Nghỉ Tết Dương lịch 3 ngày: Người lao động chần chừ không dám về quê

Tết Dương lịch năm nay được nghỉ 3 ngày, nhưng nhiều người lao động không dám về quê nghỉ lễ vì sợ bị cách ly hay mang dịch COVID-19 về quê.

Nếu như tầm này mọi năm, khắp các bến xe cửa ngõ tấp nập người về quê nghỉ Tết thì năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 các bến xe thưa thớt, vắng vẻ, mỗi xe lác đác vài hành khách. Nhiều người băn khoăn không biết có nên về quê nghỉ Tết hay không, nhất là những người ở vùng dịch, F0 vừa khỏi bệnh...

phong-cho-ban-ve-tai-ben-xe-my-dinh-vang-bong-khach-do-anh-huong-cua-dich-1640917470.jpg
Phòng chờ bán vé tại Bến xe Mỹ Đình vắng bóng khách do ảnh hưởng của dịch

6 tháng không được gặp con

Chị Nguyễn Thanh Bình (33 tuổi, quê Vĩnh Phúc) đang là nhân viên Hành chính nhân sự của một công ty tại Hà Nội, nửa năm nay chị luôn đếm ngược từng ngày về quê. Từ lúc dịch bùng phát giữa năm 2021, chị Bình phải gửi bé Bông (3 tuổi) về quê nhờ ông bà ngoại chăm.

6 tháng nay mẹ con chị chưa được gặp nhau, mọi thông tin chỉ được kết nối qua màn hình điện thoại. Ban đầu chị chỉ dự định gửi con về với ông bà một tháng, nhưng do dịch phức tạp, hết tháng này đến tháng kia cũng không về đón con được. 

"Lần nào gọi điện về cho con, Bông luôn hỏi mẹ 'Bao giờ bố mẹ về thế, con nhớ bố mẹ nhiều lắm'...  nhiều hôm hai mẹ con nhìn nhau qua điện thoại khóc nức nở. Bông cũng không chịu ngủ, cứ muốn nói chuyện cùng mẹ. Để dỗ dành con tôi đành phải nói dối, con đi ngủ đi mai mẹ về mẹ đón", chị Bình cho biết.

Sáng hôm sau, tỉnh giấc không thấy mẹ về, con bé khóc đòi gọi mẹ bằng được. Ở đầu dây bên kia, chị Bình vừa nhấc máy đã nghe tiếng bé Bông hờn dỗi: "Mẹ nói dối, con không chơi với mẹ nữa đâu", rồi cô bé tắt máy. Kể từ hôm đó đến nay, mặc dù đã được ông bà và bố mẹ giải thích là mẹ không thể về được do con "quái vật corona" nhưng Bông vẫn không quên được mẹ đã từng nói dối mình.

Đợi mãi, cuối cùng cũng đến dịp nghỉ lễ Tết Dương lịch, những tưởng sẽ được về quê nghỉ ngơi và chơi cùng con thì chị Bình lại nghe tin về quê sẽ phải cách ly tại nhà 7 ngày. "Nhớ con, tôi cũng phải ráng chịu đựng, chứ về quê mùa dịch này nhiều cái phải lo nghĩ lắm. Thế là lại thêm một lần thất hứa với con nữa rồi", chị Bình thở dài.

Giống như chị Bình, nửa năm nay bạn Phạm Minh Hằng cũng chưa được về nhà. Hằng vừa trải qua 10 ngày điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Mặc dù đã được xác nhận khỏi bệnh và xuất viện đến nay đã được 2 tuần nhưng Tết dương này Hằng cũng không dám về quê.

Hằng cho biết: "Nghe mẹ em kể lại, lúc biết em là F0, ở quê hàng xóm ai cũng lời ra tiếng vào. Mọi người còn không dám sang nhà chơi vì sợ bố mẹ em là F1. Nhưng thực tế, nửa năm nay em chưa về quê rồi. Lúc biết bố mẹ không phải là F1 thì mọi người mới đến nhà."

Mặc dù rất nhớ nhà nhưng Hằng vẫn quyết định ở lại Hà Nội để đảm bảo an toàn cho mọi người trong gia đình. Hằng nghĩ rằng không chỉ có mình mà nhiều người cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự, nhất là khi số ca dương tính ở Hà Nội ngày càng tăng cao. 

