Truyền nhân họ Quách nối nguồn văn hiến Thăng Long

Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh (sinh năm 1981) là truyền nhân duy nhất của nghệ nhân Quách Văn Trường, người đặt nền móng cho việc khôi phục lại nghề đậu bạc truyền thống ở Định Công (Hà Nội).

Chúng tôi tìm đến làng Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) - thủ phủ của một trong “tứ nghệ tinh” đất Thăng Long: “Lĩnh Yên Thái, gốm Bát Tràng, bạc Định Công, đồng Ngũ Xã”  vốn nổi tiếng khắp đất kinh kỳ với nghề kim hoàn nhưng cũng đã từng bị “ngủ quên” hàng thập kỷ. 

nlntv-quach-tuan-anh-1668987842.jpg
Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh lựa chọn rẽ ngang để trở về với nghề truyền thống đậu bạc, quyết tâm dành cả một đời để giữ gìn và phát huy nét văn hóa truyền thống của làng Định Công (Hà Nội).

Nằm bên trong đền thờ tổ nghề kim hoàn, khu “xưởng” chỉ rộng chừng 15,2m2 là nơi nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh và những người thợ đang miệt mài với nghệ thuật “kéo chỉ bạc”. Bằng đôi tay khéo léo cùng sự tỉ mỉ kéo bạc thành từng sợi chỉ mảnh đã tạo nên tinh hoa của mảnh đất Thăng Long – Hà Nội.

Bạc Định Công theo dòng chảy lịch sử

“Theo dòng chảy của lịch sử Thăng Long, làng bạc Định Công có từ 1.500 năm trước. Để tưởng nhớ công ơn ông tổ nghề kim hoàn là 3 anh em Trần Điền, Trần Điện, Trần Hòa nên người dân Định Công dựng nhà thờ tổ được khánh thành từ năm 1941”, nghệ nhân Tuấn Anh nói. 

Theo truyền thuyết mà người dân Định Công truyền tai nhau, vào thời Lý Nam Đế (thế kỷ VI), ở làng Định Công có ba anh em họ Trần: Trần Điền, Trần Điện, Trần Hòa. Nhờ có bàn tay khéo léo lại thêm đức tính cần cù chịu khó, những đồ vàng bạc do ba anh em làm ra rất tinh xảo, tiếng đồn cứ thế vang khắp trong nước. 

nlntv-san-pham-1668987925.jpg
 
nlntv-san-pham-2-1668987914.jpg
Những bàn tay khéo léo, tỉ mỉ kéo bạc thành từng sợi chỉ mảnh như tóc để từ đó tạo ra họa tiết hoa văn, chim muông, cây lá.

Ba anh em dạy cho dân làng cùng làm nghề, từ đó làng Định Công có nghề làm vàng bạc truyền từ đời này qua đời khác được khắp nơi biết tiếng. Đầu thế kỷ XX, nghề đậu bạc phát triển cực thịnh và trở thành một trong bốn nghề tinh hoa nhất kinh kỳ Thăng Long.

“Làng Định Công xưa có 3 thôn: Thôn Thượng, thôn Trại và thôn Hạ, nhưng các họ theo nghề đều ở thôn Thượng. Họ Quách chuyên về đậu bạc; họ Trần, Mai chuyên làm vàng. Họ vừa làm nông nghiệp, vừa làm nghề, có những gia đình cả nhà theo nghề, chỉ cần đi tới đầu làng là tiếng búa nhộn nhịp”, nghệ nhân Tuấn Anh kể.

Từ xưa đến nay, người ta sử dụng 4 kỹ thuật chính trong nghề kim hoàn là: Trơn (làm nhẵn bóng, kết hợp gò sao cho hình khối đúng tiêu chuẩn); đấu (lắp ráp các chi tiết); chạm (khắc hình vẽ, hoa văn trên sản phẩm) và đậu (ghép nhiều chi tiết nhỏ thành sản phẩm). Trong đó, kỹ thuật đậu bạc đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ rất cao, khi làm phải đều tay, các chi tiết phải hài hòa, cân xứng mà sự kỳ công ấy chỉ có họ Quách ở thôn Thượng, làng Định Công mới làm được. 

Theo thời gian, nghề đậu bạc ở Định Công gần như mai một, số gia đình theo nghề chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Năm 1972, khi hợp tác xã kim hoàn giải thể do sự quản lý của chế độ bao cấp, nghề đậu bạc ở Định Công biến mất hoàn toàn, vắng bóng suốt một thời gian dài. 

nlntvcat-ve-1668987936.jpg
Người thợ sẽ tùy theo bản vẽ sẵn để cắt, bẻ, uốn, nắn dựng thành hình một sản phẩm.

