúng ta hình thành nên sự tự tin văn hóa, giúp hội nhập tốt hơn với thế giới.

Hiện nay, dù chúng ta đã có nhiều thành tựu trong việc xây dựng con người, gia đình và văn hóa qua các phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa cũng như rất nhiều các hoạt động khác nhưng còn rất nhiều những bất ổn của cuộc sống đến từ hành vi của cá nhân, trong môi trường gia đình và văn hóa. Vì vậy, tạo ra sự đồng thuận về các hệ giá trị trong ba lĩnh vực này sẽ tạo điều kiện để chúng ta thực hiện thành công khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Thưa Giáo sư, việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người sẽ là một quá trình lâu dài để bồi đắp tư tưởng, làm thay đổi nhận thức và hành động của xã hội. Bởi vậy, trong quá trình triển khai sẽ còn không ít bất cập. Theo ông, chúng ta cần có những giải pháp gì để khắc phục những bất cập và xây dựng các hệ giá trị thích ứng với thời kỳ mới?

Đây thực sự là công việc hết sức khó khăn, phức tạp. Nhưng vì tầm quan trọng của các hệ giá trị, chúng ta cần thực hiện với quyết tâm cao, nỗ lực lớn và càng sớm càng tốt. Để làm được điều đó, theo tôi, chúng ta cần tập trung vào mấy giải pháp như sau:

Thứ nhất, chúng ta phải xác định nội hàm cụ thể của các hệ giá trị bằng cách bổ sung các nội hàm mới của thời đại. Một giá trị như yêu nước ở trong giai đoạn kháng chiến cứu quốc ở đó hy sinh thân mình trong chiến tranh vì tổ quốc được đề cao chắc sẽ khác với giá trị yêu nước trong thời buổi phát triển kinh tế thị trường, ở đó kinh doanh, làm giàu cho doanh nghiệp, cộng đồng cũng là một hành động yêu nước có ý nghĩa không kém. Tương tự như vậy, chúng ta sẽ tạo ra những tiêu chí cụ thể, phù hợp, dễ thực hiện hơn đối với mỗi người dân.

Thứ hai là, hoàn thiện thể chế, chính sách; xây dựng hệ giá trị phải tiến hành đồng thời với đổi mới phương thức lãnh đạo, cần đổi mới tư duy quản lý dựa trên tư tưởng về quyền công dân và tinh thần xây dựng hệ thống hành chính công hiện đại; từng bước xây dựng cơ chế phân cấp, phân quyền mới theo nguyên tắc các cơ quan nhà nước tập trung vào xây dựng thể chế, tạo môi trường thuận lợi, lành mạnh để toàn xã hội tham gia xây dựng đất nước.

Thứ ba là đẩy mạnh dân chủ hóa xã hội đồng thời giữ nghiêm kỷ cương, phép nước. Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người phải được xây dựng, hình thành và phát triển trên cơ sở thực hành dân chủ; tôn trọng dân chủ trong đời sống xã hội qua các hình thức dân chủ đại diện, dân chủ trực tiếp và tự quản ở cơ sở để đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, chính trị, tư tưởng, văn hóa… là cách chúng ta xây dựng niềm tin, hình thành nên các giá trị tốt đẹp trong xã hội.

Thứ tư là nêu cao vai trò đầu tàu gương mẫu của tầng lớp lãnh đạo, quản lý xã hội, đội ngũ văn nghệ sỹ; giữ gìn và phát huy hệ giá trị cần dựa trên sự thực hành các giá trị đó. Trong bối cảnh xã hội rất phức tạp khiến con người dễ phân tâm trong việc xác định định hướng giá trị của mình thì việc làm gương là một giải pháp quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Do tầng lớp lãnh đạo, quản lý xã hội và đội ngũ văn nghệ sỹ là những người được nhân dân quan tâm, chú ý nên việc làm gương của họ có ý nghĩa rất lớn trong việc định hình và thực hành giá trị văn hóa.

Thứ năm là tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về hệ giá trị. Khi chúng ta hiểu rõ ý nghĩa, vai trò của hệ giá trị trong việc phát triển con người, đất nước sẽ có những hành động phù hợp để giữ gìn và xây dựng những giá trị này. Để làm được điều đó, chúng ta nhất thiết phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa. Việc tuyên truyền phải được thực hiện một cách sinh động, có nội dung phong phú, hình thức đa dạng trên nhiều phương tiện và môi trường khác nhau, đặc biệt chú ý đến môi trường mạng internet, đặc biệt là các mạng xã hội. Việc tuyên truyền phải coi trọng nguyên tắc lấy cái tốt, cái đẹp dẹp cái xấu, ác để tạo môi trường lành mạnh cho sự phát triển hành vi của con người.

Thứ sáu là phát huy vai trò của các thiết chế gia đình, nhà trường và xã hội trong xây dựng hệ giá trị; phát huy vai trò của các thiết chế này sẽ tạo điều kiện để các giá trị văn hóa được thực hành, từ đó định hình vững chắc trong đời sống xã hội. Điều quan trọng nữa là phải có sự đồng bộ giữa các thiết chế để những điều được truyền đạt, thực hành trong thiết chế này không bị mâu thuẫn trong các thiết chế khác.

Thứ bảy là phát huy vai trò, sứ mệnh của văn học, nghệ thuật trong xây dựng hệ giá trị. Những tác phẩm văn học nghệ thuật có đặc điểm tuyệt vời là hướng con người tới những giá trị tốt đẹp; từ đó, truyền năng lực tích cực của cuộc sống cho tất cả mọi người. Nhờ đó, hệ giá trị có thể ăn sâu, bén rễ vào đời sống xã hội cũng như tâm trí của mỗi người.

Trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn!

Đinh Thuận/TTXVN (thực hiện)

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/tu-tin-hoi-nhap-bang-ban-linh-van-hoa-dan-toc-ket-tinh-tu-cac-gia-tri-phu-hop-voi-thoi-dai-a7892.html