Chương trình làm việc hôm nay, thứ ba, ngày 8/11/2022:
Quốc hội dành cả ngày để thảo luận ở Hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.
- Thứ hai, ngày 7/11/2022, Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV bước vào ngày làm việc thứ 15 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Buổi sáng
*Từ 8 giờ đến 9 giờ 30 phút:
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Tại phiên thảo luận đã có 10 đại biểu phát biểu. Đa số ý kiến đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk để phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển thành phố Buôn Ma Thuột nhanh và bền vững, trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, cực tăng trưởng có tác động lan tỏa tới các tỉnh trong vùng.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về những nội dung cụ thể như: về mức tăng dư nợ vay tăng thêm so với Luật Ngân sách nhà nước; tăng thêm định mức chi thường xuyên theo định mức dân số; các chính sách ưu đãi về thuế cho một số lĩnh vực cần khuyến khích; các dự án đầu tư sản xuất nông, lâm sản, chế biến cà phê và chuỗi dịch vụ có liên quan đến cà phê trên địa bàn Buôn Ma Thuột; quy định về điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung; xây dựng khu chức năng quy hoạch chung đô thị thành phố Buôn Ma Thuột; chính sách ưu đãi đối với các chuyên gia, nhà khoa học tài năng, đặc biệt trong một số lĩnh vực cần thu hút làm việc tại thành phố Buôn Ma Thuột; chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kết nối và phát triển văn hóa du lịch.
Ngoài ra, có ý kiến đại biểu đề nghị cần quy định rõ nội hàm của “chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt”, các sản phẩm nông sản; bổ sung chính sách phát triển vùng nguyên liệu; đề nghị rà soát thêm để đảm bảo tính khả thi, tính công bằng của các chính sách; rà soát, hoàn thiện các nghị quyết để ngăn ngừa, không để xảy ra chuyển giá, trốn nợ thuế khi áp dụng chính sách thuế và đảm bảo cạnh tranh công bằng; các điều kiện để đảm bảo quốc phòng, an ninh do vị trí chiến lược của Buôn Ma Thuột và vùng Tây Nguyên.
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
* Từ 9 giờ 50 phút đến 11 giờ 30 phút
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu.
Sau đó, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá. Tại phiên thảo luận đã có 14 đại biểu phát biểu, 1 đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với nội dung, Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về những nội dung: quyền, nghĩa vụ của người trúng đấu giá; quy định giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá; quy định đấu giá trong trường hợp chỉ có 1 người đăng ký tham gia đấu giá hoặc có nhiều người đăng ký nhưng chỉ có một người tham gia đấu giá hoặc có nhiều người tham gia đấu giá nhưng chỉ có 1 người trả giá thì biển số sẽ được bán khi giá được trả bằng với giá khởi điểm cộng với ít nhất một bước giá;
Quyền và nghĩa vụ của người nhận chuyển nhượng, người được cho, tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá được sử dụng biển số xe trúng đấu giá để đăng ký cho xe thuộc sở hữu của mình; quyền, nghĩa vụ của người trúng đấu giá, người nhận chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số ô tô trúng đấu giá theo xe; việc hoàn tiền trúng đấu giá khi người trúng đấu giá chết nhưng biển số chưa được đăng ký; giá khởi điểm; hình thức đấu giá; thời gian thí điểm; quy định biển số ô tô là tài sản công, phục vụ quản lý nhà nước (tài sản đặc thù).
Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu đề nghị nên có hệ thống theo dõi địa chỉ IP của máy tính hoặc thiết bị thông minh thường xuyên kết nối vào trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến; đề xuất cách xác định biển số đẹp; thiết kế một trang infographic trình bày quy trình đấu giá bằng hình ảnh để người dân dễ hình dung và dễ tham gia đấu giá khi Nghị quyết được Quốc hội thông qua...
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều
Quốc hội thảo luận ở tổ về: (1) Dự án Luật Giá (sửa đổi); (2) Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi); (3) Việc thực hiện Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam liên quan đến thông tin “nơi sinh” trên hộ chiếu.
CHUNG VIỆT
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/hom-nay-811-quoc-hoi-danh-ca-ngay-thao-luan-ve-cong-tac-phong-chong-toi-pham-tham-nhung-nam-2022-a7646.html