Không đăng ký biến động đất đai bị xử phạt thế nào?

Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nếu không thực hiện đăng ký biến động đất đai có thể chịu mức phạt lên đến 10.000.000 đồng, tùy thuộc vào phạm vi vùng.

don-dang-ky-bien-dong-dat-dai-1666173123.png
Mẫu đơn đăng ký biến động đất đai

Đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất là việc thực hiện thủ tục để ghi nhận sự thay đổi về một hoặc một số thông tin đã đăng ký vào hồ sơ địa chính theo quy định của pháp luật. Đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận hoặc đã đăng ký mà có thay đổi, theo quy định tại khoản 4 Điều 95 Luật đất đai 2013 như sau:

(a) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;

(b) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên;

(c) Có thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất;

(d) Có thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký;

(đ) Chuyển mục đích sử dụng đất;

(e) Có thay đổi thời hạn sử dụng đất;

(g) Chuyển từ hình thức Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm sang hình thức thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê; từ hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang hình thức thuê đất; từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định của Luật này;

(h) Chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của vợ hoặc của chồng thành quyền sử dụng đất chung, quyền sở hữu tài sản chung của vợ và chồng;

(i) Chia tách quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của tổ chức hoặc của hộ gia đình hoặc của vợ và chồng hoặc của nhóm người sử dụng đất chung, nhóm chủ sở hữu tài sản chung gắn liền với đất;

(k) Thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật;

(l) Xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề;

(m) Có thay đổi về những hạn chế quyền của người sử dụng đất.

mot-ban-lang-nguoi-thai-duoi-chan-deo-khau-pha-result-1666173277.jpg
Cần lưu ý rằng mức phạt nêu trên chỉ áp dụng với hành vi vi phạm ở nông thôn và mức phạt sẽ tăng gấp 02 lần đối với hành vi vi phạm ở đô thị

Khi có những thay đổi theo các điểm a, b, h, i, k, l như trên mà người sử dụng đất, chủ sỡ hữu tài sản không thực hiện đăng ký biến động đất đai sẽ chịu mức xử phạt tiền:

- Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu trong thời gian 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định (không quá 30 ngày kể từ ngày có biến động) mà không thực hiện đăng ký biến động;

- Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu quá thời hạn 24 tháng kể từ ngày quá thời hạn quy định (không quá 30 ngày kể từ ngày có biến động) mà không thực hiện đăng ký biến động.

Cần lưu ý rằng mức phạt nêu trên chỉ áp dụng với hành vi vi phạm ở nông thôn và mức phạt sẽ tăng gấp 02 lần đối với hành vi vi phạm ở đô thị.

Võ Việt

Link nội dung: https://nguonluc.com.vn/khong-dang-ki-bien-dong-dat-dai-bi-xu-phat-nhu-the-nao-a7303.html