Trải qua thăng trầm của dòng chảy lịch sử, làng nghề đậu bạc Định Công đã được vực dậy nhờ một người thương binh mang trên người nhiều vết thương bom đạn. Người thương binh ấy giờ đây đã trở thành một nghệ nhân danh tiếng, đặt nền móng khôi phục lại nghề đậu bạc truyền thống ở Định Công. Ông chính là nghệ nhân Quách Văn Trường. Không chỉ vực dậy nghề đậu bạc Định Công, nghệ nhân Quách Văn Trường còn lấy lại được vị thế của làng nghề kim hoàn có tuổi đời cả nghìn năm tuổi. 

Phải lòng với “hồn” nghề

Chưa bao giờ nghĩ sẽ nối nghiệp của bố, Quách Phan Tuấn Anh mong muốn có thể dùng tấm bằng cử nhân Luật và Quản trị kinh doanh của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thực hiện ước mơ, hoài bão của tuổi trẻ. 

Ngày ấy, chàng trai tuổi đôi mươi đã không ngần ngại từ chối bố bằng suy nghĩ: “Thay vì ngồi một chỗ gắn bó với công việc tỉ mẩn như thế mình có thể ra ngoài làm nhiều công việc mà mình yêu thích, những công việc năng động, phù hợp với xu hướng của thời cuộc”.

nlntv-uon-1668987930.jpg
Uốn sợi bạc là công đoạn thể hiện sự khéo léo và tài hoa nhất của người làm nghề đậu bạc.

Cái duyên đến cũng thật bất ngờ khi Quách Phan Tuấn Anh phải lòng với cây búa, ngọn lửa, sợi chỉ bạc trở thành truyền nhân duy nhất của nghệ nhân Quách Văn Trường. Anh nói: “Chúng không chỉ là công cụ mà còn là “hồn” nghề, là tinh hoa khéo léo của đôi bàn tay thể hiện kỹ thuật chế tác điêu luyện của người thợ làng bạc Định Công, điều chỉnh từng chi tiết cực nhỏ để hoàn thành các tác phẩm đậu bạc tuyệt kỹ”.

“Nghề đậu bạc không phải là nghề có thể học xong trong ngày một, ngày hai mà nó là cả một quá trình. Trong nghề có nhiều bước cơ bản, trước hết là học kiến thức làm nghề sau đó mới có thể làm nghề”, nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh nói. 

Theo nghệ nhân Tuấn Anh, bạc nguyên liệu phải là bạc nguyên chất mới mềm và dễ uốn, bạc nguyên liệu sẽ được nấu chảy trong một nồi đất nhỏ bằng ngọn lửa đèn xì có sức nóng lên đến cả ngàn độ; sau đó đổ vào các khuôn nhỏ tạo thành từng thanh bạc có kích thước như một chiếc đũa. 

Trước khi có sự xuất hiện hỗ trợ của máy móc, người thợ phải dùng búa và cái đe khoảng 10 lần mới ra khuôn cứng. Không cần tốn nhiều công sức, chỉ cần có chiếc máy cán bạc thì một thanh bạc có thể kéo dài với đường kính 5mm, máy cán có nhiều rãnh khác nhau, cho phép kéo thanh bạc thành sợi với nhiều kích thước. Thử tưởng tượng, quay ngược dòng thời gian để thấy người thợ bạc chỉ cùng chiếc búa, cái đe nhưng vẫn kéo dài được thanh bạc bằng kích thước y như vậy. 

nlntv-nhiet-do-1668987908.jpg
Khó nhất của công đoạn là điều chỉnh nhiệt độ lửa hàn sao cho chỉ đủ độ nóng chảy vẩy bạc (que hàn đồng) tại một điểm duy nhất, giúp chúng gắn chặt vào nhau. Nếu quá nhiệt, vẩy bạc sẽ nóng chảy ngay làm hỏng chi tiết, sản phẩm khi đó chỉ bỏ đi.

Từ sợi bạc nhỏ sẽ trải qua nhiều lần kéo rút để tạo thành những sợi chỉ bạc có kích thước rất nhỏ, đó cũng chính là nguyên liệu cho các nghệ nhân đậu bạc tạo thành hình sản phẩm. 

