Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ-cơ quan chủ trì soạn thảo Chiến lược Quốc gia phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030 (Chiến lược), cho thấy, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 về "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" và các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, bên cạnh những kết quả đã được, so với yêu cầu hiện tại, Việt Nam còn thiếu cả về số lượng và chất lượng đội ngũ trí thức. Tình trạng phân bổ, cơ cấu đội ngũ trí thức còn chưa phù hợp, thiếu những chuyên gia đầu ngành, đội ngũ kế cận hẫng hụt.
Trong khi đó, chính sách phát triển đội ngũ trí thức hiện nay còn dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, chưa có tính đột phá, thậm chí không khả thi. Môi trường và điều kiện làm việc, chính sách đãi ngộ, sử dụng, đặc biệt trong khu vực Nhà nước, chưa đủ mạnh để thu hút và giữ chân những trí thức tài năng.
Vì vậy, mục tiêu tổng quát của Chiến lược là: Xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, đạt chất lượng cao, số lượng và cơ cấu hợp lý, tham gia trực tiếp và khẳng định vai trò đối với thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước phát triển nhanh và bền vững, chủ yếu dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại vào năm 2030.
Về một số giải pháp chung để phát triển đội ngũ trí thức, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất như: Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, quản lý phát triển đội ngũ trí thức; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách về thu hút, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức; tạo lập môi trường pháp lý, các điều kiện thuận lợi cho hoạt động của đội ngũ trí thức; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức; hoàn thiện cơ chế chính sách về đầu tư và tài chính cho phát triển đội ngũ trí thức; tập hợp, nắm bắt hiện trạng, nhu cầu học tập, làm việc của đội ngũ này.
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến đã đóng góp cụ thể vào tiêu chí xác định trí thức, việc xác định các nhóm trí thức trong lĩnh vực hoạt động cụ thể, mục tiêu đề ra, giải pháp thực hiện…
Cụ thể, về chỉ tiêu phát triển đội ngũ trí thức thông qua số người có bằng cấp, số lượng bằng sáng chế, công bố khoa học… được nêu trong dự thảo, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng, các chỉ tiêu trên chủ yếu tập trung vào đội ngũ trí thức làm khoa học, những người có bằng cấp.
"Trí thức phải là những người có lòng yêu nước, trình độ chuyên môn, học vấn cao, có những công trình, đóng góp lớn, quan trọng và có giá trị cho xã hội", nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đề xuất.
Đồng tình quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, Chiến lược cần tập trung vào phát triển lực lượng trí thức nòng cốt, những cá nhân có đóng góp giá trị cho xã hội về vật chất, tinh thần, góp phần thúc đẩy đội ngũ trí thức phát triển; từ đó, việc thực hiện chiến lược vừa bảo đảm diện rộng nhưng có trọng tâm, trọng điểm.
Tại cuộc họp, Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho rằng, cần làm rõ hơn nữa tiêu chí về học vấn, chuyên môn; giá trị, mức độ ảnh hưởng trong xã hội của những công trình, tác phẩm của các trí thức.
Cùng với việc tôn vinh, tạo điều kiện cho các trí thức hoạt động, Thứ trưởng đề xuất cần có biện pháp đấu tranh, xử lý những người có các hành vi không phù hợp, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp thu các ý kiến, quán triệt nghiêm túc, đầy đủ nội dung, tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 6/8/2008 về "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước", nhất là 3 quan điểm chỉ đạo được nêu trong nghị quyết.
Cụ thể, trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Ðảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Ðầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững.
Xây dựng đội ngũ trí thức là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm của Ðảng và Nhà nước giữ vai trò quyết định. Trí thức có vinh dự và bổn phận trước Tổ quốc và dân tộc, không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghề nghiệp của trí thức.
Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến; có chính sách đặc biệt đối với nhân tài của đất nước.
Về các nhóm giải pháp, Phó Thủ tướng lưu ý phải tạo điều kiện cho trí thức làm việc thật tốt, tham gia đóng góp vào xây dựng chủ trương chính sách, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong xã hội.
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về các cơ chế, chính sách phát triển trí thức hoạt động trong những lĩnh vực, khu vực như: Giáo dục, văn học nghệ thuật, pháp luật, y tế, doanh nghiệp, hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, các hội, đoàn thể chính trị-xã hội nghề nghiệp…; có giải pháp phát huy toàn dân, đặc biệt là đội ngũ trí thức, vào xây dựng, hình thành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước…/.
Đình Nam
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/tao-dieu-kien-tot-nhat-cho-tri-thuc-lam-viec-cong-hien-lan-toa-gia-tri-tot-dep-a7671.html