Bám trụ với nghề, chờ ngày ‘hái quả ngọt’
Ra trường gần 15 năm, thầy Hoàng Đức Long (35 tuổi), giảng viên Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, đã có hơn 10 năm giảng dạy các thế hệ học sinh ngành điện tử.
Thầy Hoàng Đức Long bày tỏ nghề điện tử đang rất phát triển của các khu công nghiệp, khu chế xuất do các hãng công nghệ lớn như Apple, Samsung… dần chuyển xưởng sản xuất sang Việt Nam. Những người có trình độ cao đẳng có thể đảm nhận vị trí hướng dẫn công nhân trong dây chuyển lắp ráp linh kiện, chi tiết màn hình, cổng dây cắm, chi tiết máy, ai học sâu hơn thì làm ở trung tâm bảo hành sửa chữa máy tính, điện thoại, thiết bị y tế…
Theo thầy Hoàng Đức Long, các thiết bị, máy móc viễn thông, y tế, điện lạnh… có nhiều nguyên lý chung nên không khó để theo nghề. Mức lương sinh viên mới ra trường khoảng 6-7 triệu đồng/tháng, thấp nhất 8 triệu đồng/tháng với vị trí yêu cầu cao hơn. Những bạn trẻ có năng lực, ngoại ngữ, làm ở xưởng tự động hóa, máy móc chuyên dụng thì lương thưởng theo thỏa thuận, chẳng hạn từ 15-20 triệu đồng/tháng.
Kể về con đường lập nghiệp đi đến với nghề thầy giáo trường nghề, thầy Hoàng Đức Long cũng trải qua nhiều chông gai. Thầy Long tâm sự, ngày đó, công nghiệp chưa phát triển, rất ít doanh nghiệp FDI, là sinh viên nghề điện tử nhưng xin việc part-time để chi trả tiền học cũng rất khó khăn.
Thầy Long từng nghĩ đổi nghề, theo lĩnh vực khác để trang trải cuộc sống tốt hơn. Nhiều bạn của thầy Long học bỏ nghề, chuyển sang đi buôn, làm đại lý thiết bị xây dựng, làm sale thiết bị y tế… Còn Long và một số người bạn cố “bám trụ” với nghề điện tử.
Thành quả đến với người “giữ lửa đam mê”, Hoàng Đức Long đạt Huy chương đồng nghề Điện tử công nghiệp tại Kỳ thi tay nghề ASEAN năm 2008, Chứng chỉ Kỹ năng nghề xuất sắc nghề Điện tử công nghiệp tại Kỳ thi tay nghề thế giới năm 2009.
“Điện, điện tử, cơ khí từ dân dụng đến công nghiệp đang có nhiều cơ hội phát triển. Do vậy sắp tới, mình sẽ mở các lớp truyền dạy kinh nghiệm, chuyên môn cho các bạn trẻ, đồng thời cộng tác với doanh nghiệp để huấn luyện chuyên gia trưởng của nghề điện tử công nghiệp, huấn luyện thí sinh thi nghề quốc tế”, thầy Hoàng Đức Long chia sẻ.
Được bổ nhiệm là đại sứ Kỹ năng nghề năm 2022, thầy Hoàng Đức Long mong muốn có thể góp phần thay đổi nhận thức về lựa chọn nghề nghiệp cũng như lan tỏa giá trị kỹ năng nghề.
“Có rất nhiều con đường để mỗi bạn trẻ lựa chọn và học nghề cũng là một con đường để người trẻ dấn thân, lập nghiệp. Bản thân sẽ kết nối doanh nghiệp với nhà trường để đưa các bạn học sinh, sinh viên “ăn, ở, cùng làm” tại xưởng sản xuất để “nuôi” ước mơ trở thành kĩ thuật viên, tích lũy kinh nghiệm. ”, thầy Long khẳng định.
Quen với gạch, vữa từ thuở còn thơ
Trước khi trở thành giảng viên Trường Cao Đẳng Cơ điện xây dựng Việt - Xô, Phạm Văn Linh (31 tuổi) từng đạt Huy chương vàng nghề Ốp lát tường và sàn tại kỳ thi tay nghề ASEAN năm 2012 và Chứng chỉ Kỹ năng nghề xuất sắc nghề Ốp lát tường và sàn tại Kỳ thi tay nghề thế giới năm 2013.
Nói về cơ duyên đến với nghề, Phạm Văn Linh chia sẻ bản thân sinh ra trong gia đình “cha truyền con nối”, khi các chú các bác ai cũng làm nghề xây dựng nên ngay từ bữa cơm, những lần được qua công trường, anh đều ấn tượng với công việc này.
“Mình quyết định theo nghề vì muốn có kiến thức để cải tiến các khâu thủ công khi xây dựng. Chẳng hạn, sàng cát bằng tay rất mất thời gian, năng suất thấp… Nhìn sự vất vả của các anh, các chú nên mình quyết tâm đi học để tìm cách cải tiến, giảm công lao động.
Hay việc ốp lát sàn thủ công khiến mặt gạch chỗ dư chỗ thiếu vữa. Sau khi đi học, mình đã tìm ra cách sử dụng máy để cán vữa đều, nhanh, tiết kiệm nhất là với sàn rộng hàng trăm mét vuông trở lên”, Phạm Văn Linh trải lòng.
Tuy vậy, nói thì dễ học mới khó, Phạm Văn Linh có ý tưởng nhưng không được học cơ khí nên chỉ hoàn thành được bản vẽ khung và chi tiết máy, đến khâu chế tạo lại phải nhờ bạn bè hỗ trợ.
“Tôi cũng gặp thất bại nhiều. Như máy làm vữa, khi lắp băng tải cuốn gạch vào vữa, tốc độ nhanh thì không đạt tiêu chuẩn, chậm quá thì không đảm bảo tiến độ… Mình cứ mày mò, điều chỉnh nhiều phương án, cuối cùng cũng thành công. Mình luôn tự vạch ý ra nguyên nhân từ đâu, tự động viên làm cho bằng được. Nếu việc gì không có chuyên môn thì mới nhờ các thầy góp ý, không được nản ngay”, Phạm Văn Linh tâm sự.
Đã hơn 10 năm cầm bay, cầm búa, thầy Phạm Văn Linh hiểu cảm giác “cả thèm chóng chán, hí hửng khi mới học nghề” nên luôn động viên các bạn đi sau phải nhớ “kiên trì làm mọi thứ, suy nghĩ đi với hành động”.
“Trong ngành xây dựng, ai cũng chịu áp lực tiến độ, yêu cầu kĩ thuật cao nên bạn trẻ cần yêu nghề, kiên trì, có trách nhiệm với nhiệm vụ được giao, tôn trọng mọi người. Đã làm nghề thì xác định có vất vả, nắng mưa. Để hiểu rõ và làm giỏi nghề thì các bạn phải ra công trường, cầm búa, cầm thước, làm việc như công nhân, từ đó tích lũy kinh nghiệm thực tế. Muốn giám sát, chỉ đạo, cải tiến công việc, hãy luôn đặt mình vào vị trí người thợ”, thầy Phạm Văn Linh chia sẻ.
Bài, ảnh: XM/Báo Tin tức
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nhung-nguoi-thay-la-dai-su-nghe-truyen-cam-hung-ve-ky-nang-a7862.html