Tại buổi họp báo, ông Lê Trọng Minh - Tổng Biên tập báo Đầu tư, Trưởng Ban Tổ chức M&A Vietnam Forum 2022 - cho biết: Kể từ khi Diễn đàn M&A Việt Nam thường niên được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2009 đến nay, hoạt động M&A đã không ngừng phát triển mạnh mẽ về số lượng cũng như quy mô thương vụ, trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao năng lực quản trị và sức cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, hoạt động M&A tại Việt Nam trong thời gian gần đây đang có những động thái đáng chú ý, như sự sút giảm mạnh về giá trị của các thương vụ. Theo dữ liệu từ KPMG, tính chung 10 tháng qua, tổng giá trị M&A ước đạt 5,7 tỷ USD, giảm khoảng 35,3% so với cùng kỳ năm 2021. Một số nguồn tin trong cuộc cũng cho biết, nhiều thương vụ M&A, trong đó có cả những thương vụ lớn, đang chưa thể triển khai như kế hoạch, bởi còn gặp một số trở ngại.
Ông Lê Trọng Minh bình luận, có thể có nhiều cách lý giải khác nhau về những động thái trên: Đại dịch COVID-19 làm gián đoạn quá trình gặp gỡ thương thảo hay nặng nề hơn là khiến thực trạng của doanh nghiệp, đặc biệt là năng lực tài chính, cả bên mua và bên bán thay đổi ngoài dự đoán; những biến động mạnh của nền kinh tế toàn cầu mà tương lai chưa thể đoán định; cạnh tranh căng thẳng giữa các quốc gia lớn… Những yếu tố này không thể không ảnh hưởng đến toan tính của các bên tham gia thương vụ.
“Song chúng ta cũng đang được chứng kiến một bức tranh khác. Nền kinh tế Việt Nam đang hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch và thể hiện sức chống chịu khá vững vàng trước các tác động bên ngoài. Nhu cầu phát triển trong bối cảnh mới của cộng đồng doanh nghiệp trong nước đòi hỏi sự bổ sung mạnh mẽ không chỉ ở phương diện nguồn vốn mà còn là các bí quyết công nghệ mới và kỹ năng quản trị hiện đại. Sự nổi lên của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước với tư cách là bên mua đang dần trở thành một đối trọng với những “thợ săn M&A” từ bên ngoài biên giới. Sự bùng nổ của những hoạt động kinh tế mới, nhất là những lĩnh vực công nghệ đầy sáng tạo khiến những phương thức hợp tác truyền thống trở nên dường như kém hiệu quả hơn…”, ông Lê Trọng Minh nhận định.
Ông Lê Trọng Minh đặt câu hỏi rằng: Liệu một môi trường đầy biến động như hiện nay sẽ mang đến những điều kiện tốt để kích hoạt những cơ hội M&A mới? Phải chăng sự sút giảm về tổng giá trị các thương vụ M&A mà chúng ta đang thấy chỉ mang tính nhất thời, và đây chính là lúc để hoạt động M&A thể hiện tính ưu thế trong việc giúp các doanh nghiệp đạt được mục tiêu phát triển của mình, vì vậy thị trường M&A tại Việt Nam hiện chỉ đang như một chiếc lò xo bị nén chặt, chỉ chờ cơ hội bật lên mạnh mẽ?
Những câu hỏi này thôi thúc Ban Tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam 2022 đưa ra chủ đề “Kích hoạt những cơ hội mới” để các bên tham gia sẽ cùng thảo luận vào ngày 23/11 tới tại Trung tâm Hội nghị GEM, TP.HCM. Như thường lệ, Diễn đàn sẽ là nơi quy tụ các chuyên gia hàng đầu từ các cơ quan quản lý nhà nước, các quỹ đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như những người đang rất quan tâm tìm kiếm cơ hội đầu tư và thông tin về thị trường M&A tại Việt Nam.
“Tại sự kiện thường niên uy tín về kênh đầu tư thông qua M&A năm nay sẽ thảo luận chuyên sâu các cơ hội, cũng như những nút thắt trong M&A tại Việt Nam, làm sao để tiếp tục thu hút dòng tiền từ các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh và các quỹ đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các quỹ đầu tư tư nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm có lượng tiền dự trữ dồi dào đang tìm nơi rót vốn”, ông Lê Trọng Minh - Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam nhận xét.
Diễn đàn dự kiến sẽ thu hút hơn 500 khách tham dự và cùng nhau thảo luận chuyên sâu các cơ hội M&A tại Việt Nam. Diễn đàn M&A 2022 sẽ bao gồm các hoạt động chính: Hội thảo chuyên đề M&A với 02 phiên chính. Tại phiên 01 với chủ đề “Cơ hội M&A trong thị trường đầy biến động”, các diễn giả sẽ tập trung phân tích và thảo luận các vấn đề như: Sự biến động tỷ giá và lạm phát tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU… ảnh hưởng như thế nào đến xu hướng M&A vào các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng?
Tại phiên 01, các diễn giả cũng sẽ thảo luận các vấn đề như: Trong giai đoạn chính sách tiền tệ thắt chặt, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn dẫn đến nhu cầu bán tài sản hoặc gọi thêm vốn, nhưng phía mua (buy side) lại kẹt nguồn. Với tình hình hiện tại, cơ hội M&A có thể lớn nhưng nguồn đến từ đâu, trong nước hay nước ngoài? Theo số liệu của PwC, các quỹ PE toàn cầu hiện có lượng tiền dự trữ lên tới hơn 2.000 tỷ USD, có thể cung cấp một nguồn vốn dồi dào để thực hiện thương vụ M&A...
Đồng thời nêu rõ cách tiếp cận trong phương thức thực hiện các giao dịch sẽ cần phải thay đổi như thế nào để thích ứng với một môi trường kinh tế nhiều biến động như hiện nay? M&A trong những ngành nào sẽ sôi động trong thời gian tới? Các yếu tố và xu hướng kinh tế vĩ mô hiện tại sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quá trình thực hiện thương vụ của các ngành?
Phiên 2 Diễn đàn M&A 2022 với chủ đề “Thiết lập các giá trị mới”, sẽ dành thời gian cho các nhà tạo lập thương vụ chia sẻ về: Cơ hội mới tạo ra giá trị mới ở những góc cạnh nào? Yếu tố quyết định giá trị mới trong các thương vụ tương lai? Xu hướng liên kết M&A và những giá trị cộng hưởng nào sẽ được chú trọng trong giai đoạn sắp tới? Các doanh nghiệp Việt Nam nên chuẩn những gì để có thể chào đón xu hướng đó? Những kinh nghiệm thực tế để cùng nhau thiết lập các giá trị mới. Kinh nghiệm và cách thức để vượt qua những khó khăn và rảo cản khi thực hiện thương vụ M&A.
Bên lề Diễn đàn, Ban Tổ chức cũng sẽ dành không gian và thời gian cho các hoạt động kết nối đầu tư, gặp gỡ các doanh nghiệp để cùng nhau chia sẻ thông tin, tìm kiếm đối tác. Đặc biệt, Diễn đàn năm nay sẽ tiếp tục vinh danh các Thương vụ và Nhà tư vấn M&A tiêu biểu 2021 - 2022.
Nguyễn Liên
Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/kich-hoat-nhung-co-hoi-moi-tai-su-kien-manda-vietnam-forum-2022-a7582.html