Sợi chỉ bạc nhỏ nhất có đường kính 0,26mm nghĩa là nhỏ và mảnh hơn cả dây đàn guitar loại nhỏ nhất. Tất cả các thao tác kéo, rút đều phải gia công nguội và hoàn toàn làm bằng tay với sự hỗ trợ của một trục cuốn. Dụng cụ để luồn sợi bạc to, rút cho nhỏ dần gọi là bản rút. Thành phẩm cho ra là những sợi bạc trơn nhỏ, tất cả thời gian rút mất từ 40 - 60 phút. 

Sau khi kéo rút theo mong muốn, người thợ sẽ phải se hai sợi chỉ trơn vào với nhau để tạo vân, làm cho sợi chỉ săn chắc. Quá trình se sợi diễn ra trong 2 lần mới đạt được yêu cầu tạo vân nhỏ đẹp. Sợi chỉ se lại được đưa qua máy cán dẹt, đây chính là bí quyết của từng nghệ nhân, qua đó tạo nên những chi tiết trang trí khác nhau.

nlntv-han-chi-tiet-1668987903.jpg
Hàn chi tiết trên một mặt phẳng còn dễ nhưng để hàn chi tiết trong không gian thì khó hơn nhiều.

Người thợ sẽ tùy theo bản vẽ sẵn để cắt, bẻ, uốn, nắn dựng thành hình một sản phẩm. Sợi chỉ bạc được cán dẹt nhằm tăng diện tích tiếp xúc của bề mặt, giúp các chi tiết không bị nghiêng trên một mặt phẳng, nhờ đó người thợ dễ uốn hơn. Tùy theo sản phẩm sẽ làm mà các chi tiết được cắt rời và đợi ghép lại với nhau. Có thể nói, đây là công đoạn thể hiện sự khéo léo và tài hoa nhất của người làm nghề đậu bạc. Hàng ngàn chi tiết phải được hàn, đính với nhau theo một thứ tự.

Cắt nghĩa từ “đậu” trong tên gọi nghề đậu bạc, nghệ nhân Tuấn Anh giải thích: “Đậu có nghĩa là đính, diễn tả công đoạn quan trọng nhất là hàn đính các vẩy bạc với nhau tạo thành hình con vật, tranh trang trí, đồ dùng… để mang lại vẻ quyền quý cho người sử dụng".

Hàn chi tiết trên một mặt phẳng còn dễ nhưng để hàn chi tiết trong không gian thì khó hơn nhiều. Chẳng thể làm khó được các nghệ nhân, bí quyết được nghệ nhân Tuấn Anh tiết lộ: “Đó là sử dụng nhựa quả dành dành để làm vật gắn kết trước, sau đó mới dùng lửa để hàn. Điều đặc biệt là loại nhựa dành dành này sẽ cháy hết, sạch và không để lại vết bám trên bàn. Để dẫn nhiệt khi hàn các chi tiết để lửa hàn chưa tới thì phải dùng hàn the”. Sản phẩm sau khi hoàn chỉnh sẽ được đun sôi trong nước phèn chua để trả lại độ sáng bóng của bạc nguyên chất.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề, là người tiếp nối cha ông, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của dân tộc - nghề đậu bạc gắn với ngôi làng Định Công, mang lại danh thơm cho đất Thăng Long. 

nlntv-san-pham-3-1668987919.jpg
Kỹ thuật đậu bạc đòi hỏi người thực hiện sự nhạy cảm, kiên trì, khéo léo và không ngừng sáng tạo. Chỉ những nghệ nhân vững nghề mới cho ra sản phẩm đều tay, không động vẩy, chi tiết hài hòa, cân xứng.

Nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh mong muốn sẽ phát triển được du lịch gắn với làng nghề bởi xưởng đậu bạc của Định Công nằm trong khuôn viên nhà thờ tổ kim hoàn, đình làng Định Công. Qua đó, vừa giới thiệu được nghề truyền thống của địa phương vừa quảng bá, tăng được đầu ra cho sản phẩm.

Hiện nay, nghệ nhân Tuấn Anh đã được một không gian trưng bày truyền thống để lưu giữ sản phẩm cho đời sau. Trước mắt là để người Định Công nhìn vào sẽ tự hào về sản phẩm của địa phương, từ đó cũng hy vọng sẽ kích thích nhiều bạn trẻ đến tìm hiểu và khởi phát nhu cầu học nghề, gìn giữ nghề. 

Bài và ảnh: HỒNG PHÚC

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/truyen-nhan-ho-quach-noi-nguon-van-hien-thang-long-a7876.html