Giỗ mẹ cũng không dám về

Chị Bùi Thị Thảnh (26 tuổi) và chồng anh Bùi Xuân Thái (29 tuổi, cùng quê Hưng Yên) đang sinh sống làm việc tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Khu vực này được xếp vào vùng vàng (tương đương cấp độ 2). Mặc dù cấp độ dịch không nghiêm trọng như các quận khác nhưng dịp Tết Dương lịch này anh chị quyết định không về quê.

Sắp tới, ngày 1/1 Dương lịch (29/11 Âm lịch) là tròn 26 năm ngày giỗ mẹ chồng chị Thảnh. Mọi năm bận mấy, anh chị cũng cố gắng về làm một vài mâm cỗ mời anh chị em trong nhà. Hôm trước, anh Thái gọi điện về quê thông báo với người thím về việc chuẩn bị về giỗ mẹ. Thím anh khuyên "thôi để sang năm làm, trên đấy dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, vợ chồng có mời cũng không ai dám đến".

Nghe thím nói vậy, anh Thái buồn hẳn, nhưng nghĩ đi nghĩ lại lời thím nói cũng đúng. Đặc thù công việc, mỗi ngày vợ chồng anh phải tiếp xúc 10 - 20 người, về quê không may mang bệnh về thì lại ân hận với họ hàng, làng xóm. Nghĩ rồi hai vợ chồng thống nhất đưa ra quyết định ở lại trên này hương hoa, thắp hương mẹ, không về quê làm giỗ nữa.

"Phận làm con những dịp quan trọng như vậy lại không về được, mình cảm thấy rất buồn và áy náy. Mong mẹ trên cao thông cảm cho hai đứa", chị Thảnh cúi mặt nói.

phong-cho-ban-ve-tai-ben-xe-my-dinh-vang-bong-khach-do-anh-huong-cua-dich-1640917470.jpg
Chị Thảnh đang làm nail tại một cửa hàng ở quận Thanh Xuân, công việc phải tiếp xúc nhiều người

Sợ phải “ngoáy mũi”

Thu Hà (26 tuổi, quê Hải Dương) đang làm biên tập viên cho một công ty ở Hà Nội. Mặc dù chỉ cách nhà 70km, nhưng một năm nay Hà chưa về nhà. "Cứ mỗi lần định về y như rằng ở quê hoặc trên này lại có ca nhiễm COVID, không thì mình lại là F1. Dự định về quê thăm nhà của mình bị gián đoạn hết lần này đến lần khác", Hà cho biết.

Hà là con một trong gia đình, bố mẹ Hà năm nay đã ngoài 50 tuổi, sức khoẻ cũng yếu, “trái gió trở trời” là lại đau ốm liên tục. Hai tháng trước, bố Hà bị ốm phải nằm ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, nhưng Hà cũng không thể về chăm sóc bố vì đang là F1. Những tưởng Tết Dương lịch này sẽ được về nhà thì mỗi ngày Hà Nội lại có đến gần 2.000 ca F0, khiến Hà không khỏi lo lắng.

Hà không nhớ nổi số lần mình phải test nhanh COVID đến nay là bao nhiêu lần. Cô bị bị ám ảnh bởi cảm giác tăm bông chọc vào mũi và rồi lại hồi hộp chờ đợi kết quả sau khi test. "Mặc dù rất muốn về quê, nhưng cứ nghĩ đến cảnh xếp hàng đợi test, rồi ngồi đợi kết quả là mình lại cảm thấy sợ. Thôi thì đành phải chờ đến Tết Nguyên đán vậy", Thu Hà nói.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp, nhiều người buộc phải xa người thân mà không biết ngày nào sẽ được gặp lại. Tất cả người dân đều mong đại dịch COVID-19 sớm được đẩy lùi, để những người đi làm ăn xa nhà có thể trở về sum họp cùng gia đình khi Tết đến Xuân về.

 

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/nghi-tet-duong-lich-3-ngay-nguoi-lao-dong-chan-chu-khong-dam-ve-que-a747.html