Sáng ngày 20/11, tại trung tâm hành chính tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW (Nghị quyết 23), ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và xúc tiến đầu tư vùng.
Tham dự Hội nghị còn có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Bộ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ; lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, các Uỷ ban của Quốc hội, Tư lệnh Quân khu V. Tại hội nghị, đại diện các Bộ Giao thông Vận Tải, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ NNPTNT, Bộ Giáo dục và Đào Tạo, Bộ Y tế, Ủy ban dân tộc...đã trình bày các tham luận liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Tây Nguyên.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị. Ông Nguyễn Trí Dũng khẳng định, những năm qua, các cấp, các ngành, nhất là các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của vùng Tây Nguyên, phát huy những tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và bền vững, đạt được nhiều kết quả to lớn, rất quan trọng.
Nghị quyết 23 đề ra 20 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội, môi trường đến năm 2030. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 khoảng 7-7,5%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng. Tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 29,5% trong GRDP; công nghiệp, xây dựng chiếm khoảng 26,9%; dịch vụ chiếm khoảng 38%.
Ngoài ra, Nghị quyết đề ra tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì giảm 1-1,5%/năm, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm. Tỷ lệ cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia với giáo dục Mầm non khoảng 60%. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90%; tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 47%...
Trong Nghị quyết 23 cũng khẳng định nhiệm vụ, giải phát chủ yếu tại Tây Nguyên là phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững; phát triển văn hóa – xã hội và nguồn nhân lực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, du lịch đặc sắc; tập trung hoàn thiện thế chế, chính sách liên kết vùng; đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; Tập trung cây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, đây là hội nghị 3 trong 1 nhưng gói gọn trong 8 từ “đột phá, bao trùm, toàn diện và bền vững”. Tây Nguyên có vị trí đắc địa, tầm quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, đối ngoại. Tây Nguyên cũng có nhiều cơ hội nhưng phát triển chưa tương xứng bởi hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu nguồn lực về con người và tài chính. Ngoài ra, việc kết nối nội vùng, ngoại vùng trong và ngoài nước vẫn chưa tốt.
Trong những năm tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng. Lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá.
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, du lịch, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai; đảm bảo quỹ đất sản xuất cho người dân, trong đó có đồng bào di dân tự do. Xử lý hiệu quả đất nông lâm trường và xử lý kịp thời những bất cập hiện nay.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh các địa phương cần xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch vùng, quy hoạch từng địa phương trong vùng, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và bền vững. Có cơ chế, chính sách phù hợp về bảo vệ rừng, phát triển kinh tế rừng; phát triển một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi phục vụ doanh nghiệp và người dân.
Tuy nhiên, Tây Nguyên vẫn còn những hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; thu hút đầu tư còn thấp; tình trạng di dân tự do vào Tây Nguyên ngày càng phức tạp; đất sản xuất, đất ở của đồng bào dân tộc thiểu số chậm được giải quyết.
Võ Việt